07/03/2022 07:26 GMT+7
(lienminhbng.org) - Cuối tuần trước, Bộ Y tế đã kiến nghị: F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19; F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến... Đồng thời, Bộ cũng đề xuất dừng việc công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang trong cộng đồng.
Đây là những dấu hiệu cho thấy cuộc sống “bình thường mới” đang thực sự trở lại, là cơ hội để chúng ta chống lại “virus trì trệ” khi mà tình trạng đứt quãng công việc do nguồn nhân lực trong nhiều đơn vị liên tục “dính” F0, F1, khiến hiệu suất công việc trồi sụt.
Cuộc sống trở lại trong trạng thái “bình thường mới” còn có một hiệu quả ít ai ngờ tới: Góp phần làm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng giới, và do đó, tôi nghĩ, nó cũng là món quà chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sẽ diễn ra trong tuần mới này.
Thật vậy, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tới toàn cầu, nhưng ảnh hướng tới 2 giới không giống nhau. Còn nhớ cuối tháng 10 năm ngoái, tại buổi lễ công bố “Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021”, Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã phát biều rằng, đại dịch Covid-19 đã có những tác động ảnh hưởng nặng nề tới phụ nữ Việt Nam, làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới, vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động.
Bà cho biết, trước đại dịch không thấy có sự khác biệt trong tỷ lệ thất nghiệp của nam giới và nữ giới, nhưng khoảng cách này đã xuất hiện từ quý 3/2020. Nhiều bà mẹ có con nhỏ không còn lựa chọn nào khác là phải hy sinh sự nghiệp hoặc là rời bỏ công việc để ở nhà chăm con khi mà các trường học phải đóng cửa.
Cũng theo bà Hà thì “phụ nữ Việt Nam đang phải mang “gánh nặng kép” giữa công việc được trả lương và công việc chăm sóc không được trả lương”. Và bà cho rằng, “đây là rào cản hàng đầu ngăn cản phụ nữ tham gia, duy trì và thăng tiến trong lực lượng lao động. Đại dịch đã làm gia tăng sự phân chia công việc không công bằng này”.
Nhưng không chỉ mất việc làm và thu nhập, khi đại dịch lên cao trong khi vaccine chưa được tiêm trên diện rộng, chúng ta buộc phải thực hiện giãn cách xã hội một thời gian khá dài. Điều này vô hình lại gây bất lợi cho người phụ nữ khi họ phải gánh thêm nhiều công việc. Và trong những ngày giãn cách ấy, rất nhiều chị em đã phải chịu cảnh bạo hành từ phía người thân. Theo thống kê từ đường dây nóng của phòng tham vấn và nhà tạm lánh mang tên “Ngôi nhà bình yên”, 6 tháng đầu năm 2021, tổng đài tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi trong đó hơn 1.000 cuộc phụ nữ báo bị bạo hành.
Rõ ràng, trong nỗi khát khao tiến tới cuộc sống bình thường mới thì khát khao của chị em phụ nữ cháy bỏng hơn cả. Cuộc sống có trở lại bình thường thì sự bình đẳng giới mới được nâng lên.
Thực tế cho thấy, kể từ tháng 10/2021 khi chúng ta thực hiện “thích ứng linh hoạt”, dường như rất nhiều vấn đề bình đẳng giới đã không còn “nóng nữa”. Mới đây, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Hiệp hội Nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới (WIN), đã cho công bố kết quả khảo sát điều tra trên phạm vi toàn cầu về bình đẳng giới. Theo đó, có 84% người dân ở các thành phố lớn cho rằng Việt Nam đã đạt được bình đẳng giới ở công sở và 93% cho rằng có sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong gia đình. Đây là những tỷ lệ cao nhất trong số 39 quốc gia tham gia vào cuộc điều tra này.
Đó quả là một tín hiệu vui. Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, Liên Hiệp Quốc đã lựa chọn chủ đề là “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững”. Xã hội ngày mai có tươi sáng hay không phụ thuộc rất nhiều vào những việc làm và những chính sách của chúng ta trong thời điểm hiện tại, đơn cử như sự linh hoạt và mạnh dạn trong việc cho phép một số trường hợp F0 và F1 có thể tham gia làm việc.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất