09/08/2020 14:49 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org)- Việc 4 ngôi sao hàng đầu Thái Lan gồm Chanathip, Bunmathan, Kawin và Dangda hiện diện ở giải VĐQG hàng đầu châu Á như Nhật Bản đã khiến CĐV xứ Chùa Vàng rất quan tâm đến J League. Người Nhật cũng tận dụng điều này để phát triển kinh tế đất nước.
Trận “derby Thái Lan” tại giải VĐQG hàng đầu Nhật Bản vừa được tái hiện vào ngày 8/8/2020 khiến CĐV xứ Chùa Vàng phát sốt khi theo dõi cuộc so tài của Shimizu S Pulse và Consadole Sapporo.
Trong đội hình 2 CLB đang chơi J League 1 sở hữu những cái tên thuộc ĐTQG Thái Lan gồm tiền đạo Teerasil Dangda bên phía Shimizu S Pulse, đối diện với thủ thành Kawin và tiền vệ Chanathip của Consadole Sapporo.
Shimizu S Pulse đã cho tiền đạo người Thái Lan của mình vào sân và chiều lòng CĐV xứ chùa Vàng khi in sẵn chiếc áo đấu bằng tiếng Thái cho cầu thủ. Ngoài việc thông báo tên các cầu thủ của đội, số áo và nhiều hình ảnh khác nhau, còn có tiếng Thái Lan được sử dụng trên màn hình LED khổng lồ đặt ở sân vận động IAI Stadium Nihondaira của tỉnh Shizuoka.
Người Nhật Bản xem Thái Lan là quốc gia đầy tiềm năng để có thể khai thác nguồn thu cho ngành công nghiệp bóng đá. Từ nửa thập niên gần đây, những cái tên chất lượng bậc nhất đội tuyển Thái Lan đã được các CLB Nhật Bản rải thảm đỏ về đầu quân.
Về chuyên môn, cầu thủ Thái Lan đảm bảo được vị trí của họ trong đội hình các CLB của Nhật Bản. Họ không mất một suất ngoại binh do có chung gốc châu Á.
Việc Chanathip liên tục lọt vào đội hình tiêu biểu các tháng lẫn mùa giải, thậm chí làm nên lịch sử cho người Thái Lan khi là cầu thủ duy nhất đến lúc này được Consadole Sapporo giao chiếc băng đội trưởng ở J-League là một minh chứng.
Người đồng đội của “Messi Jay” là Bunmathan thậm chí là người Thái Lan đầu tiên vô địch giải đấu hàng đầu xứ phù tang J League 1.
Bunmathan được đánh giá là trụ cột ở hàng lang cánh Yokohama F Marinos nhiều năm qua. Dangda cũng tìm được suất đá chính tại Shimizu S Pulse.
Cầu thủ Thái Lan chơi bóng ở Nhật Bản cũng nhận được mức lương không tồi với khoảng hơn nửa tỷ đồng/tháng tại J League 1. Cùng với việc được cạnh tranh ở môi trường hàng đầu châu lục, có thể tới AFC Champions League, nhiều cầu thủ Thái Lan từ lâu đã mơ ước được các đội bóng Nhật Bản mời chào.
Thậm chí, nhiều ông chủ CLB Thai League sẽ chỉ cho cầu thủ của họ đến Nhật thay vì một đội trong nước. Đơn cử như Ekanit Punya đã không được lãnh đạo CLB Chiangrai United đồng ý chuyển sang Muangthong United dù đối thủ đã ra giá 41 tỷ đồng cho tiền vệ 20 tuổi.
Với Chiangrai United, ngôi sao hàng đầu của họ chỉ được phép ra nước ngoài thi đấu, điển hình như Nhật Bản để phát triển sự nghiệp thay vì chơi trong nước.
Giải đấu Nhật Bản được người Thái Lan quan tâm, nên không khó hiểu khi J League đã bán được bản quyền truyền hình ở xứ Chùa Vàng.
Khi bóng đá Thái Lan chưa thể trở lại do dịch Covid-19, CĐV Thái Lan hiện tại có thể giải trí bằng những trận đấu tại J League 1, đặc biệt khi có sự hiện diện của những ngôi sao hàng đầu nước nhà chơi bóng ở đây.
Trong trận đấu vòng 9 chiều 8/8 vừa qua, CLB của Dangda đã đánh bại đội bóng của Chanathip 3-1 để vươn lên vị trí thứ 14 với 8 điểm. Consadole Sapporo có 12 điểm sau 9 trận, xếp hạng 8 và vẫn nhiều hơn ĐKVĐ Yokohama F Marinos của Bunmathan 1 điểm (xếp hạng 10).
Nhưng kết quả trận đấu chỉ là một phần đối với các CĐV Thái Lan. Họ sẽ có thêm động lực theo dõi J League khi ngoài các cuộc “derby” người Thái, đương nhiên CĐV yêu thích bóng đá nào cũng thích xem cầu thủ của họ đọ sức với những siêu sao hàng đầu thế giới như Iniesta (đang chơi bóng cho Vissel Kobe).
Nguồn lợi mà người Nhật thu được từ Thái Lan qua bóng đá cũng đến từ lĩnh vực phát triển ngành du lịch trong nước. Chỉ việc Chanathip “check in” địa điểm đẹp tại tỉnh Hokkaido nơi mình thi đấu cũng khiến hàng vạn CĐV Thái Lan rạo rực muốn khám phá đất nước Nhật.
Số tiền hơn 6 triệu USD mà Consadole Sapporo bỏ ra mua hẳn Chanathip năm 2018 cũng xứng đáng khi họ chứng kiến hơn 3 triệu người xem trận ra mắt của cầu thủ này cho CLB. Năm đó, Chanathip đưa đội nhà cán đích hạng 4 J League 1 và lọt vào đội hình tiêu biểu.
Báo Japan Times ước tính doanh thu từ hình ảnh và các hợp đồng tài trợ của CLB Consadole đã tăng khoảng 40% kể từ khi Chanathip đến Nhật Bản chơi bóng. “Messi Jay” là đại diện hình ảnh đưa hàng loạt thương hiệu của Nhật Bản lẫn Thái Lan đến tay người tiêu dùng.
Việc chiều lòng người Thái Lan bằng cách dùng tiếng Thái xuất hiện ở giải đấu hàng đầu châu lục cũng là một cách để người Thái nâng tầm ảnh hưởng văn hoá nước này như chiến lược họ đặt ra từ trước đến nay, cũng là một cách để người dân hai nước đến gần nhau hơn.
Việt Nam cũng là một thị trường người Nhật từng nhắm đến khi bầu Đức từng không ít lần chia sẻ rằng cầu thủ HAGL của ông vẫn đang được các CLB xứ phù tang nhắm tới. Trong đó, Công Phượng, Văn Toàn là những cái tên được bầu Đức tiết lộ.
Tuy nhiên, thực tế những gì đã diễn ra cho thấy cầu thủ Việt còn phải cải thiện nhiều để tự phát triển khả năng của mình, trước khi nghĩ đến các chi tiết vĩ mô hơn.
Những gì Chanathip cùng các tuyển thủ Thái Lan làm được ở Nhật Bản lúc này thực sự là hình mẫu cho bóng đá khu vực học tập.
V.H
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất