Châu Âu có thể tạm ngưng Hiệp ước Schengen

04/12/2015 12:46 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Các bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét việc tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen (quy định miễn thị thực đi lại giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU) trong 2 năm do cuộc khủng hoảng người di cư diễn ra tại châu Âu bộc lộ quá nhiều "nguy cơ nghiêm trọng" tại biên giới Hy Lạp và một số nước, gây nhiều nguy hiểm cho toàn bộ khu vực. 

Phóng viên TTXVN tại London dẫn nguồn tin từ Luxembourg, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết việc phải cân nhắc biện pháp khẩn cấp này - được ghi trong Điều khoản 26 của Hiệp ước Schengen - cho thấy dự án hội nhập 20 năm tuổi đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi sức ép chính trị từ "dòng thác" 1,2 triệu người di cư đổ vào EU trong năm nay.

Cuộc khủng hoảng người di cư đã khiến EU xem xét việc tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen

Đề xuất trên được đưa ra sau khi EU liên tục cảnh báo Hy Lạp phải xem xét lại toàn bộ phương án đối phó của nước này với cuộc khủng hoảng người di cư và tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài hoặc có thể bị đình chỉ tham gia khu vực Schengen.

Nguồn tin từ Luxembourg còn cho thấy không chỉ Hy Lạp mà còn có thể có thêm một số nước thành viên khác trong khu vực Schengen sẽ chịu sự đình chỉ tương tự. Ngoài ra, việc thực hiện điều khoản này cũng cho phép các nước như Đức, Áo, Pháp và Thụy Điển siết chặt và kéo dài những biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời mà họ đã thực hiện và được Ủy ban châu Âu phê chuẩn.

Liên quan đến Hiệp ước miễn thị thực đi lại giữa nước EU, theo phóng viên TTXVN tại CH Séc, ngày 3/12, các thủ tướng nhóm Bộ tứ Visegrad (gồm 4 nước Đông Âu là CH Séc, Hungary, Ba Lan và Sloviakia), họp tại Praha, ra tuyên bố chung khẳng định mọi đề xuất về việc thành lập cái gọi là "Schengen thu nhỏ" đều không thể chấp nhận. 

Đại diện các nước Visegrad phản đối mọi ý định trực tiếp hay gián tiếp nhằm hạn chế quyền tự do đi lại của người dân trong khuôn khổ EU. Thay vào đó, Visegrad cho rằng các nước thành viên EU phải có trách nhiệm bảo vệ và tăng cường kiểm soát các đường biên giới bên ngoài của khu vực Schengen. 

Thời gian gần đây, một số nước đã đưa ra những đề xuất không chính thức về việc thu hẹp khu vực Schengen với lý do dòng người di tản từ Trung Đông, Bắc Phi có thể tràn vào châu Âu thông qua các nước Trung Âu. Nhóm Visegrad cho rằng không thể chấp nhận những đề xuất mang tính cơ hội nhằm tạo ra sự biến đổi trong Schengen hiện nay, mọi hình thức và quy mô, xuất phát từ mưu toan công khai hay được che đậy, đều vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý và đe dọa những thành quả cơ bản của sự liên kết châu Âu. Những đề xuất kiểu này không giải quyết được tận gốc nguyênnhân của cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, mà chỉ làm chệch hướng quyết tâm chính trị chung của EU. 

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm