26/08/2019 06:58 GMT+7
(lienminhbng.org) - Cuối tuần này, chúng ta sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ, và những chuyến đi đang chờ ở phía trước. Ngày nay, đi lại bằng máy bay đã trở nên quá đỗi thông thường, tuy nhiên, không vì thế mà có thể biến sân bay thành… cái chợ!
Một video ghi lại hình ảnh một nữ hành khách có những lời lẽ lăng mạ nữ nhân viên hàng không, rồi khi bị mời làm việc, lại có hành vi hành hung nhân viên an ninh sân bay.
Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng qua video cũng có thể thấy, những ngôn từ và hành vi của hành khách này là rất thiếu kiềm chế, rất kém văn minh, nhất là khi xử sự nơi công cộng trước mặt con nhỏ.
Trả lời một số báo, nữ hành khách cho rằng mình “bị oan” và “video cũng không thể hiện từ đầu của buổi check-in vé dẫn đến việc tôi bức xúc đến như vậy”. Hiện, hành khách này đã bị cấm bay, đồng thời cũng bị đề xuất tạm đình chỉ công tác 30 ngày để kiểm điểm và xác minh làm rõ sự việc.
Vị khách này làm công việc gì, chức vụ nào đi nữa thì khi đi máy bay, chị cũng như tất cả những người khác - đều là khách hàng, bình đẳng với các loại hình dịch vụ, với chuyến bay mình đăng ký, với hạng vé đã chọn, và hành lý được gửi đúng theo quy định.
Nhiều năm trước đây, tôi cũng là một hành khách có thẻ vàng của Vietnam Airlines, hầu như tháng nào cũng bay ít nhất là hai lượt. Quá trình bay này cũng không ít lần chứng kiến những tình huống dở khóc dở cười, kiểu như không ngồi đúng số ghế, mà thích ngồi gần cửa sổ là cứ ngồi, hoặc ngồi gác chân đi bít tất “bốc mùi” lên ghế trước.
Cũng cần phải thừa nhận rằng, so với trước đây thì hiện nay việc di chuyển bằng máy bay đã khá phổ biến, vì giá vé so với mặt bằng cuộc sống cũng không có sự chênh lệch nhiều. Nhưng có tiền mua được vé máy bay không có nghĩa là có văn hóa khi tham gia dịch vụ này, mua được vé hạng thương gia và ứng xử như những thương gia thực thụ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Bằng chứng là đã xảy ra những hành xử kiểu chợ búa, bến xe ở sân bay. Hình như họ quên mất một điều, đó là khách hành đúng là mang lại lợi nhuận cho người kinh doanh nhưng họ chỉ được phục vụ như “thượng đế” khi tuân thủ các quy định dịch vụ, tôn trọng các nhân viên phục vụ cũng như ứng xử văn hóa lịch sự khi có sự cố phát sinh. Nếu không làm được điều đó, bên kinh doanh có quyền “từ chối phục vụ” khách hàng đó, kể cả khi anh có tiền.
Được biết, theo quyết định của Cục Hàng không Việt Nam, nữ hành khách gây rối nói trên đã bị cấm bay 12 tháng, từ ngày 27/8/2019 đến ngày 26/8/2020. Các Hãng hàng không của Việt Nam và nước ngoài khai thác tại Việt Nam trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam không được vận chuyển vị khách này theo thời hạn nêu trên.
Một cán bộ Cục Hàng không cho biết hình phạt cấm bay trở nên phổ biến từ khi Nghị định 92/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không được ban hành. Cục luôn có một "danh sách đen" các hành khách phải chịu hình phạt này.
"Đã có hàng trăm hành khách bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không vì vi phạm các quy định tại cảng. Con số hành khách đang phải chấp hành lệnh cấm bay cũng lên đến hàng chục người" - vị này cho biết.
Đó cũng là hình phạt thích đáng, nghiêm khắc của ngành hàng không, rất đáng hoan nghênh.
***
phương tiện đi lại bằng máy bay ngày càng phổ biến, khi giá vé ngày càng rẻ, ai ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, thì ứng xử văn hóa ở sân bay càng phải được nâng cao. Bởi lẽ, sân bay không chỉ là nơi check-in, check-out để làm thủ tục bay, mà còn là bộ mặt của một tỉnh, thành hay của cả đất nước. Đó là nơi tập trung đông đảo du khách thập phương, là nơi gây ấn tượng đầu tiên về văn hóa, lối sống, con người một địa phương, một xứ sở đối với du khách… Hơn nữa, máy bay đòi hỏi những yêu cầu rất cao về an ninh, an toàn. Vì thế việc chấp hành các quy định ở sân bay là điều tối quan trọng.
Những chuyến bay sẽ ngày càng trở nên văn minh lịch sự hơn khi mà lối hành xử kiểu chợ búa, bến xe, bến tàu bị loại bỏ, và như thế cấm bay đối với những đối tượng vi phạm là giải pháp cần thiết.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất