Chào tuần mới: 'Gợi mở' về quá khứ

10/06/2024 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Một thông tin thú vị cuối tuần qua: Theo đề xuất từ quận Ba Đình, khu vực phố Phạm Huy Thông (cạnh hồ Ngọc Khánh) sẽ được cải tạo, chỉnh trang để thực hiện đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ tại đây. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước ngày 10/10.

Đáng nói, với mong muốn gìn giữ giá trị lịch sử của vùng đất này, việc cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, kiến trúc đô thị tại phố đi bộ này sẽ được quan tâm tới những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ đường trong quá khứ.

Theo tư liệu cũ, Giảng Võ đường là khu vực tập luyện võ nghệ, thao tác binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến. Từ thời Lê sơ, Giảng Võ đường được xây dựng tại phía Tây Thăng Long, trên khu vực các phường Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh hiện tại. Và kể từ thập niên 1960, giới khảo cổ đã bắt đầu tập trung nghiên cứu các dấu vết còn lại của "trường võ bị quốc gia" từng rất quan trọng này.

Chào tuần mới: 'Gợi mở' về quá khứ - Ảnh 1.

Một trong những tuyến phố sẽ triển khai tuyến đi bộ. Ảnh: VGP/Minh Anh

Để rồi, sau một số phát hiện mang tính chất nhỏ lẻ, vào đầu thập niên 1980, trong quá trình mở rộng hồ Ngọc Khánh như hiện tại, rất nhiều hiện vật quý đã được tìm thấy tại đây, bao gồm vật liệu kiến trúc cổ, đồ gốm và đặc biệt là rất nhiều vũ khí cổ như giáo, câu liêm, đinh ba, kiếm, qua, súng lệnh, đạn… Các kết luận sau đó cho thấy đây chính là một phần của Giảng Võ đường xưa - trong khi những vũ khí cổ đều là các loại từng có tên trong binh chế thời Lê, và tất nhiên, được sử dụng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc chống kẻ thù phương Bắc.

Và cũng từ thời điểm này, nhiều chuyên gia đã nhắc tới việc Hà Nội nên sớm có những hình thức phát huy các kết quả nghiên cứu từng có về Giảng Võ đường. Nhất là khi, chúng ta đã bảo tồn Văn Miếu và Y Miếu, nhưng Võ Miếu (tương truyền tại khu vực Thành cổ Hà Nội) và Giảng Võ đường thì hoàn toàn biến mất theo thời gian.

***

Trở lại với trường hợp phố đi bộ Ngọc Khánh. Như những hình ảnh minh họa ban đầu được cung cấp, việc "gợi nhớ" sự tồn tại của Giảng Võ đường xưa ở khu vực này có thể đến từ một số trụ cầu vượt bộ hành, cổng chào cách điệu, bảng giới thiệu… mang thiết kế và nội dung liên quan tới công trình xưa này.

Ở một chừng mực, đó là một cách tiếp cận hợp lý: Không gian đi bộ của hôm nay được "kết nối" với quá khứ xưa bằng những kiến trúc vừa phải, mang tính biểu trưng, thiên về gợi mở hơn là tả thực. (Cũng cần nhắc lại, việc khám phá toàn bộ kiến trúc xưa của Giảng Võ đường - vốn được sử liệu mô tả là rất rộng - là điều rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện tại).

Tất nhiên, từ ý tưởng cho tới thực tế, những kiến trúc này hẳn sẽ còn có những điều chỉnh hoặc thay đổi khi đi vào thực hiện. Nhưng chắc chắn, bên cạnh những chỉnh trang như lát đá cho lòng đường, vỉa hè, đường dạo khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận, bổ sung cây xanh, ghế ngồi, nhà vệ sinh công cộng… thì việc tìm hướng "kết nối" với Giảng Võ đường là một tín hiệu tích cực cho không gian này.

Bởi, đó không chỉ là việc gợi nhớ về một kiến trúc quan trọng, gắn với lịch sử và văn hóa Thăng Long xưa, mà còn là câu chuyện về nỗ lực tìm nét riêng cho một không gian đi bộ - mà sự xuất hiện của chúng đang là trào lưu tại Hà Nội và rất cần sự đa dạng về bản sắc.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm