Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022: Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc

09/04/2022 18:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc". Trong đó, trọng điểm từ ngày 15/4 đến ngày 21/4/2022.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 có chủ đề 'Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc'

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 có chủ đề 'Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc'

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

Nhiều hoạt động trong Ngày Sách và Văn hóa đọc 2022   

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có  đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng… Đây cũng dịp để lan tỏa văn hóa đọc, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.   

Chú thích ảnh
 Học sinh háo hức tham giam ngày hội, tìm hiểu và đọc những cuốn sách được trưng bày, giới thiệu. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc", Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 sẽ bao gồm nhiều hoạt động như tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022, tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, tôn vinh người đọc, người làm thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và góp phần phát triển văn hóa đọc.   

Bên cạnh đó, tổ chức không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, ký tặng sách, quyên góp, ủng hộ và trao tặng sách, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin...; khai thác nguồn lực về khoa học công nghệ, thế mạnh của không gian mạng để xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ tài liệu điện tử và tổ chức các hoạt động quảng bá về sách và văn hóa đọc; tổ chức các câu lạc bộ về sách, câu lạc bộ bạn đọc; phát động, nhân rộng mô hình tủ sách nghiệp vụ…

Sách - nguồn tri thức quý của mọi thời đại      

Từ xa xưa, trong xã hội loài người, nền văn hoá nào cũng có những công cụ và phương tiện vật chất đặc trưng cho thời đại của mình để xã hội, cộng đồng sinh tồn và phát triển. Trong số các công cụ và phương tiện vật chất ấy, sách được coi là một sản phẩm diệu kỳ, một phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, cả ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sách không những có thể hợp nhất không gian, mà còn hợp nhất được cả thời gian, bởi khi mở một cuốn sách có thể biết được điều người khác đã nói, đã làm cách ta hàng vạn dặm; hay biết được cuộc sống và sinh hoạt của những người đã sống cách ta nhiều thế kỷ trước...         

Cho đến nay, trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, là phương tiện và là một công cụ để sáng tạo và nhận thức thế giới. Trên thế giới, người dân các nước vẫn duy trì thói quen đọc sách in truyền thống, chứ không phải chỉ xem tivi và truy cập internet. Đặc biệt, khi công nghệ đang phát triển mạnh mẽ với quy mô toàn cầu, sách vẫn là một phương tiện có sức lan tỏa mạnh mẽ để truyền đạt kho tàng tri thức của nhân loại, đồng thời mang lại những suy nghĩ, cảm xúc riêng cho mỗi người.   

Chú thích ảnh
Các em học sinh tham quan các gian trưng bày sách. Ảnh: Đinh Văn Nhiều - TTXVN

Và cho dù xã hội phát triển cao hơn nữa, thì sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hoá truyền thống lâu đời vốn có của nó. Đơn giản bởi sách đã gắn bó với con người qua hàng nghìn năm lịch sử và sách vẫn là nguồn sống quí giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.

Những năm gần đây, nhiều hoạt động kết nối sách và bạn đọc được tổ chức trên cả nước với quy mô lớn, chất lượng cao. Đặc biệt Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm đã trở thành một hoạt động văn hóa thiết thực của người dân cả nước. Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay tiếp tục mang sứ mệnh tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, qua đó, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân.         

Lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng         

Dù ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học là một trong những phương cách để hoàn thiện bản thân, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và để đóng góp vào phát triển xã hội và đọc sách là một trong những cách học hiệu quả. Vì thế, từ lâu đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều người.         

Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh George (23/4), người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình. Từ năm 1995, UNESCO đã chính thức chọn ngày 23/4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới .         

Chú thích ảnh
Các em thiếu nhi hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam (nay là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam-Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 4/11/2021) là nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Kể từ đó đến nay, mỗi tháng tư về lại thêm ý nghĩa với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là với những người yêu sách, người sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.         

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, in, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách. Đồng thời, cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.         

Hằng năm, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn, không chỉ ở các tỉnh, thành phố mà đã được chú trọng triển khai đến địa bàn cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn. Qua các Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trên cả nước đã xây dựng được phong trào đọc, viết, quảng bá, lưu giữ sách trong mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.         

Các hoạt động về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của sách và việc đọc sách. Hiện tại, đã có tới 90% số tỉnh, thành phố triển khai hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến các quận, huyện và 30% tỉnh, thành phố tổ chức tại cấp phường, xã; 100% số thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc, tăng cường phục vụ sách lưu động về các vùng sâu, vùng xa, hải đảo…         

Mỗi bộ, ngành, tổ chức, địa phương đều tự tìm tòi để hình thành mô hình tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế, đưa sách "phủ sóng" rộng khắp. Trong hệ thống giáo dục, hơn 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và hơn 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam; xây dựng được hơn 30.000 tủ sách phụ huynh…         

Không chỉ trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, những năm qua, phong trào đọc sách, đưa sách đến với người đọc đã lan tỏa, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống. Qua đó, cũng tạo cơ hội để các đơn vị xuất bản, phát hành đưa sách hay, sách mới đến cộng đồng, khuyến khích người viết, người đọc, giúp thị trường sách sôi nổi, đóng góp tích cực không chỉ về mặt tri thức, mà cả kinh tế cho đất nước…

Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm