Có nhiều trạng thái trước thông tin “không dưới 100 triệu đồng” để “chạy” vào biên chế mà ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội vừa “mách”. Những đồng nghiệp của ông Dực trong lĩnh vực quản lý cán bộ, công chức thì xem nhận xét kia của đồng chí mình là “hơi quá”, người dân nói chung thì lấy làm bất ngờ.Những người vừa được tuyển dụng vào các cơ quan công quyền Hà Nội thì chắc chỉ “cười tủm” vì chẳng ai hiểu hơn mình. Bạn tôi, một công chức có thâm niên 17 năm công tác trong ngành nội vụ thủng thẳng: Ai tin điều đó là “có cơ sở” thì mới nhanh chóng có cơ hội được nhận đồng lương còm cõi từ ngân sách nhà nước.
Chi cả 100 triệu đồng để được nhận lương 2 triệu đồng mỗi tháng? Nếu chỉ làm phép tính đơn giản như thế sẽ thấy không có khoản đầu tư nào dại dột hơn. Thế nhưng tại sao người ta vẫn lao vào, vẫn chạy chọt? Là bởi vì, mỗi công chức khi có vị trí, thu nhập một phần, ổn định một phần, “lên giá” một phần vì là công chức và để có nhiều quan hệ. Chính “quan hệ” mới là thứ đắt giá. Cái thứ để rồi cơ bản sẽ phấn đấu thành “một bộ phận không nhỏ” mà không biết bao nhiêu nghị quyết, bao nhiêu cuộc kiểm điểm tìm chưa ra ấy.
Với số cán bộ vừa đầu tư cả trăm triệu để vào được cơ quan nhà nước, họ sẽ hữu hạn về thời gian, hữu hạn trách nhiệm và thậm chí, hữu hạn cả lương tâm để còn khoảng trống kiếm tiền hầu nhanh chóng bù lại khoản đã đầu tư.
Con số “100 triệu” cũng lý giải tại sao bộ máy hành chính vốn cồng kềnh càng tinh giản, càng phình to.
Có một điều người viết bài này thắc mắc là tại sao ông Trần Trọng Dực, người đứng đầu cơ quan có nhiệm vụ bảo đảm sự trong sạch của đội ngũ công bộc lại chọn cách phát biểu theo kiểu khuyến cáo tại một phiên họp toàn thể của HĐND mà không phải là tự mình, với chức năng quyền hạn được giao giải quyết vấn đề? Và ngay sau phát biểu này, báo chí bằng nhiều cách mong làm rõ thông tin đều chỉ nhận được cái lắc đầu không chỉ của một mình ông Dực.
Phải thừa nhận, tìm cách nào để giải quyết cho được việc phải đầu tư cả trăm triệu để trở thành công bộc của dân là khó. Vì rằng, chúng ta có rất nhiều luật, có không biết bao nhiêu cơ quan và tổ chức được gọi là “có trách nhiệm” tham gia vào việc tuyển dụng công chức. Nhưng tin rằng, chính người đứng đầu ngành nội vụ cũng không thể chỉ ra cụ thể để nói rằng, đó là người chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng đội ngũ chất lượng hay không chất lượng; tiêu cực hay không tiêu cực... Mà chỉ khi nào tường minh được điều đó mới hết điều kiện phải đầu tư cả trăm triệu.
Tôi đã mất nhiều ngày để tìm một bản báo cáo đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, chí ít là toàn diện nhưng kết quả là con số không. Báo cáo năm của ngành nội vụ nói chung, Sở Nội vụ Hà Nội nói riêng chỉ có một phần nói về công chức, mà trong đó đa số là tốt, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều này quá mâu thuẫn với những phiền nhiễu mà người dân gặp hằng ngày khi giao dịch với cơ quan công quyền. Có lẽ, phải khi nào chỉ ra được một công chức đã làm những gì, làm như thế nào thì mới hết cảnh phải chạy tiền cả trăm triệu.
Theo Thanh Niên