Bức ảnh em bé Syria Aylan Kurdi và những hình ảnh làm 'thay đổi' thế giới

05/09/2015 05:53 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Có những bức hình nói lên nhiều điều hơn bất cứ câu từ nào, dù hình ảnh chúng miêu tả có thể gây ám ảnh cả thế giới. Dưới đây là tổng hợp 10 bức ảnh từng tạo ra tác động lớn đối với cách nhìn nhận của công chúng trong lịch sử.


Bức hình một cảnh sát bế trên tay thi thể cậu bé Aylan Kurdi mà nhiếp ảnh gia Nilüfer Demir chụp trên bờ biển gần khu nghỉ mát Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho phong trào ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu. Ảnh: Telegraph

Nilüfer Demir, thuộc hãng tin Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ với kênh truyền hình CNN: "Khi tôi nhận ra không thể làm gì để mang cuộc sống trở lại với cậu bé, tôi nghĩ mình cần phải ghi lại cảnh tượng trước mắt ... để mọi người chứng kiến thảm kịch này" - Cô nói thêm - "Tôi hy vọng tác động của bức ảnh có thể giúp mang lại một giải pháp gì đó".


Bức ảnh 'The Falling Man'. Ảnh: Telegraph

Bức ảnh The Falling Man (Người đàn ông rơi) do Richard Drew, nhiếp ảnh gia của hãng tin AP chụp một người đàn ông rơi từ Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới trong vụ tấn công ngày 11/9 tại thành phố New York vào năm 2001. Danh tính của nhân vật trong bức ảnh vẫn chưa được xác định, chỉ biết đó là một trong những người bị mắc kẹt trên các tầng cao của tòa nhà chọc trời và buộc phải nhảy xuống để thoát khỏi khói và ngọn lửa đang bùng cháy


Bức ảnh 'Kền kền chờ đợi'. Ảnh: Telegraph

Phóng viên ảnh người Nam Phi Kevin Carter đã được trao giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh miêu tả nạn đói ở Sudan. Vào tháng 3/1993, trong một chuyến đi tới Sudan, Carter đã ghi lại khoảnh khắc con kền kền chờ đợi một đứa trẻ chết đói để lao vào ăn xác. Carter đã tự sát 3 tháng sau khi giành giải thưởng Pulitzer.


Bức ảnh 'Em bé Napalm'. Ảnh: Telegraph

Bức ảnh mà Nick Ut chụp 5 đứa trẻ đang sợ hãi chạy khỏi một cuộc ném bom trong chiến tranh Việt Nam đã được công bố rộng rãi khắp thế giới như một sự lột tả chân thực nhất về sự tàn khốc của cuộc chiến. Rất nhiều nhà sử học tin rằng những hình ảnh, đặc biệt là bức hình này, đã tạo ra tác động lớn ở chính quê hương của các nước tham chiến, dẫn đến các cuộc biểu tình chống chiến tranh, một chiến dịch trên toàn thế giới vì hòa bình góp phần kết thúc chiến tranh.


Bức ảnh Hans Conrad Schumann nhảy sang Tây Berlin - 1961.
Ảnh: Telegraph

Peter Leibing đã chớp được khoảnh khắc người lính mạo hiểm mạng sống của mình nhảy qua hàng rào dây thép gai chia cắt Đông và Tây Berlin, hình ảnh cho thấy sự tuyệt vọng của mọi người trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.


Ảnh 'Thung lũng chết chóc' của Roger Fenton chụp năm 1855. Ảnh: Telegraph

Fenton được coi là nhiếp ảnh gia chiến tranh đầu tiên của thế giới. Năm 1855, do yêu cầu thời gian phơi sáng của máy ảnh thời bấy giờ quá lâu, Fenton không thể chụp được ảnh về những trận chiến. Ông đành ghi lại hình ảnh một dải đất vắng bóng người nhưng đầy rẫy những quả đạn đại bác. Bức hình gần như trống không một cách kỳ lạ và đầy tính ẩn dụ này là minh chứng rằng nhiếp ảnh cũng có thể đầy triết lý và có ảnh hưởng như những bài thơ, ngay cả khi chủ đề của nó là về chiến địa. .


Bức ảnh chụp bầu trời thành phố Nagasaki (1945) do Không quân Mỹ chụp. Ảnh: Telegraph

Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sức hủy diệt kinh khủng của vũ khí nhân tạo. Đám mây hình nấm trên bầu trời Nagasaki, Nhật Bản năm 1945 này đã giết chết 80.000 người và đến nay vẫn là nỗi ám ảnh cho hòa bình nhân loại.


Bức ảnh 'Người mẹ di cư'. Ảnh: History Place

Hình chụp bởi Dorothea Lange khi ông làm việc cho Cục An ninh Nông nghiệp Mỹ (FSA). Các nhân viên của FSA đã ghi lại một số bức ảnh tư liệu xã hội đáng chú ý nhất của thế kỷ 20 trong nỗ lực mô tả toàn diện cuộc sống nước Mỹ trong giai đoạn năm 1935-1944.


Bức ảnh 'Operation Lion Heart'. Ảnh: Pinterest

Đó là tên bức ảnh về Saleh Khalaf, một cậu bé 9 tuổi bị thương rất nặng bởi vụ nổ bom tại Iraq. Giới chức Mỹ đã đưa Khalaf tới một bệnh viện ở thành phố Oakland, California, nơi các bác sĩ thực hiện hàng chục ca phẫu thuật để cứu sinh mạng cậu bé. Sự dũng cảm và nghị lực sống phi thường của khalaf khiến mọi người cảm phục và gọi em là "cậu bé có trái tim sư tử". Deanne Fitzmaurice, tác giả bức ảnh, làm việc cho báo San Francisco Chronicle đã đoạt giải Pulitzer vào năm 2005 với bức ảnh này.


Bức ảnh 'Người tị nạn Kosovo'. Ảnh: Amanda Horowitz

Người lớn đang cố gắng đưa cậu bé 2 tuổi qua hàng rào thép gai để sang trại tị nạn Kukes bên lãnh thổ Albania, để tránh làn sóng bạo lực ở quê hương Kosovo. Carol Guzy, tác giả bức ảnh, đã đoạt giải Pulitzer vào năm 2000.

Phan Vân Anh
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm