Nguyễn Quỳnh Hương thắp lửa 'Trái tim đàn bà'

31/05/2015 22:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Về tuyến tính, tập tùy bút Trái tim đàn bà (NXB Hội Nhà văn, 2015) vừa phát hành của Nguyễn Quỳnh Hương đi từ báo xuống sách, thế nhưng xét về thể tính, thì đúng ra nó phải đi ngược lại. Bởi tự thân mỗi tùy bút trong sách này đã vượt qua tính chất, khuôn khổ và đòi hỏi của một bài báo thông thường.

Có lẽ vì lý do này mà Trái tim đàn bà đã gây ấn tượng tốt với độc giả gần xa, nhất là ở khả năng đi vào những điều tưởng nhỏ nhặt nhưng rất cần sự tinh tế để nhận biết.

Quyền được viển vông

Về bố cục, tác giả cho biết: “Tôi chia quyển sách làm 2 phần: “Quyền được viển vông” là cố gắng để được thấy lại thế giới người lớn qua mắt nhìn của một đứa trẻ, được quay về cái trong veo, điên rồ và thơ ngây thuần khiết của đứa trẻ không lớn lên trong mỗi chúng ta. “Chìa tay ra với mình” là khi người đàn bà tự nhìn vào chính mình, hay quan sát thế giới xung quanh - bằng những trải nghiệm có cả buồn vui, lo âu, mất mát…”.


Nhà báo - nhà văn Nguyễn Quỳnh Hương

Tất nhiên chữ “viển vông” ở đây cũng nên hiểu trong bối cảnh của đời sống khá thực dụng, khi mà cái gì không “quy ra thóc”, không “ăn nhậu” được thì xem như viển vông. Trong khi đó, đời sống lành mạnh phải là sự cấu thành/cân bằng giữa hữu dụng và vô dụng - nơi mà những cái thuộc về trái tim, tâm hồn, nghệ thuật… thường vô dụng và viển vông, nhưng thiếu chúng thì nguy to. Dù không nói ra cụ thể, nhưng dường như Nguyễn Quỳnh Hương bắt đầu viết từ những điều này.

Như trong Khu vườn bí mật, chị nhận ra: “Nhưng cũng có khi, nỗi mệt mỏi/chua chát/ cáu kỉnh/ nhợt nhạt/nghi ngờ - đã thôn tính (gần như) toàn bộ đời sống chúng ta, khiến chúng ta tưởng như rằng khu vườn bí mật đã chết. Giống như ta có thể tưởng rằng, từng giấc mơ của tuổi trẻ đã lần lượt gãy cánh, bỏ lại chúng ta buồn bã và lầm lụi lê tấm thân mình, không thể bay trong hành trình đi tiếp cõi người”.

Chính những lúc như thế này, theo tác giả, hãy nghĩ hoặc làm một điều gì đó viển vông, vu vơ, nhỏ nhắn thì sẽ giúp ta buông bỏ muộn phiền.

Và viển vông cũng là gia tài được gìn giữ, được truyền lưu của mỗi người. “Đương nhiên rồi sẽ đến lúc đứa trẻ phải rời khỏi vùng đất thần tiên, nhưng hoang đường-tưởng tượng-kinh ngạc-viển vông là quyền và gia tài của một em nhỏ. Xin bạn hãy giữ cho con gia tài đó thật lâu. Đừng tước của bé những mơ mộng viển vông, vì những điều kỳ diệu từ thơ ấu sẽ luôn ở lại. Và dù có phải sống trong thế giới nghèo nàn và buồn chán này, những màu nhiệm sẽ mãi còn trong trái tim, giữ cho chúng ta ánh mắt háo hức và tin cậy khi nhìn cuộc đời”, trong Quyền được viển vông.


Chìa tay ra với mình

Dù kích cỡ khác nhau đến khó so sánh được, nhưng khi đọc Trái tim đàn bà, tự nhiên nó gợi nhớ về The God of small things (Chúa trời của những chuyện vụn vặt) mà nữ văn sĩ Arundhati Roy (Ấn Độ) cho trình làng năm 1997.

Bằng tâm thế và cách tiếp cận khác, nhưng Nguyễn Quỳnh Hương cũng chắp nhặt những chuyện vụn vặt như vậy để sẻ chia với độc giả (đa phần là phụ nữ), nhưng cũng là để ôn lại kỷ niệm xưa của chính mình.

Đây là một trong vô số ví dụ. “Ẩn một góc sâu kín trong tim tôi như một bảo bối để dành, mùi an ủi và không ruồng bỏ bất kể khi tôi đau ốm hay tràn đầy sinh lực. Sống từng ngày, tôi lưu mùi như lưu cội rễ, như lưu ký ức những ngày đã mất không thể trở lại cùng tôi”, trong Mùi thương nhớ.

“Tôi chỉ có những que diêm nhỏ, xin bạn hãy cùng tôi nhóm lên những quầng lửa ấm. Như điều an ủi, như một bàn tay nắm, như lòng biết ơn, như chút hơi ấm - mà chúng ta có thể đền đáp cho đời sống quá đỗi cảm động và kỳ diệu này…”, hơn một năm trước, Nguyễn Quỳnh Hương khởi viết mục “Ngọn lửa nhỏ” trên báo - nền móng ban đầu của Trái tim đàn bà - như vậy.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm