17/02/2020 08:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Cho đến ngày hôm qua, 16/2, câu chuyện về vụ vây bắt Tuấn “khỉ” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt: khi các cơ quan chức năng vừa mở các rào chắn, người dân lại lũ lượt kéo tới xem hiện trường tại Hóc Môn (TP.HCM), nơi đối tượng này bị bắn hạ.
Trước đó không lâu, bên cạnh Tuấn “khỉ”, chính những dòng người này cũng trở thành “nhân vật chính” trên các mặt báo, trong sự ngán ngẩm của độc giả. Bởi, song song với việc truy lùng một kẻ sát nhân vừa lấy mạng 5 người, các cơ quan chức năng cũng rất vất vả để giữ trật tự và giải tán một đám đông đang háo hức đổ tới mọi điểm nóng trong quá trình vây bắt…
Như những gì được chia sẻ, trong đám đông ấy có người vượt cả trăm km để đến hiện trường. Có người đưa cả gia đình tới nơi, thức xuyên đêm xem cho “đã”. Có người tranh thủ cuối tuần, ở liền tại đó 2 ngày đêm để hóng bắt Tuấn “khỉ” và có cả những người chen chúc nhau livestream bất chấp dịch Covid-19...
Tưởng lạ, nhưng tất cả những câu chuyện ấy cũng không gây ngạc nhiên, nếu chúng ta nhìn lại những ví dụ đã có về tính hiếu kỳ của một bộ phận trong cộng đồng.
Với tính hiếu kỳ ấy, người ta có thể giành giật nhau vị trí “đẹp”' để xem cơ quan chức năng trục vớt một quả bom dưới sông Hồng, tụ tập giữa đường để “thưởng lãm” một vụ tai nạn giao thông hay trèo lên tận cột điện để xem một vụ bắt đối tượng buôn ma túy...
Chẳng cần phải nói nhiều về những hệ quả của hiếu kỳ - khi mà trong nhiều trường hợp, nó không chỉ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, cho người gặp nạn, mà còn là tác nhân đem lại tai ương cho chính những người mắc phải “căn bệnh” ấy. Để rồi, với những câu chuyện lặp đi lặp lại về thói quen này, đã có lúc, dư luận chán nản và coi đó là căn bệnh “nan y” của người Việt.
***
Sự tò mò, hiếu kỳ là bản tính chung của con người. Vậy nhưng, tại sao chúng ta lại hiếu kỳ một cách... đặc biệt, tới mức vượt qua những nguyên tắc cơ bản về ứng xử theo trật tự xã hội như vậy?
Thực tế, trong những lần “mổ xẻ” vấn đề này, một số chuyên gia về tâm lý và xã hội học đã thử đưa ra những kiến giải theo cách riêng của mình. Chẳng hạn, quan điểm phổ biến nhất cho rằng: điều này đến từ cơ cấu xã hội cũ - khi đời sống nông nghiệp của người Việt được gắn với thành tố xã hội là những cụm làng, xã nhỏ. Trong bối cảnh làng xã với không gian sống được bó gọn sau lũy tre làng, cộng đồng thường giữ mối quan tâm chặt chẽ tới đời sống của nhau. Để rồi, khi xã hội phát triển hơn, quán tính của thói quen ấy vẫn tồn tại, với mặt trái là nhu cầu bàn tán, theo dõi và chia sẻ về những điều tưởng như rất vụn vặt quanh mình.
Và ngược lại, cũng có những ý kiến khẳng định: chính quá trình đô thị hóa, với sự phát triển mạnh trong đời sống vật chất, là tác nhân khiến người ta dần trở nên nhàm chán - và từ đó, khiến căn bệnh hiếu kỳ, tò mò có thêm chỗ “trú chân”. Nhất là khi, ở bối cảnh bùng nổ về thông tin, cộng đồng sẽ có những “lần đầu tiên” được biết tới một cách rộng rãi và trực tiếp về thảm sát hàng loạt, truy nã tội phạm, tai nạn thảm khốc... - những điều vốn ít được phản ánh một cách cặn kẽ trong quá khứ.
Nhưng, dù với lý do gì, rõ ràng trong một xã hội đang phát triển, “căn bệnh” hiếu kỳ, tò mò thái quá ấy sẽ tới lúc phải được điều chỉnh để phù hợp với những nguyên tắc cần có của sự hợp lý và văn minh.
Có thể, đó vẫn là một chặng đường dài - nếu chúng ta chưa ý thức được một cách tự thân rằng: sự tò mò chỉ phát huy giá trị khi gắn với việc khám phá tri thức, chứ không phải gắn với những thứ giật gân trong một giai đoạn mà thông tin lan tràn một cách vô tội vạ.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất