21/06/2014 07:22 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nếu có một chương trình truyền hình thực tế mà thí sinh là nhà báo thì ghế nóng ban giám khảo chắc chắn có mặt đạo diễn Lê Hoàng - nhà báo Lê Thị Liên Hoan mà báo giới một nửa “sợ hãi” (vì có nguy cơ bị anh dồn vào thế thất nghiệp) và nửa kia… có rất nhiều tâm trạng trước ngòi bút sắc lẹm của anh.
* Ai cũng biết anh là người đọc rất nhiều và cũng là một cây viết sắc sảo nhưng hình như chưa ai biết mối quan hệ giữa anh và phóng viên báo chí thật sự đang ở mức độ nào?
- Tôi không bao giờ biết ở mức độ nào nhưng chắc chắn là không đẹp lắm cũng chẳng xấu lắm. Tùy người tùy việc. Có những phóng viên tôi không buồn đọc bài vì chưa đọc cũng biết sẽ viết gì. Và cũng có những người mình tôn trọng, luôn luôn thấy tên họ thì coi ngay - tuy nhiên những người như vậy cực kỳ hiếm.
* Vậy nói như anh thì có vẻ làm phóng viên mảng văn nghệ là rất khó?
- Nếu làm chân chính thì rất khó. Nhưng làm chân chính thì sẽ rất nổi mà tôi không hiểu tại sao nhiều người không chịu làm?
Ở nước ngoài khi một tác phẩm ra đời nhiều nghệ sĩ hay hỏi nhau “nhà báo X hay nhà báo Y nhận xét gì?” bởi vì ông X, ông Y đó có giá trị rất lớn trong dư luận, bất kể ông ấy viết cho báo nào. Còn ở ta không thế, nhiều người chỉ nhắc đến tờ báo chứ không hề nhắc đến tên phóng viên. Đó là một bằng chứng rõ ràng cho thấy phóng viên không hề gây được dấu ấn của riêng mình mà chỉ sống bằng tên tòa soạn.
Và có lẽ chỉ có báo chí Việt Nam, nhà báo mới có nhiều bút danh như thế. Người viết chân chính luôn luôn ký tên thật của mình và tự hào vì cái tên đó, sống vì cái tên đó chứ tại sao lại phải núp dưới những biệt danh vớ vẩn rất khác nhau, hết năm này qua năm khác. Bởi vì chính họ cũng không tự tin và không khâm phục những điều mình viết. Nhà báo mà sợ lộ diện quả là điều khôi hài. Dù nghệ sĩ có tồi tệ đến mấy thì từ trước đến nay cũng chỉ mới có một lần một người lên sân khấu hát mà đeo mặt nạ. Tại sao nhà báo không làm thế?
* Theo anh điều gì đáng sợ nhất ở một nhà báo văn nghệ hiện nay?
- Đó là họ xem sân khấu trình diễn nhưng viết về cánh gà.
* Tất nhiên văn hóa có nhiều dạng và công chúng của nó cũng nhiều thành phần. Cá nhân anh thấy thế nào về nội dung văn hóa trên báo chí?
- Nội dung văn hóa trên báo chí hiện nay cũng giống như văn hóa hiện nay. Nghĩa là cũng đủ các dạng nhưng thật buồn là dạng lá cải ngày càng nhiều.
Thực ra lá cải không có gì xấu vì cũng là một nhu cầu bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên, không có gì xấu hoàn toàn không có nghĩa là đẹp. Và tôi có cảm giác một số người làm lá cải không hề hiểu điều này. Có một lần, một nữ nhà báo gặp tôi nói giọng vô cùng đau khổ và buồn tủi: “Anh ơi, làm sao để em có một cái giấy mời vào đám cưới của cô Tăng Thanh Hà bây giờ?” khiến tôi vừa buồn cười vừa đau lòng. Đúng là cô Tăng Thanh Hà xinh đẹp và dễ thương thật nhưng chả lẽ việc không có mặt ở đám cưới cô ấy là niềm đau đớn như vậy với một phóng viên? Trong hàng triệu cô gái Việt Nam chắc chắn phải có gần tới hàng triệu cô mà số phận của họ đáng viết hơn đám cưới Tăng Thanh Hà chứ.
* Vậy nếu không quan tâm đến đám cưới Tăng Thanh Hà thì anh quan tâm nhiều nhất đến vấn đề văn hóa nào trên các trang báo?
- Xin hỏi ngược lại nhà báo, nếu là anh thì anh quan tâm đến vấn đề nào? Vì tôi tin chắc chính anh cũng không trả lời được. Đơn giản vì vấn đề nào cũng có và vấn đề nào cũng không sâu sắc.
Thành ra cái tôi quan tâm là vấn đề của xã hội trên thực tế chứ không phải là vấn đề của xã hội trên mặt báo. Ví dụ như hiện nay tôi rất thích tìm hiểu về giáo dục vì theo tôi giáo dục là một lĩnh vực vừa có tính xã hội vừa có tính văn hóa. Nhưng tôi không quan tâm đến những bài giáo dục do các nhà báo viết vì hình như tìm trên cả nước cũng không ra một phóng viên về giáo dục phân tích được chủ đề của mình một cách khác thường. Thành ra những chuyên gia về giáo dục đành phải làm luôn chuyên gia về báo chí giáo dục. Ví dụ như tiến sĩ Giáp Văn Dương có những bài về triết lý giáo dục rất hay nhưng tôi kinh ngạc khi tờ báo đăng bài viết hay nhất của ông lại là tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Tất nhiên Thời báo kinh tế Sài Gòn là một tờ cực kỳ uy tín. Nhưng rõ ràng giáo dục không phải là đối tượng chuyên sâu của họ. Vậy tại sao họ lại có những bài chất lượng cao như thế? Từ đấy suy ra không phải phóng viên mà trình độ của Ban biên tập mới là quyết định.
Mà trình độ của một Ban biên tập là gì? Là nhận thức của họ đồng thời là sự dũng cảm của họ.
* Vậy theo anh vai trò của nhà báo trong lĩnh vực nghệ thuật hiện nay là gì?
- Thú thực là vai trò nhà báo hiện nay trong nghệ thuật gần như chỉ còn có tính quảng cáo. Nghĩa là trước một chương trình hay một sự kiện thường người ta chỉ muốn nhà báo đưa tin hộ. Thế thôi. Hầu như không còn ai quan tâm đến nhận xét của các phóng viên về ý nghĩa hoặc giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Cho nên mới có hiện tượng là rất nhiều sự kiện khi mở màn hoặc khi sắp diễn ra thì mời nhà báo đi dự rất đông nhưng khi hoàn thành hay kết thúc thì không coi trọng nữa.
Tôi nhớ trước đây, khi một vở kịch hay một bộ phim ra đời, các tác giả còn nghe ngóng phản ứng của báo chí. Bây giờ thì gần như không.
* Thực tế là hiện nay khi một sự kiện xảy ra, một chương trình truyền hình vừa kết thúc thì hôm sau gần như tất cả các tờ báo, đều đăng thông tin gần như giống nhau.
- Tất cả các sự giống nhau suy cho cùng đều xuất phát từ trình độ thấp, không nhìn được sự kiện hay vấn đề dưới một góc nhìn riêng của mình. Sự giống nhau cũng còn do lười biếng và do không tin rằng mình có khả năng làm cho dư luận chú ý. Thú thực tôi không tin một số phóng viên hiểu sâu sắc chức năng báo chí. Thậm chí tôi không tin một số phóng viên hiểu thế nào là nghề nghiệp phóng viên. Họ hành xử như những người làm công ăn lương hoặc như nhân viên văn phòng, chả cần sáng tạo, chỉ cần đúng quy định và không sai phạm là xong.
* Giữa nghệ sĩ và báo giới luôn có sự gần gũi nhưng đến mức độ nào là cần thiết, theo anh?
- Một nhà báo chân chính không bao giờ nên thân với nghệ sĩ mà chỉ nên hiểu nghệ sĩ thôi. Ở nước Anh có luật cấm các nhà phê bình văn học chơi với các nhà văn. Xin quý vị cứ từ đấy mà suy ra.
Một số nhà báo chơi thân với nghệ sĩ thậm chí lại còn khoe điều đó khiến tôi cười bò ra. Về phương diện con người, như thế không sai. Nhưng về phương diện nghề nghiệp, chẳng khác gì quan tòa khoe có họ hàng với phạm nhân. Tất nhiên nhà báo không phải quan tòa, nghệ sĩ không phải phạm nhân nhưng đôi khi cũng giống như thế.
* Nhà báo là fan ca sĩ, theo anh điều này có nên không?
- Không bao giờ nên. Nhà báo tất nhiên có quyền có cảm xúc, có quyền thích giọng hát này hoặc thích con người nghệ sĩ nọ. Nhưng điều đấy tốt nhất là không để khoe ra.
Nói như vậy chắc nhiều người nghĩ không công bằng nhưng thực tế cuộc sống có những nghề nghiệp mà khi đã chọn ta phải chấp nhận một số điều kiện của nó. Ví dụ như khi ta làm trọng tài bóng đá thì ta đừng bao giờ đi ăn cơm với cầu thủ dù bữa cơm ấy không liên quan gì tới trận đấu.
* Vậy anh nghĩ sao về việc nhà báo làm “quản lý” truyền thông cho nghệ sĩ?
- Chuyện này tôi tin chắc chỉ có ở Việt Nam.
* Điều anh mong chờ (dưới góc độ làm nghề như anh quan sát) ở báo chí, là gì?
- Sự thật được phản ánh một cách thông minh. Thế thôi!
Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất