25/01/2016 13:15 GMT+7 | Dạo quanh nước Đức
(lienminhbng.org) - E.T.A Hoffmann (24/1/1776 - 25/6/1822) được Balzac ngợi ca là tài năng đa dạng nhất của văn học Đức. Khi ông vẽ tranh thì chỉ toàn những bức biếm họa, khi ông sáng tác nhạc thì những âm thanh kỳ quái vang lên, còn khi ông viết truyện, thiên la địa võng những điều ma quái ẩn hiện trong trang sách.
Có người nghi ngờ rằng Hoffmann chỉ là kẻ bị quỷ ám, viết ra những điều méo mó nhưng độc giả và cả những thiên tài của nhân loại đều tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Tên của ông được đặt ngang với Goethe, Schiller và Heine – những vầng dương của văn chương Đức.
Những chuyện kể của Hoffmann
Tchaikovsky, bị say mê vì những câu chuyện của Hoffmann, đã dựa vào truyện Chàng lính kẹp hạt dẻ và vua chuột của nhà văn để viết nên vở vũ kịch Kẹp hạt dẻ – tác phẩm nổi tiếng nhất của Tchaikovsky và có lẽ là vở vũ kịch nổi tiếng nhất thế giới. Còn Puskin, Doxtoevski, Gogol, Dumas, Nerval, Balzac,… - những đại văn hào thế giới, đều là người hâm mộ Hoffmann.
Riêng Jacques Offenbach - một trong những nhà soạn nhạc có ảnh hưởng nhất ở châu Âu thế kỷ 19, bị “ám ảnh” bởi Hoffmann hơn thế. Ông viết hẳn vở opera Những chuyện kể của Hoffmann; trong đó, đặt nhà văn vào chính thế giới kỳ ảo của mình. Đó là thế giới quan có tầm ảnh hưởng ngang hàng như của những nhà văn lớn nhất nhân loại, nhưng hoàn toàn khác biệt. Đó là Marchen - thế giới của những truyện kỳ ảo.
Những câu chuyện li kỳ, ma quái vốn thường chỉ được xếp vào hàng giải trí nhưng Hoffmann đã nâng nó lên một tầm cao khác hẳn, khiến Balzac phải trầm trồ gọi Hoffman là “Nhà ảo thuật của phương Đông”.
Sinh thời là nhà văn có sách bán chạy nhất nước Đức nhưng trớ trêu thay, dường như Hoffmann chẳng phải tự tìm đến với thể loại kỳ dị (Marchen), mà đó là cách ông quên đi với cuộc đời bi kịch của mình.
Chú lính kẹp hạt dẻ
Hoffmann nhỏ người, đầu tóc xơ rối, khuôn mặt khắc khổ, nom giống như những chú quỷ lùn thường xuất hiện trong truyện của ông. Dấu ấn những bi kịch cuộc đời đã hằn lên tâm trí và dáng vẻ bề ngoài của ông.
Ernst Theodor Wilhelm Hoffmann (thường được viết tắt là E.T.A Hoffmann) sinh ngày 24/1/1776 tại Konigsberg, Vương quốc Phổ (nay thuộc Đức). Cha mẹ nhà văn ly hôn năm ông hai tuổi. Thời thơ ấu, Hoffmann ý thức được bầu không khí nặng nề ở nhà ngoại và sự ghẻ lạnh của cha ruột.
Vào tháng 8/1802, ông cùng vợ bị đẩy tới Plock do bức tranh biếm họa ông vẽ các sĩ quan quân đội bị lan truyền và khiến nhiều người tức giận.
Ở Plock, cuộc sống của Hoffmann chìm vào tuyệt vọng. Ông sống giữa những dân làng rách rưới, tranh của ông ngập trong bùn. Trong cùng quẫn, ông tự cô lập mình vào bước vào thế giới văn chương.
Thế rồi chiến tranh, ly tán... Mãi tới năm 1808, Hoffmann mới đoàn tụ với vợ tại Bamberg. Ở đây, ông làm quản lý một nhà hát và bắt đầu viết phê bình âm nhạc. Ông cũng có bước đột phá vào năm 1809 khi ra mắt truyện Ritter Gluck. Nhưng các cuộc chiến tiếp tục xô đẩy cuộc đời ông vào nơi tăm tối. Trong Chiến tranh Liên minh thứ sáu, vợ ông gặp tai nạn và trở nên ngẩn ngơ, điên loạn.
Hoffmann sống bấp bênh, chứng kiến nhiều cảnh kinh hoàng trong chiến tranh. Ông cũng mất đi nhiều người thân và bạn bè.
Tuy nhiên, chưa khi nào Hoffmann ngừng sáng tạo. Những năm cuối đời, thân thể ông bị tàn phá vì rượu và bệnh giang mai. Đầu năm 1822, ông bị liệt và qua đời giữa năm đó, vào ngày 25/6/1822, khi mới 46 tuổi.
Thế giới kỳ dị của Hoffmann
Trong 46 năm ngắn ngủi cuộc đời, Hoffmann đã để lại cho hậu thế 14 tác phẩm văn học, 31 tác phẩm âm nhạc và nhiều bức tranh. Tất cả đều được đánh giá cao.
Tuy nhiên, Hoffmann nổi tiếng hơn cả bởi những câu chuyện huyền ảo. Những tác phẩm của ông chẳng giống ai, khiến ông giống như chú lính chì nhỏ bé giữa những nhân vật hào nhoáng, nhưng không vì thế mà kém mạnh mẽ hơn.
Giống như chú lính chì là vua trong vương quốc búp bê, Hoffman là ông hoàng trong thể loại Marchen – truyện truyền kỳ, kinh dị ở thế kỷ 18. Không lấy những chất liệu giật gân quen thuộc như hồn ma, quái vật, ma cà rồng…, chất kinh dị của Hoffmann nằm trong chính cơn mê sảng của con người.
Những câu chuyện hư ảo của Hoffmann mang hơi thở của cuộc sống. Sự sáng tạo tột bậc cùng với lối viết hóm hỉnh ngây ngô của Hoffmann khiến độc giả, từ người lớn tới trẻ nhỏ, đều yêu thích.
Ông lôi bạn đọc ra khỏi thế giới tầm thường, vô vị và bước vào một vương quốc mới, nơi mọi mơ mộng viển vông nhất đều rất chân thật, như ông nói: “Tôi cho rằng, nền tảng của chiếc thang bắc lên trời mà người ta muốn trèo lên, vươn tới những miền cao cả hơn, phải bám chắc vào cuộc sống để người đọc muốn trèo lên theo. Và khi con người trèo lên cao, cao hơn, cao nữa và thấy mình đang ở trong một vương quốc kỳ diệu, huyễn tưởng, con người sẽ tin rằng cả vương quốc này cũng vẫn thuộc về cuộc sống của mình và nó lại là cái phần kỳ diệu, tuyệt vời nhất của cuộc sống”.
Truyện của Hoffmann đã có mặt tại Việt Nam từ khá lâu. Trong đó, có thể kể tới những kệt tác như Chiếc âu vàng, Chàng lính kẹp hạt dẻ và vua chuột, Zachest tí hon mệnh danh Zinnober, Hôn thê vị hoàng đế... cùng nhiều truyện ngắn khác.
Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất