Những ngôi sao Italia bị thờ ơ: Khi Pizza cũng ế…

16/06/2011 11:31 GMT+7 | Italy

(TT&VH) - Trong khi các “đại gia” nước Anh xâu xé nhau các tài năng trẻ nội địa với giá đắt gấp đôi các ngôi sao ngoại quốc, thì ngược lại, các “đại gia” Serie A ghẻ lạnh chính những ngôi sao bóng đá Italia đã thành danh. Chẳng khác nào những chiếc bánh pizza bị xa lánh ở chính quê hương của nó.

Aquilani và Montolivo đều đang bị các “đại gia” Serie A thờ ơ - Ảnh Getty

Đã có một thời chưa xa, calcio là thiên đường cho cầu thủ ngoại, còn các cầu thủ Italia là món hàng xa xỉ cho những đội bóng nước ngoài. Đó là những năm cuối thập niên 1990, khi Christian Vieri rời Juventus vẫn còn vô danh nhưng lập tức thành ngôi sao số một của Atletico Madrid, khi Barcelona chèo kéo bằng được Francesco Coco - cầu thủ tán gái giỏi hơn đá bóng, khi Zola và Di Canio sang Premier League ở tuổi 30 để “dạy” người Anh cách “chơi” bóng thực sự… Nhưng bây giờ, chẳng ai còn muốn cầu thủ người Italia nữa, ngay cả các đội bóng Italia, ngay cả khi cầu thủ đó là một ngôi sao có tên tuổi.

Nghe thật nghịch lý, nhưng đó là sự thật phơi bày. Ngôi sao sáng giá nhất của Italia ở thời điểm này, Giuseppe Rossi, kỳ chuyển nhượng nào cũng gióng mắt về quê hương hòng tìm một cánh cửa mở, nhưng đã 7 kỳ như thế trôi qua mà anh vẫn chưa thể trở về. Milan không muốn anh, Juventus không muốn anh, Inter không muốn anh, Roma không muốn anh. Lúc đầu, họ không tin vào khả năng của anh, còn bây giờ, họ không muốn chi nhiều tiền. Nhưng các đội bóng ấy luôn sẵn sàng chi nhiều chục triệu euro cho một tài năng người Brazil hay Argentina chưa chắc giỏi hơn Rossi.

Nếu Rossi không được quan tâm bởi giá quá đắt, thì sao Aquilani, Montolivo vẫn bị gạt đi, dù giá của họ ở thời điểm hiện nay không thể rẻ hơn được nữa? Đã một tháng trôi qua từ lúc Riccardo Montolivo tuyên bố rời Fiorentina, chưa đội nào chính thức đặt vấn đề với anh, người kế vị của Pirlo. Milan tuyên bố thẳng “nếu chúng tôi cần Montolivo thì đẩy Pirlo đi làm gì?”. Tương tự, Juve không còn cần anh khi đã có Pirlo. Inter cũng từng theo đuổi, nhưng càng lúc càng lảng đi và nếu Leonardo bị “đá”, đồng nghĩa với công cuộc nội hóa bị ngắt đứt, cơ hội để Montolivo khoác áo Inter coi như chấm hết. Còn Roma? Chưa có gì triển vọng.

Alberto Aquilani hiện nay bơ vơ như một đứa trẻ lạc mẹ. Nói đúng hơn, anh bị bỏ rơi giữa đường khi cả Liverpool và Juventus đều chối đây đẩy không nhận trách nhiệm cưu mang. Liverpool quyết giữ mức giá 16 triệu euro vì chút sỹ diện, nhưng Juve chỉ chấp nhận trả đúng một nửa số ấy. Anh đã làm gì để cho Juventus “dìm” giá? 36 trận đấu và vô số đóng góp trong mùa giải mà hầu hết các cầu thủ Juve chơi tồi, trừ anh? Milan không để ý đến Aquilani, Inter chưa từng và Roma cũng vậy. Đáng buồn hơn, điều đó xảy ra ngay cả sau khi Aquilani chứng tỏ rằng anh không phải là một cầu thủ xương thủy tinh, với việc hầu như không dính chấn thương trong mùa giải “què quặt” vừa rồi của Juventus.

Hạnh phúc hơn hai đàn em nói trên là Antonio Cassano, người đã được Milan chiêu mộ hồi đầu năm 2011 và sớm có “quà” là chiếc Scudetto đầu tiên trong đời. Nhưng ngôi sao số một của đội tuyển Italia chỉ là sự lựa chọn cuối cùng trên hàng công ở Milan. Nói một cách thẳng thắn thì nếu ở thời điểm Giáng sinh 2010, Pato không chấn thương còn Cassano không được phép ra đi miễn phí, thì cũng chẳng có cuộc chuyển nhượng nào hết tới San Siro cho cựu ngôi sao Sampdoria. Bây giờ thì Cassano đang muốn thoát khỏi Milan để được ra sân nhiều hơn vì vị trí dự EURO 2012. Thật trớ trêu, được đá cho Milan luôn là ước mơ của cả Montolivo, Aquilani lẫn Rossi.

Giá cầu thủ nội ở Anh đắt đỏ bởi người ta hiểu rằng, nếu không sớm “đón đầu” các quy định về số lượng cầu thủ bản địa sắp được UEFA siết chặt, các đội bóng lớn sẽ suy thoái. Ở Italia, dường như họ không nghĩ sâu xa đến thế. Ngay cả Juve mùa hè này cũng thôi ý định “Italia hóa” để hướng đến những Lichtsteiner, Aguero, Tevez, Sanchez (đã chiêu mộ Ziegler, một người Thụy Sĩ). Tự hỏi, nếu dự thảo “9+9” của UEFA (phải có ít nhất 9/18 cầu thủ đăng ký dự 1 trận đấu là người bản địa hoặc được đào tạo trẻ ở nước sở tại) được áp dụng trong vài năm nữa, thì Serie A sẽ đi đến đâu trên trường quốc tế?

Bách Việt

384 Mùa giải vừa qua, số lượng cầu thủ Italia ở Serie A là 384 người, chỉ chiếm 53,7% trong tổng số 715 cầu thủ thuộc biên chế 20 đội bóng.

68,9 Juventus là đội bóng lớn có tỷ lệ cầu thủ nội cao nhất, với 31/45 cầu thủ là người Italia, chiếm 68,9%.

35% Ngược lại, Inter chỉ có tổng cộng 14/40 cầu thủ là người bản địa, chiếm 35%, ít nhất trong số 20 đội. Đấy là họ vừa mới bổ sung Ranocchia, Pazzini ở kỳ chuyển nhượng mùa đông.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm