05/10/2020 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Một cuộc họp báo ra mắt rầm rộ và người ta thấy bóng dáng của bầu Đức, bầu Thắng và các ông chủ cao nhất của NutiFood. Họ đến đây để bàn mưu tính kế cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam? Không phải! Đó chỉ là sự kiện ra mắt một giải bóng đá phong trào TP.HCM, mà đối tượng là sinh viên các trường đại học, với HLV trưởng các đội bóng này cũng đều là các danh thủ.
Cafe Ông Bầu, với tham vọng mở 10.000 quán khắp lãnh thổ, là nhà tài trợ chính, và những người như ông Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng hay Trần Thanh Hải bỏ hàng tỷ đồng, nhận đỡ đầu cho một số trường đại học tham gia giải lần này.
Thực ra, khoảng 20 năm trước, ở thế hệ của người viết, sinh viên các trường đại học tại TP.HCM đã mặc áo đấu in hình và logo những viên gạch của Đồng Tâm tham dự giải sinh viên toàn thành thường niên.
Các trận đấu ở giải sinh viên khi ấy thu hút hàng chục ngàn khán giả, cũng là các sinh viên và người thân của cầu thủ, trên khán đài, không thua gì bóng đá chuyên nghiệp. Được mặc một chiếc áo đội tuyển của trường "in hình viên gạch" tiến ra sân, quả là rất oai.
Mà nói đến Gạch Đồng Tâm là nói tới bầu Thắng, với những đóng góp cho bóng đá, nói đến CLB GĐT Long An 2 lần vô địch V-League trong thập niên đầu của thế kỷ 20... Tức là, từ rất lâu rồi, các ông bầu cỡ bự của bóng đá Việt Nam đã rất chăm lo cho bóng đá học đường.
Nhưng, bẵng đi một thời gian tính bằng cả thập niên sau đó, sự quan tâm mai một đi nhiều. Bầu Đức, bầu Thắng quay lại với bóng đá học đường, khi tình yêu, tâm sức và tài lực với bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, đã không còn như trước nữa.
Trong một diễn biến khác, tại giải futsal VĐQG sinh viên đồng hành 2020, bầu không khí trên các khán đài nhà thi đấu cũng rực lửa, khi các trường đại học thi thố với nhau. Thứ bóng đá trong trẻo, nhưng cũng rất chất lượng, được các sinh viên cầu thủ thi triển. Và một hình ảnh rất đẹp, rất gợi mở, đập vào mắt người xem, đấy là khi các đội bóng làm thủ tục, sau kết thúc trận đấu và trước khi rời thảm đấu.
Cuộc "đụng độ" giữa Đại học Văn Lang và Đại học Ngoại ngữ - Tin học (2-0), chính là tiêu biểu cho nét đẹp bóng đá sinh viên. Không nặng cay cú ăn thua, tan trận, họ bắt tay nhau vui vẻ, chào hỏi rất lễ phép với BHL là các thầy bên kia chiến tuyến, vỗ về an ủi các cầu thủ dự bị, cúi gập người khi tiến lại các góc khán đài dành cho các CĐV của cả 2 trường, để cảm ơn...
Cùng với Đại học Nông Lâm, Sư phạm Kỹ thuật, Hồng Bàng..., thì Văn Lang là ngôi trường có bề dày truyền thống về bóng đá, hệt như cái tên của họ vậy.
Hệ thống các giải bóng đá sinh viên toàn thành hay PTTH thường niên của TP.HCM trước đây cũng là nguồn cung ứng bất tận các cầu thủ nổi bật cho bóng đá chuyên nghiệp. Không ít người thậm chí đã chiếm lĩnh đỉnh cao, khoác áo các ĐTQG.
Bóng đá là môn thể thao vị thành tích, nhưng buổi hôm đó, người viết không thấy bóng dáng của kẻ thất bại. Tất cả đều chiến thắng, cái lợi thu về của bóng đá học đường cũng chính là cái lợi cho phong trào, cho nền bóng đá về lâu về dài. Khi giải bóng đá Đại học Quốc gia TP.HCM mở rộng năm 2020 sẽ khởi tranh trong ít ngày tới đây, những ngày hội sẽ còn kéo dài bất tận.
Cùng với đào tạo trẻ, thì bóng đá học đường, bóng đá phong trào, chính là cái gốc rễ của nền bóng đá. Chăm lấy cái phần gốc ấy, chính là lo nghĩ đến cái sự hưng vong của nền bóng đá vậy. Một lời khó nói hết, cảm ơn các ông bầu và ý tưởng kết nối tuyệt vời của BTC giải futsal VĐQG sinh viên đồng hành.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất