06/02/2023 08:42 GMT+7 | Văn hoá
Một sự kiện đáng chú ý vừa diễn ra vào cuối tuần qua, khi chúng ta có thêm 27 bảo vật quốc gia được chính thức công nhận. Như thế, sau 11 đợt công nhận (diễn ra thường niên kể từ năm 2012), chúng ta hiện đã có 265 hiện vật và nhóm hiện vật gắn với danh xưng này.
Đặc biệt, trong số 27 bảo vật được công nhận lần này, có tới 7 trường hợp - nghĩa là khoảng 25% - thuộc về các bộ sưu tập tư nhân. Đây là tỷ lệ tăng đáng kể, so với 1/24 trường hợp của đợt 9 (năm 2020) và 1/23 trường hợp của đợt 10 (năm 2021).
Khá thú vị, 2 trong số các chủ nhân của các bảo vật này đều là những gương mặt từng được nhắc tới trong các đợt công nhận trước.
Cụ thể, nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính (Hà Nội), người sở hữu 2 bảo vật thạp đồng Kính Hoa và trống đồng Kính Hoa (2) từng có chiếc trống đồng Kính Hoa (1) nằm trong danh sách được công nhận năm 2020.
Tương tự, nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) vào năm 2021 từng có bộ sưu tập gốm men trắng lọt vào danh sách bảo vật quốc gia. Năm nay, ông có tới 4 bảo vật được công nhận, bao gồm lư hương gốm men lam, đĩa gốm men lam tím, bộ đĩa gốm men ngọc và bộ đài đồng đốt trầm.
Đặc biệt, các bảo vật của tư nhân được công nhận cũng khá phong phú và có giá trị cao. Chẳng hạn, tổng số 5 bảo vật được công nhận (trong 2 năm qua) của ông Trần Đình Thăng có tới 15 hiện vật khác nhau. Trong đó, đôi đài đốt trầm bằng đồng, nắp đài tọa hình con nghê ngồi chầu có từ thế kỷ XVI; chiếc lư hương gốm hoa lam có trang trí hoa lan, cánh sen, rồng mây, sóng nước… và chiếc đĩa men lam tím ở giữa có hoa văn hình sư tử đều mang niên đại thế kỷ XV, hoặc đôi đĩa gốm men ngọc được cho là có niên đại thời Lý (thế kỷ X - XIII).
Trong khi đó, với nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính, chiếc trống đồng Kính Hoa (2) theo hồ sơ có niên đại thuộc thế kỷ II - thế kỷ I trước công nguyên. Vào năm 2020, khi được công nhận là bảo vật, chiếc trống đồng Kính Hoa (1) của ông cũng được xác định có niên đại thuộc thế kỷ IV - thế kỷ III trước công nguyên.
***
Rõ ràng, những gì được thống kê chỉ là một phần rất nhỏ của các bộ sưu tập tư nhân trong đời sống văn hóa hiện nay. Và nếu được tiếp cận một cách phù hợp, chắc chắn, các bảo vật quốc gia do tư nhân sở hữu sẽ còn tăng mạnh trong tương lai, thay vì dừng ở những con số ít ỏi như hiện tại.
Như chia sẻ của một số chuyên gia, từ đầu năm 2004, khi quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân được chính thức ban hành, việc động viên, khuyến khích các nhà tư nhân lập hồ sơ xin đăng ký xét duyệt hiện vật vào danh sách bảo vật quốc gia đã từng bước được tính tới. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, cho tới trước năm 2020, điều này vẫn chưa thành hiện thực, bởi hàng loạt lý do - trong đó không thể bỏ qua tâm lý ngần ngại từ các nhà sưu tập, cũng như sự khó khăn khi tìm tiếng nói chung giữa họ và các nhà quản lý.
Chắc chắn, khi được xét duyệt và vinh danh là bảo vật quốc gia, những cổ vật của giới sưu tập sẽ trở thành niềm tự hào của phía sở hữu chúng - và từ đó cũng tăng thêm sức hút và sự tác động tới đời sống văn hóa hiện tại.
Chưa kể, việc được một hội đồng chuyên môn cấp quốc gia giám định, "đóng dấu" chất lượng và tư vấn… miễn phí về cách bảo quản cũng là môt cơ hội đáng mong muốn với bất kỳ nhà sưu tập tư nhân nào.
Vấn đề còn lại, như đã nói, là việc tìm một cơ chế hữu hiệu để giải quyết những khúc mắc có thể tồn tại giữa hai phía, cũng như tiếp tục động viên và xóa đi sự rụt rè của các nhà sưu tập tư nhân - mà nhiều người trong số đó từng hoạt động "ẩn danh" trong quá khứ khi môi trường pháp lý về di sản chưa được hoàn thiện.
Dù sao, với lượng bảo vật quốc gia của tư nhân tăng vọt trong đợt công nhận lần này, chúng ta đang tiếp tục tạo ra những tiền lệ tích cực cho câu chuyện ấy.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất