12/04/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Tất nhiên, “Chân mây” mà bài viết này đề cập đến nằm trong phạm vi nhạc Việt đại chúng. Đó là bài hát mới đánh dấu sự kết hợp của ca sĩ Phương Thanh và nhạc sĩ trẻ K-ICM.
Điều đáng nói, ngoại trừ yếu tố này ra thì Chân mây ở góc độ màu sắc âm nhạclại hoàn toàn nghiêng về màu sắc của nhạc Hoa. Nếu có ai đó nói đây là một ca khúc nhạc Hoa do người Việt sáng tác và thể hiện thì cũng là điều dễ hiểu.
Từ nội dung ca từ…
Về tổng thể, Chân mây là một ca khúc dễ nghe, có tính chất trữ tình, gần với nhạc thiền, mang đậm phong cách nhạc Hoa.
Về nội dung ca từ, có lẽ đây là tập hợp của những miên man suy nghĩ vụn vặt được sắp xếp gần nhau. Dù vậy nó lại có tính logic, tạo sự gắn kết trong các câu và trong toàn bộ ca khúc. Phải thừa nhận, đây là một khả năng riêng của tác giả.
Khi nghe Chân mây, người nghe sẽ có cảm giác giống như đang được nghe một câu chuyện đầy suy tư về tình yêu của một người đã trải đời và giờ đây lánh xa cuộc đời, giống một anh hùng đã rời bỏ cuộc sống chốn nhân thế, lên núi cao tu tập.
Toàn bộ ca từ trong Chân mây ngập tràn những cụm từ mang dấu ấn riêng của tác giả: “Tiếng than lay bầu hoàng hôn”, “tình liêu xiêu”, “thiên di cánh chim”, “nép nhói đau từng cơn”... Và cả những ca từ ứng với những câu nhạc: “Tình em chưa in sâu, đóa hoa thăng trầm phù dung/ Ngày hôm nay nghiêng soi ánh trăng hiền hòa thương khóc/ Lòng này càng vô tri, vết lún sâu tình muôn trùng/ Phải chăng đôi ta gặp nhau để thấu sầu đau?”. Hay: “Cầu vồng không sắc, sao mưa tàn chờ nắng chi?/ Bao mơ duyên chân tình, nước mắt từ tim/ Đường tình như chuyến đi, hoa mộng cầm khắc ghi/ Miệt mài bao yêu thương đi tìm, năm tháng mò kim”.
Khi nghe những ca từ này, thậm chí tách riêng ra khỏi giai điệu để đọc, sẽ có cảm giác vừa quen vừa lạ. Yếu tố lạ và quen này được tạo nên bởi những ca từ cụ thể, hoàn toàn mới để dành riêng cho ca khúc. Nhưng nó lại rất gần gũi với mọi người bởi phong cách, tinh thần, cách dùng từ, lối hành văn.
Chẳng hạn, dù không hề giống nhau ở ca từ nhưng nó lại có tinh thần rất gần gũi với nhiều ca khúc hay nhạc phim Trung Hoa. Có thể chọn một bài quen thuộc với khán giả Việt như ca khúc Mộng uyên ương hồ điệp: “Chuyện hôm qua như nước chảy về đông/ Mãi xa ta chẳng thể nào giữ lại/ Hôm nay bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta/ Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh/ Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”. Hẳn những ca từ này đã được khai thác ý thơ trong một bài thơ Đường nổi tiếng của nhà thơ Lý Bạch: “Rút dao chém nước, nước càng chảy/ Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu” (Tuyên Châu Tạ Diễu) và đương nhiên nó đã được “văn nói hóa” để đưa vào ca từ dễ nghe hơn. Những câu hát này lại nằm trong nhạc phim Bao Thanh Thiên nổi tiếng, được các đài truyền hình ở VN phát liên tục năm này qua năm khác.
Đây chỉ là một trong vô số những ca khúc, nhạc phim Trung Hoa phổ biến ở nước ta. Có thể, nó chính là một trong những tác nhân ảnh hưởng tới tư duy, thẩm mỹ và phong cách của tác giả. Dù sự ảnh hưởng này là trực tiếp như kiểu “mê” phim cổ trang hoặc mê nhạc Trung Hoa…hay ảnh hưởng gián tiếp (không mê nhưng nó cứ vào tai hàng ngày, hàng tháng, hàng năm lâu dần thành quen).
MV "Chân mây":
Đến nhạc và hình
Về âm nhạc, toàn bộ ca khúc Chân mây khi vang lên mang đến cho người nghe một không gian mênh mang, rộng lớn cộng với một cảm giác phiêu diêu trong thế giới tiên cảnh thường thấy trong các bộ phim cổ trang Trung Hoa.
Bản hòa âm của Chân mây được tạo nên bởi sự kết hợp giữa phong cách trap vốn được giới trẻ Việt yêu thích những năm gần đây với màu sắc nhạc Hoa. Nhiều nhạc cụ quen được khai thác sử dụng trong phần hòa âm này như đàn nhị, thập lục, sáo... thoạt nhìn thấy có sự gần gũi với nhạc cụ cổ truyền Việt Nam nhưng thực tế hiệu quả âm nhạc vang lên từ những nhạc cụ này cho thấy nó đậm đặc “chất” Trung Hoa.
Trong phần giới thiệu những người thực hiện, chúng tôi có thấy những cái tên nghệ sĩ khá quen thuộc của làng nhạc cụ truyền thống Việt Nam, nhưng người viết không nhìn thấy “chất” Việt trong âm nhạc ở bản hòa âm Chân mây. Có thể, khi thực hiện phần mix cho bản hòa âm ca khúc Chân mây, nhạc sĩ kiêm nhiệm công việc này đã khai thác các sound (tiếng) trong bộ tiếng tên là Kong. Cũng rất có thể, việc khai thác nhạc cụ này để tạo ra màu sắc âm nhạc đậm đặc chất nhạc Hoa là một chủ ý của ê-kíp sản xuất. Trong trường hợp không phải như vậy thì rất cần chú ý tới sự phân biệt giữa màu sắc âm nhạc Việt với các nước láng giềng có mối tương đồng về âm nhạc.
Điều này lại càng hiện hữu rõ hơn trong phần hình. MV Chân mây được thực hiện theo phong cách cổ trang. Trong khi, bối cảnh thực hiện là hình ảnh núi rừng hùng vĩ. Việc sử dụng bối cảnh này rất phù hợp với không gian âm nhạc của ca khúc Chân mây.
Đón nhận
Được biết, Chân mây là sản phẩm “mở đường” cho album phòng thu vol.3 mang tên Hoa của nhà sản xuất âm nhạc K-ICM. Đây cũng là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa K-ICM với nữ ca sĩ Phương Thanh.
Cảm nhận được ở giọng hát của Phương Thanh có độ “tĩnh” hơn, “đằm” hơn so với những gì chị đã thể hiện trước đây khi hòa vào những giai điệu lời ca trong ca khúc Chân mây. Đáng chú ý, việc kết hợp với nhạc sĩ trẻ K-ICM cho thấy, nữ ca sĩ thế hệ đàn chị đang có những hoạt động để tiến gần hơn với giới trẻ hiện nay và việc kết hợp này đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Chân mây ra mắt vào ngày 6/3 vừa qua. Sau hơn 1 tháng phát hành, tới thời điểm ngày 11/4, MV Chân mây thu hút hơn 1,356 triệu lượt xem trên kênh YouTube mang tên K-ICM Officialvới 4,78 triệu subscribers.
Trong khi đó, ở bảng xếp hạng Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs liên tục 4 tuần Chân mây có mặt trong top 10 ở các vị trí khác nhau. Lần đầu tiên Chân mây góp mặt vào Top 10 BXH này là tuần 12 (từ 11 - 17/3) ở vị trí thứ 5. Vị trí này lặp lại 1 lần nữa ở tuần 13 (từ 25 - 31/3), trong khi tuần 12 (18 - 24/3) Chân mây nằm ở vị trí thứ 3 và hiện tại (tuần 14 từ 1 - 7/4) ca khúc này đã đứng ở vị trí quán quân.
Và mong muốn
Rõ ràng, Chân mây là một sản phẩm chỉn chu cả âm nhạc và hình ảnh, thể hiện sự làm việc nghiêm túc của ê-kíp sản xuất. Ở góc độ thưởng thức, sản phẩm mang tính giải trí phù hợp với tai nghe của khán giả trẻ hiện nay, vì thế nó đã được đón nhận.
Trong trường hợp mục đích của ê-kíp thực hiện Chân mây là hướng đến một sản phẩm âm nhạc giải trí, cổ trang mang màu sắc nhạc Hoa thì đây là một sản phẩm thành công.
Còn trong trường hợp sản phẩm mang hàm ý tôn vinh giá trị văn hóa và âm nhạc dân tộc kết hợp với dòng nhạc hiện đại của giới trẻ nhằm lan tỏa giá trị truyền thống thì nó chưa đạt được điều đó. Ngay ở cả mục đích không lớn lao đến thế mà chỉ dừng lại ở việc khai thác một số nhạc cụ dân tộc cho có thêm màu sắc Việt, thì điều này trong sản phẩm cũng chưa đạt tới.
Tất nhiên, việc sáng tạo nghệ thuật âm nhạc, đặc biệt ở những nghệ sĩ trẻ, với những khám phá, những thử nghiệm là điều nên làm và sáng tạo như thế nào là quyền của người sáng tạo. Tuy nhiên, đã hơn 1 lần người viết từng nhắc tới việc ảnh hưởng của nhạc Hoa trong nhạc Việt đại chúng và những nỗ lực thoát ra khỏi sự ảnh hưởng đó là cả một quá trình kéo dài hàng thập niên.
Ở khía cạnh khác, bản thân nhạc Việt đại chúng hay bất kỳ một đất nước nào trong giai đoạn hiện nay cũng cần có những nét riêng mang tính bản sắc để không bị chìm lấp trong “kỷ nguyên 4.0”.
Chúng ta cần, rất cần những sáng tác khai thác yếu tố dân tộc trong âm nhạc, đặc biệt từ những sáng tạo của người trẻ và tài năng. Bài viết này được thực hiện nhằm góp thêm một góc nhìn theo quan điểm của người viết vào việc sáng tạo âm nhạc, sáng tác ca khúc. Đồng thời, cũng gửi gắm mong muốn đón nhận những sản phẩm âm nhạc dành cho giới trẻ trong tương lai mang màu sắc và hồn cốt dân tộc.
Ê-kíp “Chân mây” Nhạc sĩ: K-ICM Ca sĩ: Phương Thanh Nghệ sĩ đàn nhị: Trần Văn Xâm Nghệ sĩ sáo trúc: Minh Dương Nghệ sĩ đàn tranh: Đoàn Minh Tài Đơn vị sản xuất: ICM Entertainment Sản xuất âm nhạc: K-ICM Thu âm: ICM Studio Đạo diễn: Đăng Quang Họa sĩ thiết kế: Kris Nguyen Thiết kế hình ảnh: Dzuy Ngo |
Điểm 7/10 |
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất