01/11/2019 13:02 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Chỉ mất đúng 10 năm để trở thành đội bóng giàu thành tích nhất trong lịch sử làng cầu nội, Hà Nội FC xứng đáng để tự hào, nhưng với đại diện bóng đá Thủ đô, thách thức từ chữ Chuyên thì vẫn chưa dừng lại...
1. Dù là 1 trong những cái nôi và trung tâm lớn của bóng đá nước nhà thời hiện đại, nhưng để định hình một cách chính xác về đội bóng Hà Nội, của riêng Hà Nội thật khó, mặc cho thời bao cấp, chỉ tính riêng trên địa bàn Thủ đô đã từng có đến 5-6 đội chơi ở hạng cao nhất của hệ thống thi đấu quốc gia.
Khó là bởi đông, nhưng đa phần lại là các đội bóng của ngành như Thể Công hay Quân khu Thủ đô, Phòng không, Tổng cục Đường sắt... và vì thế, những năm tháng huy hoàng nhất của bóng đá Thủ đô trên sân chơi quốc gia gắn liền với cái tên Công an Hà Nội. Ra đời năm 1956 và ngay lập tức trở thành thế lực của bóng đá Việt Nam với 2 chức vô địch giải hạng A miền Bắc (1962, 1964) và 2 chức vô địch giải thống nhất miền Bắc (1964, 1969). Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử nửa thế kỷ của mình, Công an Hà Nội chỉ có duy nhất 1 chức VĐQG vào năm 1984 khi đánh bại "đại kình địch" CLB Quân đội (tên cũ của Thể Công hiện nay) 2-1 trong trận chung kết.
Thực ra còn 1 đội bóng khác vào thập niên 80 thế kỷ trước cũng mang tên Hà Nội, đó là Công nhân xây dựng Hà Nội (hay còn những cái tên khác như Xây dựng Hà Nội; Thanh nhiên Hà Nội), nhưng quá trình tụt dốc của bóng đá Thủ đô bắt đầu vào năm 2002 khi Công an Hà Nội giải thể và đổi thành Hàng không Việt Nam (chỉ thi đấu 1 mùa V-League 2003), sau đó lực lượng được "chia về" 2 đội bóng doanh nghiệp, một trào lưu mới thời lên chuyên là Hà Nội ACB và Hòa Phát Hà Nội.
Nhưng ngay cả 2 đội bóng mới này dù được quản lý theo mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn không tìm được sức mạnh chuyên môn vì đơn giản là nó giống như 1 thương vụ hơn là cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Việc Hòa Phát, sau đó đến Hà Nội ACB sớm "biến mất" xét cho cùng cũng là hệ quả của thứ bóng đá "ngắt ngọn" thời lên chuyên.
2. Con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp của Hà Nội FC cũng chẳng khác là bao. Cũng là mô hình bóng đá doanh nghiệp với sự hậu thuẫn lớn từ ông bầu có tiềm lực, khác chăng chỉ là Hà Nội FC là đội bóng hoàn toàn mới thay vì mua lại thương hiệu cũ để đầu tư. Thậm chí, ngay khi ra đời (ngày 18/6/2006) cái tên Hà Nội T&T cũng gây nhiều tranh cãi khi dường như nó đại diện cho công ty của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T) nhiều hơn là đại diện cho bóng đá Thủ đô.
Rồi ngay cả khi bắt đầu từ hạng thấp nhất - hạng Ba và làm nên kỳ tích chưa có tiền lệ trong làng cầu nội - Mỗi năm tiến 1 bậc và chỉ mất tròn 3 năm đã giành suất lên chơi chuyên nghiệp V-League 2009, kể cả chức vô địch đầu tiên V-League 2010, đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì với không ít người, kể cả dân trong nghề đơn thuần, đó đơn giản chỉ là cuộc kinh doanh thành công trên sân cỏ của bầu Hiển.
Khác biệt lớn nhất của Hà Nội FC so với nhiều đội bóng khác trong nước, đó là sau thành công, dù dòng tiền tỷ từ túi bầu Hển vẫn đổ vào sân Hàng Đẫy, nhưng cách làm bóng đá của CLB trở nên chuyên nghiệp hơn. Sân Hàng Đẫy được UBND thành phố giao về cho đội bóng quản lý và cải tạo nâng cấp để trở thành 1 trong những sân có mặt cỏ đẹp nhất Việt Nam. Công tác truyền thông được chú trọng hơn với điểm nhấn là xây dựng hình ảnh đội bóng xứng đáng đại diện cho người hâm mộ Thủ đô và sau nhiều năm vắng lặng, sân Hàng Đẫy thực sự hồi sinh để trở thành "địa chỉ đỏ" của fan hâm mộ, đặc biệt là với lớp fan trẻ tuổi.
Quan trọng hơn, thay vì "vung tiền" để mua sao, sắm tướng, Hà Nội FC chú trọng đầu tư cho chuyên môn. Bằng nhiều nguồn, đội bóng trình làng những gương mặt trẻ xuất sắc, kết hợp với lứa cựu binh cùng các ngôi sao ngoại được mua một cách chọn lọc, hiệu quả để tạo nên đội hình có chiều sâu và có lối chơi đẹp mắt với chất lượng chuyên môn cực cao.
Sớm "gieo" và trong bối cảnh bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam bắt đầu thoái trào do danh nghiệp phải thắt lưng, buộc bụng vì suy thoái kinh tế, thành công tiếp tục đến và đến nhiều hơn với Hà Nội FC. Tính đến hết hôm qua 31/10, sau trận đấu cuối cùng của mùa giải 2019 - với chiếc Cúp quốc gia đầu tiên trong lịch sử CLB, Hà Nội đã trở thành đội bóng nội giàu thành tích nhất với 5 lần vô địch quốc gia (2010, 2013, 2016, 2018, 2019); 4 lần á quân và 1 Cúp quốc gia cùng 2 lần giành Siêu cúp bóng đá quốc gia.
Trên sân chơi châu lục, Hà Nội cũng là đội bóng Việt Nam đầu tiên vào chơi trận chung kết liên khu vực AFC Cup 2019. Hàng loạt các ngôi sao của Hà Nội FC như: Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng... được gọi và trở thành trụ cột của các đội tuyển quốc gia làm nên nhiều kỳ tích lớn trong 2 năm qua. Trong đó, Quang Hải cũng là cầu thủ nội sở hữu thành tích xuất sắc nhất lịch sử bóng đá nước nhà dù mới ở tuổi 22, còn Văn Hậu là bản hợp đồng kỷ lục nhất khi chuyển sang chơi cho CLB Hà Lan SC Heerenveen...
Cho dù xung quanh cách làm bóng đá của bầu Hiển còn gây nhiều tranh cãi, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận sức mạnh của Hà Nội FC vào thời điểm hiện tại, sức mạnh không chỉ đến từ tiềm lực tài chính mà còn từ những bước đi chuyên nghiệp thực sự.
3. Vậy Hà Nội FC đã thực sự chuyên nghiệp hay chưa, sau chuỗi thành công kéo dài suốt 10 năm qua khi đội bóng Thủ đô chính thức lên chơi tại V-League? Câu trả lời là vẫn chưa!
Bằng chứng rõ nhất là việc Hà Nội bị loại khỏi sân chơi châu lục vào mùa tới do không đạt chuẩn chuyên nghiệp của AFC khi không có đội U15 tham dự giải vô địch U15 quốc gia mùa này. Mặc dù được lý giải là do sơ xuất trong quá trình quản lý điều hành, thì việc "cho mượn" đội U15 không hề là cách làm chuyên nghiệp.
Và dù đã xây dựng được hình ảnh CLB, mở rộng đội ngũ CĐV khá bài bản cùng nhiều hoạt động phụ trợ nhằm tìm kiếm thêm nguồn thu, thì Hà Nội FC vẫn chưa thể nuôi sống nổi chính mình theo đúng nghĩa của từ chuyên nghiệp. Không công bố, nhưng theo tính toán của dân trong nghề, với lực lượng lẫn lịch thi đấu dày đặc trên mọi mặt trận như hiện tại, số kinh phí mỗi mùa mà Hà Nội phải chi cũng tròm trèm cả trăm tỷ đồng và nguồn chính từ đâu, có lẽ ai cũng hiểu.
Nhắc tới Hà Nội FC cũng không thể không nhắc tới bầu Hiển và cách đầu tư lẫn tầm ảnh hưởng của ông tại làng cầu Việt. Đã đành, giống như lời của cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ - Bóng đá chuyên nghiệp ở ta nó khác! Hay đúng hơn là vẫn phải sống dựa vào hầu bao của các ông chủ cùng nguồn ngân sách nhà nước. Chỉ có điều, sự ảnh hưởng như hiện tại của bầu Hiển, quả thật không là thứ bóng đá chuyên nghiệp thực sự và tạo ra hệ lụy tiêu cực đến nhiều đội bóng khác. Có một thực tế không thể phủ nhận, dù Hà Nội mạnh đến đâu thì bóng đá không phải là sân chơi 1 mình và thiếu đối trọng.
Dù vẫn chờ AFC xem xét khả năng cho tham dự Cúp châu Á năm sau, nhưng Hà Nội FC đã sẵn sàng cho phương án vắng mặt. Cụ thể, theo kế hoạch vào năm 2020, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á sẽ tổ chức giải vô địch các CLB của khu vực và Hà Nội tham dự với mục tiêu vô địch. |
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất