05/07/2021 06:47 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trong 2 ngày 7 và 8/7/2021 tới đây, hơn 1 triệu sĩ tử cả nước sẽ bước vào đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2020 - 2021.
Do kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nên Hà Nội và nhiều địa phương đã phải xây dựng kế hoạch, kịch bản xử lý các tình huống, thực hiện diễn tập tại điểm thi; đồng thời chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, an ninh trật tự, an toàn giao thông…
Khi nghe đến lưu ý "3 chữ an" của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (An toàn - An ninh - An tâm), tôi bỗng nhớ đến một khẩu hiệu trong lao động...
Đó là khẩu hiệu "An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn". Kỷ luật đó trên công trường có gì đó gợi nhớ tới bầu không khí chuẩn bị cho kỳ thi năm nay.
Tôi vốn là dân công trường. Công ty chúng tôi thường hay trúng những gói thầu lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp cho các công ty của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Nắm được tình hình và tâm lý của đối tác, công ty tôi đã phải tiến hành khảo sát rất kỹ mặt bằng khu vực sẽ thi công, dự kiến các tình huống sẽ xảy ra. Hướng dẫn cho anh em công nhân học lại về an toàn, cách thức vận hành thiết bị và diễn tập các tình huống khi xảy ra sự cố đứt cáp, chập điện… Và trước ngày tiến hành hợp đồng theo kế hoạch, tất cả phải sang làm demo cho đối tác kiểm tra, đánh giá, góp ý chỉnh sửa...
Còn nhớ, buổi kiểm tra hôm ấy thành công tốt đẹp. Khi kết thúc, đại diện phía đối tác có gặp tôi trao đổi ngoài lề. Ông nói rằng, sự cố đôi khi vẫn có thể xảy ra do những vấn đề ngoài dự tính, nhưng sự chuẩn bị kỹ càng luôn khiến cho mọi người an tâm, vững tin hơn khi bắt đầu chạy máy. Chính sự an tâm này sẽ khiến ta giảm thiểu được sai sót trong các thao tác vận hành, đồng thời chủ động được trong xử lý các tình huống phát sinh. An toàn khiến an tâm. An tâm nên càng an toàn. Do đó, đừng quên yếu tố tâm tâm lý này khi bắt tay vào công việc.
Theo dõi nhiều điểm thi tại Hà Nội tổ chức diễn tập các tình huống nhằm đảm bảo an toàn cho các thí sinh và cán bộ tham gia trong 2 ngày tổ chức kỳ thi, tôi thấy có điều gì đó cũng trùng hợp. Với các em học sinh thì sau 12 năm miệt mài đèn sách, kỳ thi này đúng là “trận đánh” quyết định cuộc đời của các em. Ngay cả trong điều kiện bình thường thì cũng đã phải làm công tác chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ. Huống hồ giờ đây tình hình dịch bệnh đang phức tạp thế này. Cho nên, nói gì thì nói, việc chuẩn bị kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra trong kỳ thi, đảm bảo sao cho tất cả đều an toàn, an tâm trong phòng chống dịch bệnh là việc làm hết sức thiết thực.
***
Trong cuộc chiến chống Covid-19, Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu kép là vừa chống dịch đồng thời phục hồi phát triển kinh tế. Đối với các sĩ tử bước vào kỳ thi năm nay có lẽ cũng vậy, đó là làm sao vừa phải làm bài thi tốt nhưng cũng phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Để làm tốt điều này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã lưu ý 3 từ khoá “An toàn - An ninh - An tâm” kể trên khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Từ khóa “An tâm” được thứ trưởng lý giải: trong điều kiện dịch bệnh, trước hết cần để cho thí sinh an tâm dự thi. Cán bộ, giáo viên an tâm làm nhiệm vụ. Xã hội an tâm với kỳ thi. Ngoài ra, quá trình tổ chức kỳ thi có thể xảy ra các tình huống phát sinh, cách xử lý cũng phải làm sao giúp cho thí sinh cảm thấy an tâm.
Làm được như thế, chúng ta chắc hẳn sẽ an tâm bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, một kỳ thi có nhiều dấu ấn khó quên trong đời của các sĩ tử.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất