02/11/2017 07:15 GMT+7
(lienminhbng.org) - Wave "ghẻ" là cách gọi vui về những chiếc xe wave đã có tuổi. Thế nhưng, với dân phượt, loại xe này lại vô cùng phổ biến và được ưa chuộng bởi giá thành thấp, dễ sữa chữa và dễ... quăng quật trên đường.
Và, cuối tháng 10 qua, trên một chiếc wave ghẻ đời 2008 như vậy, một chàng thanh niên 30 tuổi đã hoàn thành chặng đường 20.000 km qua 35 quốc gia trong 150 ngày. Từ TP HCM, anh "phượt" tới thủ đô Paris của Pháp – để rồi từ đó sẽ tiếp tục đi vòng quanh thế giới trong vòng hơn một năm nữa. Tất nhiên, hành trình ấy chủ yếu dùng... wave ghẻ.
Trần Đặng Đăng Khoa, tên chàng trai, lập tức trở thành một từ khóa hot trên mạng internet.
Bản thân người viết, khi mới đọc những dòng title báo về Khoa, cũng có chút hờ hững. Bởi thực tế, thành tích vượt 20.000 km bằng xe máy (là chính) tuy ấn tượng, nhưng nó lại gợi ra câu chuyện về cách mà nhiều phượt thủ đang "mắm môi mắm lợi" gắng phá đổ các thành tích về cung đường di chuyển bằng xe máy trong những năm vừa rồi.
Nhưng, đọc kỹ, tôi nhận ra: Khoa không phải là người gắng vẽ ra một chuyến đi kỷ lục theo kiểu phù phiếm để "lấy số" – như người ta vẫn gọi.
Những bức ảnh và ghi chép mà Khoa để lại cho thấy: anh hiểu khá rõ về những nơi mình sẽ đặt chân đến, về những trở ngại có thể xuất hiện ở một quốc gia khác, về những địa điểm nên ghé thăm, về những trải nghiệm nên nếm trải trong hành trình. Đó là điều dễ hiểu, bởi như lời kể, Khoa đã mất gần 2 năm mò mẫm trên các diễn đàn quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.
Và, 2 năm ấy cũng là thời gian để chàng trai này chuẩn bị để vượt qua khó khăn lớn nhất: visa cho người và giấy thông hành xe máy quốc tế cho chiếc "wave ghẻ". Để rồi, đến giờ, anh đã bước đầu giải được bài toán ấy ở 35 quốc gia đã đi qua, với những chuyến đi xin visa được tiến hành trước từ Việt Nam hoặc qua mạng internet...
Có nghĩa, hành trình ấy là kết của của một sự chuẩn bị nghiêm túc và quyết tâm. Thậm chí, như cách nói của Khoa, sự chuẩn bị ấy không chỉ diễn ra trong 2 năm mà trong... 20 năm, kể từ khi anh còn là một cậu bé có mơ ước đi quanh thế giới.
***
Khoa sẽ mất 2 năm (có thể chỉ là 18 tháng nếu anh bỏ kế hoạch qua châu Phi) để thực hiện giấc mơ của mình. Kèm theo đó là số tiền gần 1 tỷ đồng, do anh bỏ ống và kết hợp kêu gọi tài trợ.
Với một số người, đó có thể là một sự phù phiếm và lãng phí, cả về thời gian và tiền bạc. Với một số khác, trong đó có người viết, đó là sự dũng cảm và quyết tâm, để có được những trải nghiệm, cũng như cơ hội thay đổi tầm mắt của mình.
So sánh sẽ khập khiễng. Nhưng, trong những chuyến đi của tuổi trẻ, nhiều người vẫn say mê những ghi chép mà Che Guevara để lại trong hành trình xuyên Mỹ La tinh bằng xe máy ở tuổi 23. Say mê, không chỉ bởi những gì Che ghi lại, mà còn ở sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của Che, khi hành trình đã để lại trong ông những lòng thương cảm với những người nghèo khổ và tinh thần chống đế quốc mãnh liệt.
***
Ở thời hiện đại, câu chuyện đi vòng quanh thế giới không phải là điều xa lạ. Nhưng với người Việt, có lẽ trước Khoa, những người dám nghĩ tới điều ấy không nhiều.
Bởi, khao khát đến mấy, trong cách nghĩ mặc định của chúng ta, sức ỳ của những chuyến đi theo kiểu ấy vẫn luôn vô cùng lớn – dù đó là khó khăn về thời gian, tiền bạc hay đơn giản là chuyện về thủ tục visa.
Còn bây giờ, Khoa cho thấy: anh đã bước đầu thực hiện được giấc mơ đi vòng quanh thế giới của mình, bằng sự quyết tâm và những chuẩn bị rất nghiêm túc.
Vượt lên câu chuyện của một chuyến đi, việc dám thực hiện ước mơ của mình mới là điều đáng trọng nhất ở anh.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất