Chế tạo thành công máy dò phát hiện thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử

31/05/2019 09:36 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Nhóm giảng viên Tôn Thất Trường Nam, Trần Quốc Lâm cùng cộng sự tại Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên đã nghiên cứu, chế tạo thành công “Máy dò phát hiện thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử”. Sản phẩm này có ưu điểm dễ vận hành, sử dụng, giúp việc phát hiện, phòng chống gian lận trong các kỳ thi tại Trường Đại học Tây Nguyên và nhiều cơ sở sát hạch đạt hiệu quả, được đánh giá cao.

Khởi tố ba giáo viên chấm thi trong vụ gian lận điểm tại Hòa Bình

Khởi tố ba giáo viên chấm thi trong vụ gian lận điểm tại Hòa Bình

Ngày 24/4, theo thông tin từ Bộ Công an, mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ba giáo viên trong tổ chấm thi môn tự luận.

Giảng viên Trần Quốc Lâm, bộ môn Vật Lý, Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ cho biết, trước đây, gian lận của học sinh, sinh viên trong các kỳ thi chỉ dừng lại ở việc quay cóp, đưa tài liệu vào phòng thi. Hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ, các thiết bị hiện đại, có cấu tạo tinh vi, kích thước siêu nhỏ như: vòng dây từ trường, tai nghe hạt đậu, nam châm, điện thoại giả dạng ATM, thiết bị truyền tín hiệu bằng bluetooth…được sinh viên sử dụng, kết nối với tai nghe nam châm “siêu nhỏ” để thực hiện gian lận, đưa đề thi ra bên ngoài nhờ người giải và truyền tín hiệu đáp án vào phòng thi. Các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao có đặc điểm chung là dùng sóng vô tuyến để truyền thông tin, hình ảnh, được quảng cáo, mời bán rộng rãi trên mạng xã hội Facebook với giá từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng. Các thiết bị gian lận được gắn vào lỗ tai, răng, luồn trong quần, áo, khó phát hiện bằng mắt thường. Do đó, các thí sinh có ý định gian lận sẵn sàng “chịu chi” để sở hữu những "bảo bối" này.

Chú thích ảnh
Một số thiết bị gian lận thi cử thu giữ được. Ảnh: Internet

Từ thực tế trên, đầu năm 2018, khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm đã bắt đầu từ việc phân tích cấu tạo, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các thiết bị công nghệ cao do Phòng Thanh tra pháp chế nhà trường thu được từ các kỳ thi. Tuy nhiên, các linh kiện trong mạch điện của thiết bị công nghệ cao thu được đều bị xóa thông số để bảo mật. Để tìm ra nguyên lý hoạt động của các thiết bị, nhóm đã bóc tách từng linh kiện, đo đạc thông số bằng máy chuyên dụng, vẽ sơ đồ mạch, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị. Từ thực tiễn nghiên cứu tính năng của thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận trong thi cử, nhóm đã nghiên cứu, chế tạo ra máy dò các thiết bị trên.

Về nguyên lý hoạt động của máy dò, thầy Tôn Thất Trường Nam chủ nhiệm đề tài cho biết: Máy phát hiện thiết bị gian lận thi cử do nhóm chế tạo gồm 3 bộ phận: ăng-ten thu tín hiệu, mạch lọc xử lý tín hiệu và mạch khuếch đại. Khối lượng của máy khoảng 400gram, sử dụng nguồn điện 2 pin 9V, kết nối tai nghe, dò sóng âm tần 100Hz-20kHz, khoảng cách dò tối đa 8m, máy thu nhận tín hiệu âm thanh, từ trường biến thiên do các thiết bị gian lận công nghệ cao phát ra khi sinh viên sử dụng thiết bị trong phòng thi.

Trước đây, nhóm đã sử dụng thiết bị chuyên dụng, máy dò ngoài thị trường nhưng hạn chế của các máy này là chỉ dò được sóng điện thoại, không sử dụng được với các thiết bị công nghệ cao tinh vi khác, khoảng cách dò ngắn từ 0,5 cm đến 1 m. Máy do nhóm chế tạo có ưu điểm dò được nhiều loại thiết bị, kể cả thiết bị kết nối với máy MP3, phạm vi dò của máy lên đến 8 m. Cán bộ coi thi đưa máy đi dọc hành lang các lớp học có thể dễ dàng phát hiện ra tín hiệu của thiết bị gian lận trong phòng thi.

Thầy Trần Quốc Lâm cho biết thêm, giá thành để chế tạo máy phát hiện thiết bị gian lận thi dao động trên 5 triệu đồng. Hiện nay, ngoài Trường Đại học Tây Nguyên, máy do nhóm chế tạo đang được sử dụng trong các kỳ thi của Trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội), Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, kỳ sát hạch thi lái xe của Sở Giao thông vận tải Gia Lai. Máy dò của nhóm hiện đã được cải tiến qua 8 phiên bản thử nghiệm. Thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thiết bị nhỏ, gọn, nhạy hơn. Nguyện vọng của nhóm sẽ hỗ trợ các trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng máy trong kỳ thi được minh bạch, đặc biệt là Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Mai, sinh viên ngành Sư phạm Vật Lý, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, tình trạng học sinh, sinh viên quay cóp, sử dụng thiết bị công nghệ cao gian lận trong thi cử diễn ra nhiều. Máy phát hiện thiết bị gian lận thi cử do các thầy Tôn Thất Trường Nam, Trần Quốc Lâm và các thầy cô trong khoa chế tạo ra rất thiết thực, hỗ trợ hiệu quả công tác kiểm tra, phát hiện tiêu cực trong thi cử, đồng thời góp phần thay đổi dần tật xấu nhờ vả, sử dụng phao cứu sinh trong các kỳ thi của học sinh, sinh viên.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tân, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, từ khi đưa vào sử dụng máy phát hiện thiết bị gian lận thi cử đơn vị đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 60 trường hợp sinh viên vi phạm trong các kỳ thi. Thời gian gần đây, trong các kỳ thi của nhà trường, tình trạng thí sinh sử dụng công nghệ cao gian lận không còn. Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao dự án này và là đề tài nghiên cứu cơ sở trọng điểm của trường, đáp ứng mục tiêu phòng chống tiêu cực, định hướng cho sinh viên ý thức tự giác hơn trong thi cử.   

Phạm Cường/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm