26/04/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước
Theo sau thảm họa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, người ta đã xây dựng một quan tài khổng lồ làm từ bê tông, bao bọc lấy lò phản ứng số 4 của nhà máy. Nó được thiết kế để trùm lên các khu vực nguy hiểm nhất và ngăn chặn rò rỉ phóng xạ ra môi trường xung quanh.
Cỗ quan tài 25 năm tuổi
Việc thiết kế quan tài đầu tiên này, thực chất là một tổ hợp công trình che chắn phóng xạ, diễn ra từ ngày 20/5/1986. Hoạt động xây dựng kéo dài 206 ngày, bắt đầu từ tháng 6 tới cuối tháng 11 năm đó thì dừng lại. Trước khi bắt tay vào việc xây dựng, người ta đã thiết lập một hệ thống làm mát đặt sâu dưới lò phản ứng để ngăn không cho nhiên liệu hạt nhân nóng chảy chọc thủng sàn lò xuyên xuống đất và gây nhiễm xạ rộng. Khoảng 400 thợ mỏ đã được huy động để đào một đường ngầm nằm dưới lò phản ứng và tới ngày 24/6/1986, họ đã tạo dựng được đoạn đường hầm dài 168m.
Những người từng tham gia xử lý hậu quả Chernobyl kỷ niệm 25 năm ngày diễn ra thảm họa
Trong quá trình xây dựng, nồng độ phóng xạ đã không ngừng tăng lên. Khi lượng phóng xạ lên quá cao, khiến cho các đội xây dựng không thể trực tiếp vặn ốc hoặc hàn các thiết bị, người ta đã phải viện tới sự giúp đỡ của các rô bốt. Tuy nhiên, việc xây dựng quan tài đầu tiên diễn ra trong thời gian gấp rút nên nhiều điểm nối đã không được hàn chặt.
Tổng cộng hơn 400.000 m3 bê tông và 7.300 tấn khung kim loại đã được sử dụng trong quá trình xây quan tài đầu tiên cho nhà máy điện Chernobyl. Lá chắn phóng xạ làm từ thép và bê tông này hiện chứa trong nó khoảng 200 tấn phóng xạ corium, 16 tấn plutonium cùng uranium và 30 tấn bụi nhiễm xạ cao. Ngày 11/10/1986, nhà chức trách Liên Xô đã chấp nhận bản đánh giá cho rằng công trình quan tài bao phủ tổ máy số 4 đã đảm bảo mục tiêu ngăn chặn không cho phóng xạ rò rỉ ra ngoài.
Chiếc áo bảo vệ đang mục dần
2 năm sau thời điểm xây dựng quan tài bê tông, vào ngày 22/12/1988, các nhà khoa học Liên Xô nói rằng quan tài này chỉ tồn tại được từ 20 - 30 năm trước khi nó cần sửa chữa lớn. Các báo cáo tiếp theo cho thấy quan tài có thể đổ sập nếu xảy ra một trận động đất mạnh 6 độ richter. Người ta cũng ước tính rằng một trận động đất mạnh như vậy sẽ xuất hiện tại khu vực Chernobyl sau mỗi một thập kỷ. Nếu chuyện này xảy ra, một đám mây phóng xạ khổng lồ sẽ lại xuất hiện, như đã từng xảy ra một lần trong thảm họa hồi năm 1986.
Quan tài bao phủ nhà máy điện Chernobyl hiện nay đã xuống cấp nặng nề
Năm 1998, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, một chương trình sửa chữa đã được tổ chức, nhằm ngăn phần mái của quan tài khỏi đổ sụp xuống. Mặc dù vậy, việc mưa đã xói mòn, làm gỉ sét các xà rầm hỗ trợ phần mái, vẫn đe dọa tới sự ổn định của cả quan tài. Người ta cũng phát hiện rằng nước mưa lọt qua các lỗ hổng ở mái của quan tài sẽ bị nhiễm xạ khi vào bên trong, trước khi ngấm xuyên qua sàn của lò phản ứng xuống đất.
Để thay đổi tình hình, nhà chức trách Ukraina đã quyết định xây dựng một quan tài mới bao bọc lấy quan tài cũ. Hồi giữa tháng này, Ukraina đã tổ chức một cuộc hội thảo ở Kiev, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra thảm họa và kêu gọi thế giới hỗ trợ tài chính để nước này xây dựng quan tài mới. Kết quả là nhiều nước cam kết sẽ cung cấp cho Ukraina 785 triệu USD, qua đó nâng tổng số tiền hứa hẹn hỗ trợ lên mức 1,8 tỉ USD. Được biết, tới nay đã có 28 chính phủ và tổ chức cam kết viện trợ tài chính cho Ukraina. Trong đó Ủy ban châu Âu sẽ đóng góp số tiền lớn nhất, lên tới 157 triệu USD, theo sau là Mỹ với 123 triệu USD và Anh với 50 triệu USD.
Dự kiến quan tài mới sẽ rộng 190m, cao hơn 100m, sử dụng 20.000 tấn thép và sẽ mất 5 năm để xây dựng. Các chuyên gia nói rằng lượng phóng xạ tập trung quanh quan tài đầu tiên đã quá cao nên người ta không thể xây dựng lớp vỏ mới trực tiếp tại hiện trường. Thay vì thế, hai nửa của quan tài mới sẽ được xây dựng ở gần đó rồi được chuyển bằng đường ray tới lắp ghép ở Chernobyl.
Sau khi hoàn tất, quan tài mới sẽ có khả năng ngăn chặn phóng xạ thoát ra ngoài trong vòng 100 năm. Điều quan trọng là quan tài mới được thiết kế để người ta có thể bắt đầu phá bỏ lớp bảo vệ cũ từ bên trong và thu dọn hàng trăm tấn chất thải phóng xạ độc hại đưa tới nơi lưu trữ an toàn, qua đó có thể vĩnh viễn khép lại thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất