Châu Âu đối mặt với 'bóng ma' khủng hoảng di cư mới

10/11/2021 22:00 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Tình trạng người di cư đổ về khu vực biên giới Belarus để xâm nhập vào Ba Lan và từ đây tìm cách vào các nước Liên minh châu Âu (EU) khác đang trở nên đáng báo động. Làn sóng người di cư này dự báo sẽ đe dọa trực tiếp an ninh của toàn liên minh và gây ra nguy cơ về một cuộc khủng hoảng di cư mới tại châu lục.

EU lo sợ tái diễn thảm kịch di cư sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan

EU lo sợ tái diễn thảm kịch di cư sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan

Tình trạng hỗn loạn khi hàng nghìn người chen chúc ở sân bay Kabul tìm đường tháo chạy khỏi Afghanistan khi Taliban giành quyền kiểm soát đã gây nhức nhối trong những ngày qua.

* Người di cư vượt biên từ Belarus sang Ba Lan

Kể từ mùa Hè vừa qua, hàng nghìn người di cư, chủ yếu từ Trung Đông, đã vượt biên hoặc tìm cách vượt biên trái phép từ Belarus sang Ba Lan. Nhiều nhóm người di cư đã tìm cách vượt biên bằng cách phá các hàng rào dây thép gai mà Ba Lan dựng lên ở khu vực biên giới nước này với Belarus.

Trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến hết tháng 9/2021, lực lượng biên phòng Ba Lan đã ngăn chặn 9.287 lượt người tìm cách vượt biên giới từ Belarus sang nước này, trong đó riêng hai tháng 8 và 9, có tới 8.000 lượt người bị chặn. Thương vong đã xảy ra khi lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan đụng độ với người di cư vượt biên trái phép.

Hồi tháng 8, Ba Lan đã cho dựng một hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Belarus để ngăn chặn người di cư vượt biên. Trong tháng 9, Ba Lan đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại vùng biên giới để tăng cường biện pháp ngăn chặn người di cư đồng thời đề xuất xây một bức tường ở biên giới với Belarus trị giá khoảng 350 triệu euro (410 triệu USD) để ngăn chặn người di cư. Quốc hội Ba Lan ngày 14/10 đã thông qua sửa đổi luật, theo đó cho phép cơ quan chức năng đẩy lùi người di cư tại biên giới và không xử lý hồ sơ xin tị nạn của những người nhập cảnh trái phép.

Châu Âu đối mặt nạn di cư, Châu Âu khủng hoảng vì nạn di cư, khủng hoảng di cư, di cư sang châu Âu, châu Âu, khủng hoảng di cư sang châu Âu, nạn di cư về châu Âu
Những người di cư đến châu Âu

Tình hình trở nên căng thẳng khi ngày 8/11, chính quyền Ba Lan cho biết hàng nghìn người di cư đã kéo tới gần biên giới Belarus để tìm cách xâm nhập vào Ba Lan và từ đây tìm cách vào EU, một số người di cư thậm chí dùng các khí cụ để tìm cách vượt hàng rào bảo vệ ở biên giới. Cục trưởng An ninh quốc gia Ba Lan Pawel Soloch lo ngại sẽ có thêm nhiều nhóm với hàng trăm người di cư tiếp tục kéo đến khu vực biên giới với Belarus.

Người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết có khoảng 3.000 đến 4.000 người di cư tập trung gần biên giới giữa Belarus và Ba Lan đang cố tìm cách vào EU và hơn 10.000 người khác đang ở nhiều khu vực của Belarus để chuẩn bị vượt biên. Hiện hàng trăm người vẫn đang cắm trại ở khu vực biên giới trong tiết trời lạnh giá. Ba Lan cũng thông báo đã triển khai thêm binh lính, lực lượng biên phòng và cảnh sát tới biên giới với Belarus.

* Căng thẳng Ba Lan-Belarus

Liên quan đến vấn đền này, Ba Lan cáo buộc Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước EU trừng phạt nước này liên quan vấn đề nhân quyền. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik kêu gọi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn với Minsk trong khi các nước Baltic như Lithuania, Latvia và Estonia cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Mỹ và EU đã lên tiếng đề nghị Minsk có hành động ngăn chặn dòng người di cư đang tràn đến "Lục địa già".

Châu Âu đối mặt nạn di cư, Châu Âu khủng hoảng vì nạn di cư, khủng hoảng di cư, di cư sang châu Âu, châu Âu, khủng hoảng di cư sang châu Âu, nạn di cư về châu Âu
Di cư sang châu Âu đã trở thành vấn nạn

NATO cũng cáo buộc Minsk cố tình để tình trạng này xảy ra "vì mục đích chính trị", trong khi Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Belarus. Ngoại trưởng các nước EU sẽ thảo luận về tình hình biên giới các quốc gia thuộc cộng đồng với Belarus vào ngày 15/11 và dự kiến sẽ áp đặt vòng trừng phạt mới nhằm vào các quan chức Belarus bị EU cho là đã tổ chức hoạt động di cư để trả đũa những biện pháp trừng phạt đối với Minsk do tình trạng vi phạm nhân quyền.

Về phần mình, Minsk luôn bác bỏ cáo buộc này. Ngày 9/11, Bộ Quốc phòng Belarus cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ đồng thời đồng thời cho rằng Ba Lan đang cố tình làm leo thang căng thẳng. Bộ trên cho biết Ba Lan đã triển khai 10.000 binh lính đến khu vực biên giới với Belarus mà không thông báo trước với Minsk, cho rằng động thái này vi phạm các thỏa thuận an ninh chung.

Minsk dẫn nội dung các thỏa thuận nêu rõ bất kỳ bên nào muốn triển khai hơn 6.000 binh lính đến khu vực biên giới đều phải thông báo để bên còn lại đưa quan sát viên tới khu vực. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Belarus Ivan Kubrakov cho biết những người di cư từ Trung Đông đến nước này theo con đường hợp pháp, không vi phạm luật di cư.

Trước tình trạng hàng trăm người di cư tập trung tại biên giới giữa Ba Lan và Belarus, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ lo ngại. Tại cuộc họp báo ngày 9/11, người phát ngôn của UNHCR Shabia Mantoo nhấn mạnh tình trạng người di cư đổ về khu vực biên giới Belarus để tìm cách vào Ba Lan là đáng báo động và cơ quan này quan ngại về số phận của phụ nữ và trẻ em ở đây.

Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người di cư khi thời tiết đang dần chuyển lạnh. Các tổ chức này cũng đề nghị được phép tiếp cận khu vực biên giới nói trên để hỗ trợ y tế cho người di cư.

Điện Kremlin cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Moskva đã liên lạc chặt chẽ với Minsk về vấn đề này, đồng thời kêu gọi tất cả các bên hành động có trách nhiệm.

* Nguy cơ khủng hoảng di cư mới cho EU

Hồi năm 2015, EU đã từng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư khi hơn 1 triệu người, hầu hết từ Syria, Afghanistan và Iraq, tìm “miền đất hứa” ở EU. Đến nay các nước EU vẫn ghi đậm ký ức về cuộc khủng hoảng di cư, khiến liên minh này bị chia rẽ. Kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2015, EU luôn cố gắng trang bị cho mình những công cụ để quản lý dòng người di cư "bên ngoài", nghĩa là tập trung bảo vệ biên giới bên ngoài và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, song vấn đề đoàn kết với những nước nhập cảnh đầu tiên vẫn còn nhiều điều cần phải thảo luận.

Châu Âu đối mặt nạn di cư, Châu Âu khủng hoảng vì nạn di cư, khủng hoảng di cư, di cư sang châu Âu, châu Âu, khủng hoảng di cư sang châu Âu, nạn di cư về châu Âu
Hình ảnh những người dân châu Phi di cư sang Tây Ban Nha

Trong khi đó, dữ liệu thống kê của LHQ cho thấy trong năm nay, chỉ khoảng 5.100 người di cư từ Địa Trung Hải đến châu Âu, trong khi hàng nghìn người khác đã vượt 3 nước EU láng giềng với Belarus là Ba Lan, Latvia và Lithuania để vào khối này. Là nước láng giềng của Ba Lan, Đức cũng đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của người di cư từ Belarus, đi qua Ba Lan để tới nước này.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Đức, từ đầu năm 2021 đến nay, khoảng 5.700 người đã vượt biên giới từ Ba Lan sang Đức mà không có giấy phép. Còn theo Cơ quan kiểm soát biên giới của EU Frontex, trong năm nay, khoảng 134.000 người di cư đã tìm đường vào châu Âu từ mọi hướng, cao hơn gần 50% so với con số trong 9 tháng đầu năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

 Khi mà nỗi lo về tình trạng người di cư Afghanistan kể từ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát nước này còn chưa dứt, tình trạng ngày càng nhiều người di cư vượt biên từ Belarus sang EU đã gây thêm áp lực cho các nước thành viên và đe dọa trực tiếp an ninh của toàn EU. Nhiều nước thành viên EU đang lo ngại rằng các diễn biến tại khu vực biên giới giữa Ba Lan và Belarus có thể làm bùng phát một cuộc khủng hoảng di cư mới.

Thanh Lâm (tổng hợp)/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm