Chạy với bò tót ở Tây Ban Nha: Rủi ro nhưng khó bỏ

16/07/2018 22:03 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Lễ hội bò tót truyền thống tại thành phố Pamplona, Tây Ban Nha là một trong những sự kiện nổi tiếng nhất thế giới không chỉ bởi tính chất đặc biệt mà còn ở con số thương vong đáng lo ngại. 

Sự kiện chạy với bò tót (tiếng Tây Ban Nha: "encierro") là hoạt động chính trong khuôn khổ lễ hội San Fermín tại thành phố Pamplona, Tây Ban Nha. Mục đích của lễ hội là nhằm tôn vinh Thánh Fermín - vị thánh bảo hộ của thành phố. Lễ hội này cũng là dịp diễn ra những cuộc đấu bò tót nức tiếng khắp thế giới, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Dù vấp phải tranh cãi, lễ hội này vẫn được tổ chức thường niên như một hoạt động văn hoá quan trọng ở Tây Ban Nha và mang lại nguồn thu khổng lồ cho đất nước này. 

Chú thích ảnh
Sự kiện thu hút rất đông du khách đến tham gia và chứng kiến

Theo các tài liệu ghi chép của sử gia Tây Ban Nha, truyền thống này khởi nguồn ở phía bắc Tây Ban Nha từ đầu thế kỷ 14.

Trong quá trình di chuyển những con bò đực từ vùng ngoại ô - nơi chúng được nuôi dưỡng và sinh sản - vào thành phố để làm thịt đem bán, nhằm giảm thiểu thời gian di chuyển, người chủ phải tìm cách để bắt những con bò của mình đi nhanh hơn. Và chiến lược của họ là dựa vào sự phấn khích cũng như sợ hãi. Họ sẽ phải cố gắng chạy đua trước những con bò đực và khéo léo đưa nó vào chuồng mà không để chúng vượt qua hay làm hại mình.

Việc làm này phổ biến đến mức nó trở thành một cuộc cạnh tranh và sau cùng là truyền thống lưu giữ đến ngày hôm nay.

Chú thích ảnh

Hoạt động chạy với bò tót diễn ra từ ngày 6 đến 14 tháng 7 hàng năm. Con bò đực đầu tiên chạy vào ngày 7/7, tiếp theo là một con vào mỗi buổi sáng tiếp theo của sự kiện.

Người tham gia phải trên 18 tuổi, không được dùng chất kích thích trong suốt cuộc đua, phải chạy cùng hướng với con bò đực và không được có bất cứ hành động nào kích động con bò. 

Trang phục truyền thống sử dụng trong sự kiện gồm áo phông trắng và quần, đi kèm với dây đai màu đỏ cùng khăn quàng cổ. Người tham gia có thể cầm thêm một tờ báo nhằm đánh lạc hướng con bò trong tình huống cần thiết. 

Chú thích ảnh

Trong suốt quá trình diễn ra sự kiện, hàng rào gỗ được dựng lên để tạo tuyến đường và ngăn bò chạy lạc. Ban tổ chức sử dụng hàng rào đôi, khán giả chỉ được đứng ở phía ngoài hàng rào thứ 2, còn khu vực giữa 2 hàng rào dành cho nhân viên bảo vệ, y tế và những người tham gia khi họ cần hỗ trợ. Tại các con phố hẹp, nhà dân được tận dụng luôn thay cho hàng rào. 

Mỗi cuộc chạy thường sẽ có 6 con bò đực. Mỗi con bò được theo kèm bởi một người huấn luyện và 3 người khác đi theo đoàn để đảm bảo chúng chạy đúng tuyến đường.

Chú thích ảnh

Tốc độ trung bình của đàn bò là 24km/h, theo suốt chiều dài 875m qua các con phố thuộc khu vực cũ của thành phố (Santo Domingo, Ayuntamiento, Mercaderes và Estafeta), qua Quảng trường Toà thị chính và "Telefónica" cuối cùng là vào một đường hầm dẫn thẳng vào trường đấu. 

Chú thích ảnh

Trước khi bắt đầu cuộc đua, người tham gia sẽ cùng hát 3 lần bài ca dựa trên lời cầu nguyện hướng tới Thánh Fermin, mỗi lần bằng cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Basque. Lời hát có thể tạm dịch là "Chúng con cầu Thánh Fermin, người bảo trợ của chúng con, dẫn dắt chúng con qua "encierro" và ban phúc cho chúng con". Kết thúc bằng cách hô vang "Viva San Fermín!, Gora San Fermin!" (Thánh Fermin vạn tuế). 

Khi bắt đầu, ban tổ chức sẽ bắn pháo hiệu đầu tiên lúc 8h sáng để báo cho những người chạy rằng cổng corral đang mở. Tiếp đến là pháo hiệu thông báo tất cả 6 con bò đã được thả ra. Tiếng pháo hiệu thứ 3 và 4 là dấu hiệu cho thấy tất cả đàn gia súc đã bước vào vòng đấu bò tương ứng của nó, đánh dấu sự kiện đã kết thúc. Thời gian trung bình giữa tên lửa đầu tiên và kết thúc là 2 phút 30 giây.

Truyền thống này dù khuyến khích người tham gia nâng cao sức khoẻ và lòng dũng cảm, nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro. 

Trung bình mỗi năm có khoảng 50 đến 100 người chạy bị thương do bị bò tót húc, đè vào người hoặc do chính người chạy đè lên nhau, đặc biệt là tại cửa vào hầm dẫn đến trường đấu. Năm 1977, một người đã chết vì ngạt thở giữa một đống người như vậy. 

Chú thích ảnh

Theo ghi nhận từ hồ sơ lưu trữ kể từ năm 1910, đã có 15 người thiệt mạng khi tham gia sự kiện này. 

Để giảm thiểu thương vong, ban tổ chức sắp xếp cứ 50m lại có 1 trạm y tế. Tại mỗi trạm có một bác sĩ và một y tá cùng vài nhân viên hỗ trợ. Hầu hết họ là tình nguyện viên từ Hội Chữ thập đỏ. Ngoài ra có khoảng 20 xe cứu thương túc trực, sẵn sàng đưa người bị thương đến bệnh viện trong vòng chưa đến 10 phút. 

Video: Một người phụ nữ bị tấn công khi tham gia chạy cùng đàn bò

Tuy nhiên, con số thương vong đến hiện tại vẫn là khá đáng lo ngại. Năm 2013, có tổng cộng 50 người phải nhập viện. Đến năm 2016 con số tăng lên tới 87 người. Năm 2017 giảm đáng kể khi chỉ có 51 người.

Năm 2018, sau một tuần diễn ra ban tổ chức ghi nhận đã có 42 người bị thương. Những ý kiến phản đối vẫn không ngừng hướng về lễ hội truyền thống này. 

Sự phản đối còn đến từ những nhà bảo vệ động vật khi cho rằng người ta đang lạm dụng những chú bò, chưa kể là đích đến của cuộc chạy này sẽ là thẳng đến trường đấu, nơi những chú bò bị giết. 

Giáo triết học Gabriel Avalos từng đáp trả cáo buộc này trên Newsweek: “Liệu có công bằng không khi 3 triệu gia súc bị giết ở Anh, 30 triệu con bị giết ở Mỹ và 78% trong số đó bị các nhà máy xẻ thịt, trong đó tuổi đời của những con bò này chỉ khoảng 18 tháng?”. Ông Avalos khẳng định những con bò tót Tây Ban Nha sống cuộc đời vui vẻ và hạnh phúc hơn những “người bạn” ở quốc gia khác.

Những vụ bò tót húc người khủng khiếp trên thế giới năm nay

Những vụ bò tót húc người khủng khiếp trên thế giới năm nay

Những cuộc đấu bò luôn rất kịch tính bởi chính sự nguy hiểm của nó. Thế nhưng, cái giá phải trả cho những màn reo hò tung hô đôi khi rất lớn: thương tích nặng hoặc bằng chính mạng sống của đấu sĩ.

Đông Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm