07/10/2019 07:10 GMT+7
(lienminhbng.org) - Chúng ta đang hướng tới một cột mốc đặc biệt của Hà Nội: ngày 10/10 tới sẽ là dịp kỉ niệm 65 năm Thủ đô được hoàn toàn giải phóng (10/10/1954). Tuần qua, hàng loạt động đón mừng ngày lịch sử ấy đã và đang diễn ra trên toàn thành phố.
Và trong số đó, nhiều người nhắc tới một sự kiện đặc biệt: việc tái hiện lễ chào cờ lịch sử trong ngày đầu tiên của một Hà Nội được giải phóng. Cụ thể, tại Hoàng thành Thăng Long sáng 6/10 vừa qua, lễ chào cờ ấy xuất hiện trong chương trình Ký ức mùa Thu, do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện…
65 năm trước, tại sân Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long, lễ chào cờ đầu tiên trong ngày tiếp quản Thủ đô diễn ra vào 15h, 7 tiếng đồng hồ sau khi những đoàn quân giải phóng tiến vào các cửa ô Hà Nội. Sau hồi còi dài từ Nhà hát Lớn, toàn Hà Nội đều hướng về Hoàng thành - nơi hàng ngàn chiến sĩ và người dân Thủ đô đang chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột Cờ trong thời khắc lịch sử.
Còn tại sự kiện ngày 6/10 vừa qua, sau khi chiếu lại những hình ảnh về ngày 10/10/1954, những quan khách và đại biểu có mặt cũng được xếp thành những khối hình vuông để tái hiện lại nghi thức chào cờ của 65 năm trước. Trong số họ có cả những nhân chứng lịch sử từng xuất hiện tại sân Đoan Môn năm 1954. Đồng thời, trên những tấm pano được trưng bày là di ảnh của những gương mặt đặc biệt trong sự kiện ấy như Thiếu tướng Vương Thừa Vũ hay bác sĩ Trần Duy Hưng - chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội.
***
Dù còn rất chừng mực so với những gì diễn ra tại Đoan Môn 65 năm trước, lễ chào cờ ngày 6/10 vừa qua cũng đủ khiến chúng ta nghĩ tới một cách tiếp cận mới trong việc kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô. Ở đó, cột mốc lịch sử 10/10 của Thủ đô sẽ được nhắc tới không chỉ qua những con số hay khẩu hiệu, mà còn gắn với những hoạt động mang tính biểu tượng để tái dựng một phần lịch sử.
Sự thực, đây là một lần hiếm hoi, một sự kiện lịch sử của Hà Nội được tái hiện một cách sống động - thay vì “sân khấu hóa” bằng nghệ thuật biểu diễn như thường có. Và sự tái hiện ấy không chỉ là mô phỏng lịch sử đơn thuần, khi pha trộn rất nhiều yếu tố “thật”, với không gian của Đoan Môn, Cột Cờ Hà Nội - và đặc biệt là những nhân chứng lịch sử năm xưa.
“Những gì diễn ra làm tôi xúc động và nhớ về ngày 10/10 của 65 năm trước, khi tôi ở tuổi lên 7. Đó là sự bổ sung rất cần thiết cho lịch sử, với những con người cụ thể và câu chuyện cụ thể” - nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ - “Thực tế, đã có một thời gian dài, thứ lịch sử mà chúng ta mang đến cho lớp trẻ là một thứ lịch sử “vô nhân xưng”. Ở đó tràn ngập những biểu tượng, những khái niệm, những mốc năm tháng và số liệu khô khan, khiến lịch sử trở nên xơ cứng, xa lạ và nghèo nàn…”.
Thực tế, cách tiếp cận lịch sử theo hình thức này đã từng xuất hiện tại một số quốc gia. Điển hình, hơn chục năm qua, cả thế giới đã quen thuộc với cuộc tuần hành “Trung đoàn bất tử” tại Nga vào ngày Chiến thắng 9/5. Đều đặn, vào thời điểm ấy, hàng triệu hậu duệ của các cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh chống phát xít Đức vẫn xuống đường tuần hành với băng rôn, biểu ngữ và di ảnh người thân trên tay, như một hình thức để tái hiện lại lịch sử bi thương và hào hùng của dân tộc.
Còn tại Việt Nam, với những gì đã có trong cuộc chiến tranh vệ quốc của thế kỷ 20, dường như, chúng ta cũng không thiếu chất liệu để “nối dài lịch sử” trong đời sống hiện đại. Chẳng hạn, như lời nhà sử học Dương Trung Quốc, ông vẫn ước ao có một sự kiện đặc biệt kỷ niệm chuỗi ngày đêm diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 theo suy nghĩ của mình.
“Mỗi năm chọn lấy một ngày, mỗi ngày ấy chỉ cần dành ra vài phút. Vào vài phút ấy, tại những địa điểm gắn bó với chiến tích năm xưa, người ta hạ ánh sáng tối đi một chút như ánh đèn phòng không, nổi lên một hồi còi và những âm thanh quen thuộc năm xưa cùng những lời cảnh bảo, lời cổ vũ, những bài hát của một thời” - ông nói - “Những ai có ký ức sẽ hồi tưởng, để chúng ta cùng nhớ về những người đã ngã xuống năm xưa, cũng như tự hào về chiến tích của 12 ngày đêm lịch sử…”.
Chỉ vài phút mỗi năm, vậy cũng đủ để chúng ta bảo tồn được mãi mãi những cột mốc của lịch sử hiện đại, như bao đời nay ta vẫn được dự Hội Gióng hay lễ hội Đống Đa mà các thế hệ cũ trao truyền.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất