25/10/2021 07:03 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trong thời gian tới, học sinh thuộc các địa bàn được xác định có dịch bệnh ở các cấp độ 1 và 2 sẽ được đến trường học trực tiếp. Cấp độ 3 thì vừa dạy học trực tiếp kết hợp với học trực tuyến, học trên truyền hình.
Và để chuẩn bị cho việc này, tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn gửi các sở về thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập.
Quay trở lại trường học vào thời điểm này đương nhiên là mong ước của tất cả mọi người, từ các em học sinh, các thầy cô giáo đến các bậc phụ huynh. Nhưng chúng ta cũng không vì quá trông cậy vào thời điểm được học trực tiếp mà xao nhãng hay xem nhẹ việc học online…
Để cho học sinh trở lại trường, có rất nhiều việc phải làm, từ phân loại học sinh, đánh giá và ôn tập lại kiến thức, đến tăng cường chất lượng dạy và học... nhưng tôi thấy trọng tâm vẫn là 2 vấn đề chính, đó là an toàn và thích nghi.
An toàn thì ai cũng nhìn thấy, từ việc tuân thủ 5K, phòng chống dịch trước khi đến trường, khi đến trường và sau giờ tan lớp ra về... cùng với đó là các phương án khi phát hiện có ca nhiễm thì phải làm gì, tổ chức cách ly ra sao? Nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào việc đến trường học trực tiếp. Đơn giản là cho đến giờ phút này, chúng ta chưa một ai dám khẳng định chắc chắn khi nào thì dịch bệnh chấm dứt hoàn toàn. Hiện tại không chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang xác định phải “sống chung với dịch bệnh”. Như thế “an toàn” lúc này cũng chỉ có thể là tạm thời, tức là đến trường nhưng vẫn phải sẵn sàng thay đổi hình thức học tập khi diễn biến dịch bệnh xấu đi.
Để sẵn sàng thì buộc tất cả chúng ta phải “thích nghi” với các tình huống. Nhà trường và giáo viên vẫn phải có phương án dạy trực tuyến, ở các gia đình vẫn phải sẵn sàng các thiết bị để học online, học sinh nếu không được đến lớp thì tiếp tục học online, các cấp chính quyền cũng phải cập nhật tình hình để có thể ứng phó nhanh nhất khi dịch bệnh có diễn biến khác thường.
Tôi nhớ cách đây vài năm, triển lãm ảnh “Trẻ em thời chiến” đem lại những khoảnh khắc ấn tượng cho người xem về cuộc sống, việc học tập và lao động của trẻ em miền Bắc trong những năm tháng chiến tranh cách đây 50 năm. Thông qua những bức ảnh, người xem cảm nhận được rằng, những năm tháng chiến tranh ấy, với trẻ em quả thật là một thử thách hết sức khắc nghiệt, phải đối mặt với sự kham khổ và hiểm nguy. Không có điện, nước máy, không có bố mẹ bên cạnh, nhưng các em nhanh chóng làm quen và thích nghi với cuộc sống mới. Từ chuẩn bị hành trang đến lớp luôn kèm theo mũ rơm, đèn chai đến việc luôn sẵn sàng thay đổi địa điểm lớp học tránh bom. Rồi phải chung tay đào hầm, đào hào, ngụy trang lớp học, quen với việc sinh hoạt trong những căn hầm chữ A... Vượt lên trên hết, tất cả đều ý thức được rằng dù thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải học, dù là lớp học ngoài sân đình, trong các ngôi chùa hay là dưới hầm trú ẩn. Giờ học vào ban ngày hay là ban đêm...
Giờ đây, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn đang phức tạp, điều ấy vẫn luôn luôn đúng. Cho dù nhiều gia đình không thích con em mình học online, mong muốn cho các em được đến trường học trực tiếp nhưng xét kỹ ra thì phương án nào cũng có những điều bất cập, khó có thể thỏa mãn được tất cả cộng đồng. Và dù có tranh luận thế nào thì có lẽ tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng: Học tập là quá trình liên tục, không ngừng, không nên có tâm lý chờ đợi đến khi... đủ điều kiện, đủ tiện nghi mới dốc sức học hành. Học nỗ lực ngay từ lúc này.
Với giáo dục trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi nghĩ rằng khái niệm “học thật” còn là học nghiêm túc, hết mình ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất