30/12/2024 06:18 GMT+7 | Văn hoá
Giữa tuần qua, ngày 26/12, tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức lễ đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2.
Cần nhắc lại, theo quy định, các công viên địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận sẽ được tái thẩm định theo chu kỳ 4 năm/lần. Và, vào giữa năm 2020, công viên địa chất Đắk Nông từng được UNESCO vinh danh là Công viên địa chất toàn cầu với diện tích gần 4.800 km2 và khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước.
Trước Đắk Nông, vào năm 2023, hai trường hợp tương tự của chúng ta cũng vừa được tái thẩm định thành công và tiếp tục nhận các danh hiệu công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Đó là công viên địa chất Non nước Cao Bằng (nhận danh hiệu lần thứ 2) và công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang (nhận danh hiệu lần thứ 3).
Dù mang tính chất "đến hẹn lại lên" khi gắn với các chu kỳ thẩm định của UNESCO, nhưng rõ ràng, việc tiếp tục được công nhận này cho thấy giá trị thực chất của công viên địa chất đầu tiên tại Tây Nguyên, cũng như những nỗ lực của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc giữ gìn các hệ giá trị này.
Quan trọng hơn, đó cũng là những khích lệ để công viên địa chất Đắk Nông trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và định hình chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh toàn cầu.
Và theo một cách nào đó, lễ đón nhận danh hiệu tại Đắk Nông cũng khép lại một năm thành công của chúng ta với những danh hiệu từ UNESCO.
Ở đó, riêng với lĩnh vực công viên địa chất, vào cuối tháng 9 năm nay, chúng ta vừa có thêm một công viên địa chất toàn cầu thứ tư được UNESCO công nhận tại Lạng Sơn, với diện tích hơn 4.800 km2.
Rộng hơn, đó là việc UNESCO vinh danh "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" với danh hiệu "Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" vào tháng 5 và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12 vừa qua.
Ngoài ra, còn có thể nhắc tới việc TP.HCM và TP Sơn La cũng được UNESCO ghi danh làm thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu" vào đầu năm nay…
Cần khẳng định, những thành công ấy là một phần của chiến lược quảng bá - ngoại giao văn hóa mà Việt Nam đang xây dựng trong những năm qua, và cũng là một chỉ số cho thấy tiềm năng của chúng ta trong hướng đi này.
Còn ở một góc độ khác, rõ ràng, mỗi danh hiệu mà Việt Nam nhận về từ UNESCO lại mở ra thêm những "bài toán" mới về việc phát huy giá trị từ chúng một cách trọn vẹn và khoa học nhất.
Chẳng hạn, với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Đắk Nông hay Lạng Sơn, chúng ta vẫn còn quá nhiều dư địa để phát triển du lịch (và cả nghiên cứu, giáo dục) quanh những không gian rộng hàng ngàn km2 này. Hoặc, bên cạnh lượng khách hành hương vốn có trong nước, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam giờ đây hoàn toàn có thể giúp tỉnh An Giang thêm những du khách từ quốc tế…
Rồi, từ "xuất phát điểm" của một di sản tư liệu, những hoa văn, họa tiết trên những đỉnh đồng thời Nguyễn cũng đang đứng trước cơ hội được tiếp cận và trở thành một phần trong dòng chảy của đời sống hiện đại qua mỹ thuật ứng dụng - điều mà một số chuyên gia đã thử nghiệm tại một cuộc triển lãm vừa qua…
Hy vọng, niềm vui từ những danh hiệu quốc tế vừa sở hữu trong năm qua sẽ là động lực để chúng ta tiếp tục hoàn thành những "bài toán" cần thiết ấy!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất