Chào tuần mới: Dạy sự trong sáng

13/09/2021 06:45 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tuần qua, trong không khí khai giảng, lại nổi lên cuộc tranh luận về bài văn Tôi đi học trong sách Tiếng Việt 1 (tập 2), bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, do PGS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên.

Ngày khai trường, bồi hồi nhớ lại "Tôi đi học" của Thanh Tịnh

Ngày khai trường, bồi hồi nhớ lại "Tôi đi học" của Thanh Tịnh

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường".

Một bên là những ý kiến phản đối việc “cắt gọt, chỉnh sửa” nguyên tác bài Tôi đi học của Thanh Tịnh để đưa vào sách giáo khoa (SGK). Một bên thì dẫn chứng rằng SGK từ xưa đến nay, từ Tây sang Đông, cũng không hiếm trường hợp “cắt gọt, chỉnh sửa” giống như vậy. Cuộc tranh luận dẫn đến 3 luồng ý kiến khác nhau, đồng ý, không đồng ý và trung lập, kéo dài bằng nhiều bài viết, ai cũng có lý lẽ của mình.

Ở đây xin không bày tỏ quan điểm về việc ai đúng, ai sai trong cuộc tranh luận này, mà chỉ là một suy nghĩ về tính toàn vẹn của tác phẩm, của trích dẫn và sự ảnh hưởng đến trẻ em từ chuyện “cắt gọt, chỉnh sửa” này.

Thanh Tịnh (1911-1988) là nhà văn có bản sắc rất riêng trong việc dùng từ, đặt câu, nổi tiếng với các tác phẩm như Quê mẹ (truyện ngắn, 1941), Tôi đi học (truyện ngắn, 1941), Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn, 1943)…

Chú thích ảnh
Văn bản “Tôi đi học” trong Sách giáo khoa lớp 1, tập 2 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: Vương Thuỷ/Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Truyện ngắn Tôi đi học đã được đưa nguyên văn, hoặc trích dẫn nguyên đoạn vào SGK nhiều lần. Nhưng lần này thì nhóm biên soạn của PGS Bùi Mạnh Hùng không làm như vậy, mà cắt ghép 8 câu riêng lẻ rồi dồn thành 2 đoạn và chú thích là theo Thanh Tịnh. Trong khi nguyên tác “Tôi đi học” thì không có chỉnh thể 2 đoạn và cấu trúc giống như việc mới lắp ghép này.

Việc làm này có thể giúp đảm bảo số chữ khi biên soạn SGK, nhưng hoàn toàn chưa đảm bảo cấu trúc, văn phong của Thanh Tịnh. Sao không lựa một đoạn phù hợp hơn về nội dung và dung lượng để trích nguyên văn, rồi chú thích là trích từ Tôi đi học của Thanh Tịnh? Văn của Thanh Tịnh vốn nhẹ nhàng, mới mẻ, có đặc thù riêng về dùng từ (đặc biệt từ láy), về tổ chức câu “nhân quả”, có câu này thì có câu kia, để tạo sự du dương, cân bằng, xúc động. Nói tóm lại, 2 đoạn trong sách Tiếng Việt 1 (tập 2) không còn là văn phong, cấu trúc câu và đoạn văn của Thanh Tịnh nữa, mà là của nhóm biên soạn SGK. Việc “cắt gọt, chỉnh sửa” này có thể làm ảnh hưởng ít nhiều đến tính trong sáng vốn có của một tác phẩm toàn vẹn, đã nổi tiếng từ lâu.

Chưa nói, học sinh lớp 1 giống như tờ giấy trắng, nhiều em thường học thuộc lòng cả đoạn văn hoặc đoạn thơ. Nếu đoạn “cắt gọt, chỉnh sửa” này được các em thuộc lòng, lớn lên sẽ có hình dung văn phong, cấu trúc của “Tôi đi học” chỉ là như vậy. Bởi thực tế cho thấy, không nhiều học sinh tìm đọc toàn văn tác phẩm đã được trích dẫn để in trong SGK.

Đáng lý từ phổ thông đã cần đưa vào SGK dạy cho học sinh những trích dẫn mang tính mẫu mực. Để làm sao truyền tải được tinh thần, hồn cốt của tác phẩm gốc, giúp học sinh thêm yêu mến, ngưỡng mộ tác giả. Văn chương không chỉ là nội dung câu chữ, mà còn là vẻ đẹp của văn phong, là phong cách riêng của tác giả. Thanh Tịnh lôi cuốn độc giả nhiều thế hệ là vì phong cách riêng của mình. Ngoài ra, nếu sau này học sinh có dịp đọc thêm tác phẩm gốc, sẽ thấy được sự trích dẫn bài văn mà mình đã học là mẫu mực, tiêu biểu, có thể học hỏi, làm theo.

Nhìn rộng ra, một tác phẩm được bảo hộ bản quyền và có dấu ấn cá nhân là vì nó có cấu trúc, chỉnh thể hoàn thiện, riêng biệt, hoặc độc đáo. Ví dụ bài thơ thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ) bị “cắt gọt, chỉnh sửa” thành thất ngôn tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 7 chữ), thì rõ ràng cấu trúc, chỉnh thể đã thay đổi rất lớn.

Vì vậy, với bài văn trong sách Tiếng Việt 1 nêu trên, nếu tự tác giả làm theo yêu cầu của SGK, ghi rõ là một phiên bản khác, thì có thể tạm ổn, chứ Thanh Tịnh đã mất hơn 30 năm, việc “cắt gọt, chỉnh sửa” sẽ rất khó mà ổn thỏa, khoa học…

“Tôi đi học”: Nguyên tác và trong sách “Tiếng Việt 1”

Nguyên văn bài “Tôi đi học” trong sách “Tiếng Việt 1” (tập 2):

Tôi đi học

Một buổi mai, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi. Hôm nay tôi đi học.

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân. Thầy giáo trẻ, gương mặt hiền từ, đón chúng tôi vào lớp. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn bạn ngồi bên, người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào.

(Theo Thanh Tịnh)

Các đoạn tương ứng trong nguyên tác của Thanh Tịnh:

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

[…]

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

[…]

Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ.

[…]

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng cảm thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm