Châu bản Triều Nguyễn: triển vọng là di sản tư liệu thế giới!

16/08/2012 06:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Theo các chuyên gia, kho tàng Châu bản triều Nguyễn đang nằm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (TTLTQG I) có nhiều triển vọng để lập hồ sơ xin công nhận danh hiệu Di sản tư liệu thế giới của UNESCO.

Các ý kiến này được đưa ra trong lễ khai mạc triển lãm Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn, diễn ra tại TTLTQG I (Hà Nội) vào hôm qua 15/8. Tại đây, lần đầu tiên trong lịch sử VN, 128 tấm châu bản (những “văn thư hành chính” cổ làm bằng giấy dó) có bút tích của 10 đời vua triều Nguyễn đã được đưa ra trưng bày.

1. Thực chất, số châu bản này chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng hơn 800.000 Châu bản triều Nguyễn đang được TTLTQG I bảo tồn. Trước đó, vào 10/2011, đơn vị này cũng đã tổ chức một cuộc triển lãm với 140 châu bản có in hình các ấn chương thời Nguyễn. Theo Thạc sĩ Hà Văn Huệ (Giám đốc Trung tâm), từ nhiều năm qua, kho tư liệu này vẫn thường xuyên là đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên gia về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa lý...



Có mặt tại triển lãm, GS Phan Huy Lê cũng đánh giá cao giá trị của các Châu bản triều Nguyễn (ảnh Minh Đức)

Có mặt tại triển lãm, GS Sử học Đinh Xuân Lâm cho biết: Châu bản triều Nguyễn có thể coi là một trường hợp rất hiếm gặp trong lịch sử thư tịch của châu Á. Cụ thể, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều không có hình thức này, triều Thanh (Trung Quốc) tuy có châu bản nhưng lại chỉ xuất hiện lác đác trong vài đời vua, chứ không xuyên suốt cả chục triều vua như tại Việt Nam.

“Bản thân Châu bản triều Nguyễn đã có hình thức tổ chức khoa học và chặt chẽ hiếm thấy ở các nước khác. Có thể lấy các châu bản tại triển lãm này làm ví dụ về sự phân cấp thông tin. Cụ thể, cùng một châu bản có cả bút tích của địa phương báo cáo về,  của các quan ghi chú ý kiến, và của nhà vua phê duyệt lần cuối cùng”, GS Đinh Xuân Lâm nói.

2. Ý tưởng lập hồ sơ cho Châu bản triều Nguyễn để xin UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Tư liệu thế giới đã bắt đầu được nhắc tới trong thời gian qua. Theo nhận xét chung của các chuyên gia tại triển lãm, Châu bản triều Nguyễn là loại di sản có tính độc đáo và xác thực cao - 2 tiêu chí mà UNESCO yêu cầu đối với một di sản được công nhận danh hiệu Di sản Tư liệu thế giới. Ngoài ra, với lượng thông tin khổng lồ về hàng loạt lĩnh vực trong lịch sử triều Nguyễn - triều đại có vai trò khá quan trọng trong lịch sử Đông Nam Á vào thế kỷ 18 và 19 - di sản này cũng có thể đảm bảo yêu cầu về tiêu chí còn lại mà UNESCO đưa ra: “sự tác động tới khu vực”.

Được biết, trong năm 2013 tới, phía VN sẽ không có di sản nào đăng ký xin UNESCO công nhận danh hiệu này. Còn trong trường hợp muốn xin danh hiệu vào năm 2014, hồ sơ khoa học của các ứng cử viên cần được hoàn thành và nộp trước tháng 3/2013.

Trước mắt, TTLTQG I đang chuẩn bị khai thác một số châu bản về biên giới Việt Nam để phối hợp cùng 3 TTLTQG khác trên toàn quốc tổ chức triển lãm về chủ đề này.

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm