30/07/2021 23:03 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 30/7, cả nước ghi nhận 8.649 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 8.622 ca ghi nhận trong nước.
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số ca mắc cao nhất với 4.282 ca. Tiếp đó là Bình Dương 1.920 ca; Long An 469 ca; Đồng Nai 360 ca; Tiền Giang 242 ca; Khánh Hòa 217 ca; Cần Thơ 174 ca; Đồng Tháp 157 ca; Hà Nội 144 ca; Bà Rịa - Vũng Tàu 133 ca. Trong số này có 1.702 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều 30/7, Việt Nam có 137.062 ca mắc. trong đó có 2.235 ca nhập cảnh; 134.827 ca mắc trong nước; 35.484 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước, có 411 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21 ca.
Hiện đã có 5.529.898 liều vaccine đã được tiêm; trong đó có 546.402 mũi tiêm thứ hai.
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chiều 30/7 cho biết, vừa có thêm một bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục ngoạn mục sau 24 ngày chăm sóc tích cực dù tuổi cao, có nhiều bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch do sử dụng Corticoid kéo dài và tổn thương phổi nhiều, thường xuyên giảm thông khí hai bên phổi.
Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực có 26 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó có 22 ca thở máy, 4 ca áp dụng ECMO (phương pháp thở bằng màng ngoài cơ thể).
Cả nước đồng hành cùng các tỉnh phía Nam chống dịch.
Tiếp tục chuyến công tác tại vùng tâm dịch COVID-19, ngày 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến mục tiêu trước hết, trên hết, quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, an toàn sức khỏe của nhân dân thành phố, giảm tối đa số ca tử vong.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, giãn cách phải gắn chặt với việc chăm lo đời sống cho người dân để nhân dân tuân thủ, thực hiện tốt các biện pháp chống dịch. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu từ thôn, xã, phường nếu để người dân bị thiếu đói trong khi nguồn lực được đảm bảo; bên cạnh đó, cần kịp thời khen thưởng người làm tốt nhưng phải xử lý kỷ luật nghiêm người vô trách nhiệm với dân.
Tán thành với Thành phố Hồ Chí Minh về việc cần tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ sau ngày 1/8 tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo thành phố, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, có giải pháp tái thiết mạnh và đồng bộ sau giãn cách.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh cần siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là khi một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, để từ đó hạn chế ca lây nhiễm và không dẫn đến quá tại các bệnh viện trên địa bàn.
Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh đang thực hiện phong tỏa có hiệu quả, song khi thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội thì không được để người dân thiếu đói, ốm đau không có người chăm sóc; huy động cao nhất các nguồn lực từ Nhà nước, địa phương và các nhà hảo tâm để chung tay hỗ trợ các vùng khó khăn.
Trước đó, sáng 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm làm việc tại thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương; Bệnh viện Dã chiến tỉnh Bình Dương, Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thuận Hòa.
Thay đổi chính sách ưu tiên tiêm vaccine.
Ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV quyết nghị tại Kỳ họp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, các cấp cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đưa ra các biện pháp phù hợp, thực hiện hiệu quả.
Các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19; tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân; tiếp tục huy động lực lượng, bổ sung kiến thức cho các lực lượng y tế tham gia cứu chữa cho bệnh nhân; đồng thời động viên, bảo đảm điều kiện làm việc đầy đủ cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia, nhân viên kỹ thuật tham gia phòng, chống dịch.
Ngoài tiếp tục thực hiện “chiến lược vaccine”, trong đó tiếp tục tổ chức tiêm vaccine hiệu quả và an toàn; rút gọn thủ tục hành chính để nghiên cứu, sản xuất, công nhận vaccine sản xuất trong nước…, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương cần thay đổi chính sách ưu tiên tiêm vaccine.
Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực.
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3616 phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng".
Theo nội dung Đề án, Việt Nam sẽ có 12 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở ba miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường.
Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2- 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh quy mô 300 giường.
Các Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.
Ngày 30/7, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc số 6140 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc huy động các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Sở Y tế huy động các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, tham gia tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người mắc COVID-19 phù hợp với năng lực chuyên môn và điều kiện của cơ sở khi có yêu cầu.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ giường bệnh, nhân lực, trang thiết bị triển khai tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 khi được phân công.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch.
Ngày 30/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19".
Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Cùng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trong đợt dịch thứ tư tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.059 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, Hà Nội là "vùng trũng" của dịch nên nguy cơ cao. Thành phố cần thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16 đến từng hộ gia đình, đồng thời thực hiện tốt Thông điệp 5K để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngoài việc tránh tập trung đông người khi đi chợ, siêu thị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội nên giám sát trên diện rộng có chỉ định, không xét nghiệm tràn lan, nhằm phát hiện những ổ dịch. Việc truy vết vẫn là cần thiết để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Song song đó, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Chấn chỉnh mua bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế.
Ngày 30/7, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Phòng Y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về việc chấn chỉnh mua bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán, xét nghiệm COVID-19 (trong đó có test nhanh) tại các nhà thuốc. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các nhà thuốc bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán xét nghiệm COVID-19 (ví dụ các test nhanh) phải đăng ký chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế.
Ngành Y tế đã công bố các test nhanh được cấp phép; đồng thời nhắc nhở các nhà thuốc không có chức năng kinh doanh về trang thiết bị nếu muốn bán test nhanh phải có đăng ký và người dân có thể mua test nhanh tại các địa điểm được phép kinh doanh. Nhà thuốc chỉ được mua các loại sinh phẩm trang thiết bị y tế, test nhanh do Bộ Y tế cấp phép lưu hành và phải mua từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được công bố theo quy định).
Khảo sát thành lập Bệnh viện Hồi sức ở Long An
Ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng Đoàn công tác đã đến làm việc với tỉnh Long An về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khảo sát thực tế để thành lập Bệnh viện Hồi sức quy mô 500 giường đặt tại Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Long An, phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Long An cần phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; xây dựng các kịch bản phù hợp với tình hình thực tế, không để lúng túng, bị động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Tỉnh cần thành lập ngay Trung tâm điều phối bệnh nhân để phân loại F0, phân phối nhân lực y tế phù hợp. Đồng thời, tăng cường các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật, xét nghiệm nhanh để rà soát ca mắc, khoanh vùng dập dịch; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, nhân lực để điều trị các F0 và cách ly các trường hợp F1.
Đối với công tác tiêm vaccine, địa phương cần lên phương án, huy động nhân lực tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Bộ Y tế sẽ cố gắng điều động nhân sự hỗ trợ tỉnh, đồng thời hỗ trợ về chuyên môn, công tác điều trị, chăm sóc y tế…
P. V/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất