08/04/2019 17:35 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Festival văn hóa truyền thống Việt 2019” đang diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) gây xôn xao dư luận khi tổ chức kinh doanh thương mại dưới danh nghĩa văn hóa truyền thống.
Đáng nói, trong Quy chế quản lý, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long quy định không tổ chức các sự kiện, hoạt động mang tính thương mại. Trước thực trạng này, các cơ quan quản lý đã có những chấn chỉnh nhằm bảo vệ giá trị, ý nghĩa của khu di sản thế giới này.
Không tuân thủ đúng quy định
“Festival văn hóa truyền thống Việt 2019” do Câu lạc bộ Bảo tồn phát triển văn hóa di sản truyền thống phối hợp cùng Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư và Truyền thông văn hóa Queen Group tổ chức từ ngày 5 – 9/4 tại khu vực sân Đoan Môn thuộc Hoàng thành Thăng Long. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là đơn vị cho ý kiến tổng thể lễ hội và cấp phép các chương trình biểu diễn nghệ thuật; Sở Công Thương Hà Nội cấp phép trưng bày các gian hàng; Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội là đơn vị cho mượn địa điểm, giám sát hoạt động của sự kiện trên cơ sở các giấp phép sở ngành cấp.
Theo đề án do đơn vị tổ chức trình các cơ quan chức năng, “Festival văn hóa truyền thống Việt 2019” với tên gọi chính thức “Festival Văn hóa Truyền thống Việt và Giao lưu Văn hóa Quốc tế 2019” kết nối tinh hoa văn hóa đất nước với bạn bè thế giới. Ban tổ chức lý giải, đã ấp ủ xây dựng chương trình nhằm nâng cao và truyền tải thông điệp, lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống dân gian và giới thiệu văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, lễ hội là chương trình tổng hòa các loại hình nghệ thuật dân gian, ẩm thực, tái hiện truyền thống văn hóa cổ xưa, cổ trang, hoàng cung, triển lãm tranh… Theo đó, hàng loạt hoạt động văn hóa được nêu trong đề án mà không đề cập đến vấn đề kinh doanh thương mại tại đây.
Ngay trước khi diễn ra lễ hội, công tác truyền thông được đẩy mạnh khiến người dân kỳ vọng về một hoạt động văn hóa ý nghĩa, giàu chất văn hóa. Tuy nhiên, ngay sau khi mở cửa, lễ hội đã gây thất vọng cho đông đảo khách tham quan bởi những gì diễn ra tại đây không đúng với những lời quảng cáo. Nhiều hoạt động văn hóa không diễn ra như đề án được xây dựng. Trong không gian lễ hội, hoạt động mang tính văn hóa mờ nhạt mà điểm nhấn chính là các gian hàng bày bán sản phẩm. Các gian hàng quây kín khu vực sân Đoan Môn và có cả các dãy trưng bày thiết kế khung thép, che bạt tương tự như hội chợ thương mại. Sẽ không có gì đáng nói nếu Lễ hội bày bán sản phẩm thủ công truyền thống mà ở đây có rất nhiều sản phẩm tiêu dùng không liên quan đến văn hóa. Theo thống kê, có đến 15 gian hàng giầy dép, quần áo; 11 gian hàng ăn uống; 1 nhà lớn và 2 gian nhỏ trưng bày đồ gỗ; 5 gian bán thuốc nam…
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet cho biết, ngoài một số mô hình, tiểu cảnh mang tính văn hóa, phần còn lại của Festival chẳng khác mấy một cái chợ. Trong số các gian hàng thì có tới ba phần tư không liên quan đến văn hóa truyền thống như ghế massage, đồ da, quần áo… Đồng thời, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng, thay vì có thể giới thiệu và tự hào với người bạn nước ngoài và cô con gái nhỏ đi cùng, những gì diễn ra tại “Festival văn hóa truyền thống Việt 2019” thật đáng thất vọng.
Chấn chỉnh để bảo vệ giá trị di sản
Những gì diễn ra tại “Festival văn hóa truyền thống Việt 2019” không thể phủ nhận việc tuân thủ không đúng quy định trong tổ chức hoạt động tại di sản Hoàng thành Thăng Long và không đúng như thông báo của Ban tổ chức. Vấn đề này bà Hồ Như Quỳnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư và Truyền thông văn hóa Queen Group thừa nhận có các gian hàng bày bán sản phẩm không đúng với tính chất của lễ hội, đồng thời lý giải do sơ suất trong khâu giám sát, tổ chức.
Trên góc độ là cơ quan quản lý văn hóa, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội này diễn ra theo đúng giấy phép được cấp. Ngay khi dư luận nhắc tới những tồn tại của lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cử thanh tra tới xem xét. Còn việc các gian hàng bày bán hàng hóa thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương Hà Nội.
Thực tế, khi sự việc xảy ra, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã mời Ban tổ chức lễ hội đến làm việc, đồng thời kiểm tra và thống kê tất cả nhóm hàng đang được bày bán. Ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội yêu cầu Ban tổ chức chỉ được bố trí các ngành hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, đặc sản vùng miền còn các ngành hàng khác không được trưng bày tại lễ hội. Ông Phan Duy Thắng thừa nhận, việc tập kết hàng hóa của Ban tổ chức diễn ra buổi tối nên nhân lực của Trung tâm không kịp thời phát hiện những hàng hóa không phù hợp được đưa vào. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho rằng đây là bài học trong việc giám sát các hoạt động văn hóa tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long.
Đến sáng 8/4, nhiều gian hàng bày bán sản phẩm không phù hợp đã được đưa ra khỏi lễ hội. Thay vào đó, Ban tổ chức cho biết, sẽ triển lãm tranh tại những gian hàng này để lấp chỗ trống. Cũng trong sáng 8/4, Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội và Đội Quản lý thị trường số 3 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đến kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động bày bán hàng hóa tại lễ hội.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra làm thế nào để không còn diễn ra tình trạng này để di sản Hoàng thành Thăng Long giữ được giá trị là di sản văn hóa thế giới là trách nhiệm không chỉ riêng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội mà có sự phối kết hợp của nhiều cơ quan liên quan. Trong đó, công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ phải được đặt lên hàng đầu, kịp thời phát hiện những vi phạm để chấn chỉnh bởi không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ di sản mà còn ảnh hưởng đến uy tín của một địa chỉ văn hóa và niềm tin của người dân vào các hoạt động văn hóa tại thành phố Hà Nội.
Khánh Vy/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất