Nhạc kịch mới về Tôn Ngộ Không hút khách: Khi Hầu Vương biết nhảy hip-hop

23/11/2013 14:19 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Phiên bản mới của vở nhạc kịch Hầu Vương được bổ sung nhiều yếu tố đương đại. Thoạt đầu, khán giả Trung Quốc cảm thấy hơi xa lạ với những chi tiết mới trong vở nhạc kịch, nhưng rất nhanh sau đó họ đã bị cuốn vào nội dung ấn tượng cùng cảm xúc đặc biệt của dàn diễn viên.

Có thể nói, người Trung Quốc lớn lên cùng câu chuyện kinh điển Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân. Có lẽ điều đó đã thu hút họ tìm tới xem vở Hầu Vương vì tò mò và cuối cùng lại kinh ngạc bởi những chi tiết bên trong.

Thấm đẫm yếu tố đương đại

Cụ thể, nhân vật Hầu Vương trong vở nhạc kịch, do nam diễn viên người Mỹ gốc Phi Apollo Levine thể hiện, biết nhảy hip-hop. Trong khi nhân vật Ngọc Hoàng lại mặc đồ hiệu Prada, Gucci và Armani. 3 cô con gái của Long Vương đều mặc trang phục hiện đại, đi giày cao gót, thi nhau trổ tài để chiếm được trái tim của Hầu Vương… 


Nam diễn viên Broadway Apollo Levine trong vai Tôn Ngộ Không, trong vở nhạc kịch Hầu Vương

Đây là sản phẩm do Tập đoàn Trình diễn & Nghệ thuật Bắc Kinh và Tập đoàn Văn hóa & Truyền thông Quốc tế Genhua Bắc Kinh đồng sản xuất. Trong vở nhạc kịch, nhân vật Hầu Vương hát bằng tiếng Anh, trò chuyện với đám khỉ lâu la của mình bằng tiếng Anh, trong khi những con khỉ lại nói tiếng Hoa.

Rõ ràng nó không còn giống tác phẩm gốc, mà chỉ muốn mượn truyện để kể một câu chuyện khác: về một người đàn ông trẻ rời nhà để phiêu lưu và sau khi có phép màu, anh cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ gia đình mình. Sau khi bôn ba khắp nơi, người đàn ông mới nhận ra giá trị của tổ ấm gia đình, rằng không đâu bằng ở nhà mình.

“Trước khi tham gia vở diễn này, tôi không hề biết gì về nhân vật Hầu Vương. Tuy nhiên, tôi được làm việc với đạo diễn và dàn diễn viên thật tuyệt vời. Họ đã giúp tôi hiểu được câu chuyện. Tôi cũng đã xem nhiều bản phim nhựa và phim truyền hình về nhân vật này. Tôi luôn cố gắng tìm được điểm gì đó tương đồng với nhân vật. Tôi thấy mình ưa mạo hiểm và thích khám phá giống nhân vật Hầu Vương. Vở nhạc kịch còn giúp tôi thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình” - Levine chia sẻ.

Đạo diễn vở nhạc kịch, nhà sản xuất cựu trào của Broadway Tony Stimac, giải thích về cách dàn dựng vở nhạc kịch: “Tôn Ngộ Không ở Trung Quốc cũng giống như nhân vật Hamlet ở phương Tây, đã có hàng ngàn chuyển thể: Kinh kịch, phim nhựa, phim truyền hình… Chúng ta đã có nhiều sản phẩm hiện đại về Shakespeare, tại sao lại không thể biến Hầu Vương thành một nhân vật chưa từng thấy trước đó.

Chúng tôi coi Hầu Vương là hình ảnh tượng trưng cho Trung Quốc, đất nước này đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức và giờ đã có được sức mạnh lớn. Song Trung Quốc vẫn đang phải học cách vận dụng sức mạnh đó trên phạm vi thế giới và đây cũng là điều mà Hầu Vương phải làm trong câu chuyện này”.

Nhân bản hóa nhiều nhân vật

Vở nhạc kịch còn mô tả mối quan hệ đầy cảm động giữa thầy trò Đường Tăng và giữa Tôn Ngộ Không với các kẻ thù của mình. “Chúng tôi muốn nhân bản hóa các nhân vật. Người ta thấy hơi khó đồng cảm với nhân vật Siêu nhân, bởi anh ấy có thể làm được bất cứ thứ gì. Tôn Ngộ Không cũng được coi như là Siêu nhân của Trung Quốc. Nhân vật này đã ra đời cách đây 600 năm, trước Người Sắt, Người Dơi, Người Nhện và Siêu nhân. Những người hùng đó rất nổi tiếng trong thế giới giải trí thương mại. Vì vậy, chúng tôi thấy đã đến lúc để người phương Tây biết về nhân vật siêu hùng của Trung Quốc. Song chúng tôi muốn Hầu Vương mang nhiều đặc tính của con người, để mọi người có thể quan tâm tới anh” -  Stimac nói.


Cảnh trong vở nhạc kịch Hầu Vương

Trong vở nhạc kịch này, nhân vật Long Vương là người khá ích kỷ. Hầu Vương tìm đến và đã muốn "mượn" bảo bối của Long Vương, song bị ông từ chối. Long Vương và phu nhân đã cãi nhau để quyết định xem có nên đưa bảo bối cho Hầu Vương hay không,

“Đàn ông và phụ nữ trên thế giới luôn ẩu đả nhau vì những chuyện như vậy. Nhiều trường hợp người vợ muốn giữ mọi thứ, trong khi chồng lại muốn quăng chúng đi. Đây là khía cạnh rất con người" - Stimac chia sẻ -"Trung Quốc đã đưa nhiều sản phẩm nhào lộn, võ thuật, Kinh kịch, múa... ra nước ngoài trình diễn. Tuy nhiên, người phương Tây không hiểu được những nội dung trong đó. Nếu tôi xem một vở Kinh kịch, tôi sẽ gặp rất nhiều vấn đề về văn hóa. Bạn phải hiểu được các nhân vật, xem họ đại diện cho cái gì, phải hiểu được lịch sử và nền tảng của câu chuyện… Nhưng nhạc kịch lại mang tính toàn cầu. Tôi hoàn toàn có thể thưởng thức được một vở nhạc kịch Hàn Quốc hay Nhật Bản” – Stimac chia sẻ.

Stimac còn đang muốn dựng một vở nhạc kịch về gia đình 3 chị em họ Tống, sau khi ông đọc một cuốn sách về họ. “Đây giống như tác phẩm Những người khốn khổ ở Trung Quốc. Một ngày nào đó, câu chuyện sẽ được dàn dựng thành một vở opera sử thi hoành tráng” - Stimac quả quyết.

VIỆT LÂM (theo China Daily)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm