18/11/2019 07:24 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tuần mới này, Việt Nam chúng ta kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) lần thứ 37. Khác với những thông lệ trước đó, năm nay, sẽ không tổ chức lễ kỷ niệm mà có thể thay thế bằng tổ chức họp mặt truyền thống, tọa đàm, thăm hỏi nhà giáo nghỉ hưu… Ngành giáo dục của một địa phương nọ còn có thông báo sẽ không tổ chức tiếp khách, nhận hoa và quà chúc mừng dịp này.
Điều này bắt nguồn từ Nghị định 111/2018/NĐ-CP ban hành ngày 31/8/2018. Theo đó, tại Điều 4 của Nghị định này nêu: chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống đối với những năm tròn, các năm khác sẽ không tổ chức lễ kỷ niệm mà chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động thiết thực khác để kỷ niệm…
Với cá nhân tôi, đó có thể coi là một điểm mới. Bởi chúng ta đều biết rằng cứ đến dịp này hàng năm là câu chuyện tổ chức lễ lạt, rồi tặng quà gì cho thầy cô luôn tạo ra băn khoăn cho cả các gia đình học sinh cũng như các thầy cô giáo.
Tri ân các thầy các cô là việc làm tốt, đúng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể, chúng ta có nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn cũng như thể hiện sự kính trọng người thầy. Vậy thì món quà gì cho các thầy cô giáo trong thời buổi 4.0 này sẽ có ý nghĩa và phù hợp?
Từ góc độ là phụ huynh học sinh, nếu chúng ta xuất phát từ tình cảm chân thành thì có thể gửi lời hỏi thăm, chúc mừng, tặng hoa. Các em học sinh thì làm những bưu thiếp hay những món quà thủ công để bày tỏ tình cảm của mình với các thầy cô trên lớp. Với các em học sinh đã ra trường, nếu có điều kiện thì về trường gặp lại các thầy cô giáo cũ, còn không thì vẫn có thể gửi lời chúc qua bưu thiếp, gọi điện hỏi thăm. Cái quan trọng là thái độ chân thành, tôn kính thể hiện sự biết ơn những người “đưa đò” giúp mình vào đời, như thế cũng là rất đúng với đạo học trò. Đơn giản, nhưng thực tế và cũng có ý nghĩa.
Mặc dù hiện nay rất nhiều người vẫn coi việc "đi phong bì" giáo viên là để mong giáo viên quan tâm con mình hơn, để không bị trù dập, điểm kém… nhưng nếu vẫn lạm dụng chuyện này để nhằm mục đích cá nhân thì ý nghĩa đích thực của ngày này sẽ giảm đi.
Một cô giáo 32 năm trong nghề tại TP.HCM đã tâm sự rằng: “Với tôi, ngày 20/11 thấy hơi ngại và phiền. Từ lâu lắm rồi, tôi không nhận quà dịp này. Tôi luôn báo trước với học trò vì mong các em thông cảm, vì sợ các em nghĩ mình giận hờn gì đó, cũng ngại phiền khi các em tốn kém thêm. Cũng từ rất lâu, ngày 20/11 tôi không mở cửa, không ở nhà tiếp học trò. Chắc tụi nhỏ cũng quen, nên cũng lâu lắm rồi tôi không có quà 20/11. Nếu có thì cũng là chút gì đó nhỏ nhỏ, vui vui của vài đứa trò cũ về trường đúng ngày lễ cô trò có dịp gặp nhau”.
***
Một câu chuyện cũ tôi muốn kể lại, năm cuối cùng học cấp 3, vào dịp 20/11. Mặc dù nhà trường đã tổ chức lễ kỷ niệm tại trường và trên lớp, ngoài ra còn thông báo rõ rằng đề nghị các em học sinh không nên đến thăm các thầy cô tại nhà riêng. Thế nhưng, một nhóm bạn trong lớp tôi khi ấy đã “quên” thông báo này, họ rủ nhau đạp xe vào tận Đình Bảng thăm cô giáo bộ môn. Khi ra về, bạn tôi không may gặp tai nạn giao thông và đã qua đời. Sự việc đáng tiếc này khiến cho dịp 20/11 năm ấy trở thành nỗi buồn của cả thầy lẫn trò.
Nhiều năm sau này, khi gặp lại cô giáo ấy chúng tôi vẫn cứ cảm thấy hối hận. Cô nói rằng: Đối với cô, các em có ý thức học tập tốt, ra trường làm người tử tế có ích cho gia đình mình và cho xã hội, đấy là món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất dành tặng cho cô. Món quà của cả một đời ấy lớn hơn rất nhiều so với món quà của một ngày.
Đó chính là “quả” của công việc “trồng người” mà bất cứ thầy cô nào cũng mong muốn nhận được trong một đời đứng trên bục giảng.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất