Chào tuần mới: Chơi mà học trong Tết Trung thu

09/09/2019 07:13 GMT+7

(lienminhbng.org) - Đồ chơi Trung thu giờ đây rất đa dạng và phong phú. Có tiền thì rất dễ dàng mua được. Nhưng tự tay làm ra được những món đồ chơi mà mình yêu thích thì mới là những trải nghiệm tuyệt vời. Đó cũng là cách chơi mà học, vừa vui vừa sáng tạo.

Hình ảnh Tết Trung Thu truyền thống phố cổ Hà Nội

Hình ảnh Tết Trung Thu truyền thống phố cổ Hà Nội

Tối 6/9/2019, tại phố Bích họa Phùng Hưng, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã khai mạc Tết Trung Thu truyền thống năm 2019.

Thời kỳ bắt đầu lên cấp 2, tức THCS ngày nay, có lẽ là giai đoạn chúng tôi háo hức chờ đón Tết Trung thu nhất. Mấy thứ đồ chơi không thể thiếu dịp này là đèn ông sao, mặt nạ giấy, hạt bưởi xâu thành chuỗi, phơi khô để đốt sáng...

Để làm đèn ông sao, thường là trước Trung thu khoảng một tháng, bọn trẻ chúng tôi đã phải tìm kiếm tre hoặc nứa về vót thành những nan mỏng, khoảng hơn chục nan để kết thành hình ngôi sao năm cánh, rồi tìm những mảnh giấy bóng kính có màu sắc các loại để dán bên ngoài đèn, một đoạn ống tre hoặc trúc làm cán đèn, phía trên có lỗ cắm vừa cây nến thắp sáng. Tưởng dễ nhưng mà cũng phải học nhau cẩn thận, đơn giản như buộc thế nào cho năm cánh sao cân xứng cũng là cả một kỳ công.

Với mặt nạ giấy thì độ khó tăng lên, vì không phải đứa nào cũng có thể vẽ hoặc cắt các hình lên tờ bìa vở sao cho giống anh hề hoặc chí ít nom cũng ngộ nghĩnh, hài hước… Chúng phải tìm kiếm hình ảnh các nhân vật trong truyện cổ tích, trên họa báo… để làm mẫu vẽ sao cho các mặt nạ không bị trùng lặp, mỗi cái một kiểu. Mặt nạ vẽ xong nhìn thì không được đẹp như các làng nghề làm nhưng mà có thứ để mà chơi đêm Trung thu, thế là vui rồi.

Chú thích ảnh
Mặt nạ giấy bồi. Nguồn: Internet

Quá trình tìm kiếm nguyên liệu và cùng nhau làm những đồ chơi này giúp cho chúng tôi đoàn kết, gắn bó và hay chia sẻ với nhau những cách làm hay, phát hiện được ai là người khéo tay, ai là người có con mắt thẩm mỹ. Đó là những trải nghiệm để thấy được rằng, cái gì do chính tay mình làm ra bao giờ cũng đầy cảm hứng, mặc dù chưa phải là đẹp nhất nhưng cũng là thích nhất.

***

Bây giờ, dạo quanh bất cứ đâu trên đường phố Hà Nội đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh đồ chơi Trung thu dành cho trẻ em được bày bán như: đồ chơi bằng nhựa phổ theo các nhân vật trong các bộ phim hoạt hình được ưa thích, các loại súng đồ chơi, gậy đèn… Những đồ chơi này được bày bán nhiều bên cạnh những món đồ có tính chất truyền thống như mặt nạ, trống ếch, đèn kéo quân, đèn ông sao…

Lựa chọn và tìm món đồ chơi cho phù hợp với lứa tuổi mà lại được các em yêu thích là việc không dễ, nhất là giờ đây có nhiều đồ chơi công nghệ rất hấp dẫn. Nhiều người cho rằng giờ đây đồ chơi Trung thu truyền thống không còn được yêu thích. Điều đó có chính xác? Mới đây, tại buổi khai mạc chương trình Vui Tết Trung thu 2019 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), một nghệ nhân làm trống và mặt nạ sư tử đến từ tỉnh Hưng Yên cho biết mấy năm trở lại đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đã trở lại với đời sống nhiều hơn.

Làm sao để các em có thể vừa được chơi mà lại học thêm được nét đẹp của đồ chơi trung Thu truyền thống?

Nhiều đồ chơi Trung thu của chúng ta có tính giáo dục rất tốt như là tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, những con giống bằng giấy hay là con phỗng giấy… là những đồ chơi khuyến khích tinh thần học giỏi và hướng thiện. Vật liệu được làm từ giấy cũng thân thiện với môi trường, không độc hại. Hay như bộ phỗng đất với năm nhân vật chim, rùa, cụ già, em bé và ông bụt mang ý nghĩa giáo dục con cháu sống hiền lành lương thiện cũng là một món đồ chơi rất hay mà các em nhỏ có thể làm theo, vừa rèn luyện đôi tay, vừa chơi trong dịp Trung thu.

Một thứ đồ chơi trẻ em rất thích và cá nhân tôi nghĩ nên cho các em học làm đó là nặn tò he, ngoài sự khéo tay thì còn thể hiện sự sáng tạo. Đồ chơi này cũng dễ tìm kiếm nguyên liệu để thực hành, cũng là một cách chơi mà học. Nó giống như môn học thủ công ngày xưa trong trường học.

Đó là một tín hiệu vui cho thấy rằng, những đồ chơi trung thu truyền thống không hẳn là đã biến mất, nếu như chúng ta có sự hướng dẫn cho các em vừa chơi vừa học thì ngoài việc hiểu được ý nghĩa của chúng, các em sẽ có được những trải nghiệm hay. Việc này cũng rất bổ ích và rất thực tế, một công đôi ba việc.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm