21/10/2019 07:06 GMT+7
(lienminhbng.org) - Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip hơn 1 phút, ghi lại hình ảnh một cô giáo ngồi chấm bài rồi ném từng quyển vở của học sinh xuống sàn và gọi tên từng em lên nhặt mang về.
Hành động phản cảm của cô giáo nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Rất nhiều ý kiến phẫn nộ, phê phán hành vi phản giáo dục, thiếu tôn trọng học trò của cô giáo này.
Hẳn ai cũng còn nhớ những ngày đầu tiên mình chuẩn bị sách vở đến trường. Vẫn còn đó trong tôi cái cảm giác được cầm trên tay tập vở mới, cuốn sách giáo khoa mới còn thơm mùi giấy, rồi loay hoay tìm giấy báo để bọc bìa cho khỏi quăn queo. Những kỷ niệm đó luôn tinh khôi trong lòng…
Còn tại nhiều trường học, cho đến tận bây giờ, phong trào “vở sạch chữ đẹp” vẫn rất sôi nổi. Điều đó nói lên rằng khi đi học, nâng niu trân quý sách vở là việc đầu tiên phải làm, vì điều đó thể hiện ý thức học tập.
Tôi vẫn nhớ cô giáo chủ nhiệm ngày chúng tôi học lớp 2, mỗi khi thu vở học sinh để chấm bài, bao giờ cô cũng tự tay xếp lại cả tập vở cho ngay ngắn, xoay đúng chiều cho gáy tập vở về cùng phía, nhãn vở quay ra trước mặt. Khi chấm bài, cuốn vở nào quăn mép, cô sẽ dùng thước kẻ vuốt lại cho thẳng và nhắc học trò hãy chú ý làm như thế, hãy giữ cho vở chép bài phẳng phiu, sạch sẽ.
Phần lời phê, bao giờ cô cũng ghi ngắn gọn, nhưng lời lẽ rất dịu dàng mang tính dặn dò, động viên nhiều hơn là “phê bình”, kiểu như là: “Em cần cố gắng nhiều hơn nhé”, hoặc là “Em có tiến bộ”…
Những khi trả bài trên lớp luôn là dịp ồn ào, náo nhiệt. Biết bọn trẻ chúng tôi thường nôn nóng nhao lên để nhận vở, mở ra xem điểm, tranh thủ khoe nhau điểm cao, chê cười những bạn điểm thấp…, cho nên khi trả bài, cô luôn yêu cầu trật tự và gọi từng bạn lên, nhận lại vở của mình bằng hai tay, về đến chỗ ngồi thì mới được mở ra xem kết quả, vừa không gây mất trật tự, lại có văn hóa tập thể lớp. Đó cũng là sự tôn trọng học sinh và rèn cho học sinh ý thức nâng niu sách vở của mình.
Đọc các bài viết về người Do Thái dạy con giữ gìn sách vở, tôi thấy rất nhiều điều thú vị. Với người Do Thái, sách vở luôn ngọt ngào với tất cả các gia đình. Họ luôn dạy con: “Người có trí tuệ là người hạnh phúc”, “Khi nhà cháy con nên đem theo trí tuệ”… Họ dạy con cái biết quý trọng sách vở, chăm chỉ học hành để có kiến thức uyên bác, biết trân trọng sách vở và bảo quản cẩn thận.
Lại nhớ người xưa, khi đọc sách, dù chỉ có một mình trong thư phòng, cũng thường phải ăn mặc chỉnh tề, ngồi ngay ngắn bên án thư mới lật giở sách xa xem, khi cần cầm sách lên thì tay phải ôm lấy gáy sách để tránh làm gãy gáy… Nó khác hẳn với kiểu nằm ngồi ngả ngớn, gập sách làm đôi để đọc như đa số lớp trẻ bây giờ. Ngày nay, dù chất lượng sách vở có tốt hơn và giá có rẻ đi bao nhiêu thì văn hóa giữ gìn sách vở vẫn rất cần phải nâng niu trân trọng.
***
Người lớn chúng ta vẫn thường nói rằng, cần phải đối xử với trẻ em một cách bình đẳng, trang trọng. Thậm chí trong các cuộc “đối thoại”, nên tôn trọng và lắng nghe ý kiến các em như những cá nhân đã trưởng thành, chứ không nên coi chúng là “con nít” mà có thể tùy tiện cư xử theo ý mình.
Thế nhưng, trong những công việc đời thường thì nhiều khi chính chúng ta lại quên mất điều đó.
Trong vụ việc cô giáo ném vở của học sinh xuống bục giảng, hành động của cô thể hiện thái độ “bề trên”, không có sự tôn trọng học trò, làm mất đi ý thức trân trọng sách vở nơi con trẻ, nhất là khi các em mới bước vào những năm học đầu tiên của đời học trò, ở độ tuổi rất cần sự gương mẫu, sự quan tâm sát sao để chúng học tập và noi theo.
Ông bà xưa có nói: "Giấy rách phải giữ lấy lề". “Lề” là phần tạo ra vẻ đẹp, sự trang trọng, ngay ngắn cho tờ giấy. Cho nên, với sách vở, trong hoàn cảnh nào cũng cần phải có ý thức giữ gìn cẩn trọng, không được cẩu thả, qua quýt...
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất