25/10/2013 13:31 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nửa năm qua, trong 6 phiên đấu giá của các nhà đấu giá hàng đầu thế giới, hàng chục bức tranh quý của các danh họa Nguyễn Tường Lân, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu đã lần lượt thuộc về các nhà sưu tập Việt. Những họa phẩm quý giá này vừa trở về Hà Nội.
1. Bằng khát khao và hành động quyết liệt, ước mơ về một nhà triển lãm bày tranh của các danh họa thuộc những lớp đầu của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương của nhà sưu tập Nguyễn Minh (người đã đấu giá thành công tất cả những bức tranh trên) đang gần hơn bao giờ hết.
Ngày đầu tháng 10, tại nhà đấu giá Sotheby (Hong Kong - Trung Quốc) có một người mang số thẻ đấu giá 6311 âm thầm ngồi gần cuối căn phòng. Ông trầm lặng nghe những nhà sưu tập, những tài phiệt tranh trên thế giới xôn xao đấu giá tranh các nước.
Nhưng mỗi khi đến những bức tranh Việt Nam, ông trả giá rất nhanh và “lỳ”. Có một vài bức ông phải bỏ vì không theo được do giá đội lên quá cao. Song với việc đấu giá thành công tổng số 6 bức tranh Việt, trong đó có 3 bức của danh họa Lê Phổ, 2 bức của Vũ Cao Đàm và 1 bức của Lê Thị Lựu, nhà sưu tập mang số thẻ đấu giá 6311 trong phiên đấu giá của Sotheby- ông Nguyễn Minh- đã mang về những “báu vật mỹ thuật”.
Bức tranh Picking Roses của danh họa Lê Phổ.
Đặc biệt, trong lần “thắng lớn” này, những bức tranh vẽ cảnh sắc Việt, bằng tài năng Việt có thể chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam, đã được về đất mẹ như: 3 bức của Lê Phổ gồm Lady with child, Picking Roses, Composition; 2 bức của Vũ Cao Đàm: The Family (vẽ năm 1960); The Family (vẽ năm 1972) và một bức của Lê Thị Lựu mang tên Brother and sister.
Trước đó, ngày cuối tháng 5/2013, nhà sưu tập Nguyễn Minh cũng đã đấu giá thành công ở sàn đấu giá Christes (Hong Kong - Trung Quốc) hai bức tranh quý khác. Cụ thể, 1 bức tranh là của danh họa Vũ Cao Đàm mang tên Maternité (chất liệu lụa, sáng tác khoảng năm 1935 tới 1939); 1 bức khác của danh họa Nguyễn Tường Lân mang tên Landscape with fishing boats. Bức họa chất liệu lụa đặc biệt quý hiếm của danh họa Nguyễn Tường Lân này được sáng tác năm 1934, giá khởi điểm khi lên sàn 25.600- 32.100 USD.Theo ông Nguyễn Minh, cuộc đấu giá này là căng thẳng nhất. “Bởi có một nhà sưu tập nước ngoài cũng rất mê bức Landscape with fishing boats nên chúng tôi đấu trí, rượt đuổi nhau khá lâu”- Ông Nguyễn Minh nói.
Sau đó, ngày đầu tháng 7, nhà sưu tập Nguyễn Minh đấu giá thành công tiếp bức họa Bouquet của Lê Phổ (giá khởi điểm 10.000 USD) tại Nhà đấu giá Marsart Autioneer & Appraisers (tại Jerusalem). Kế đó, Nguyễn Minh lần lượt mang về bức Sunflower của Lê Phổ trung tuần tháng 7 tại nhà đấu giá Bruck (Mỹ), bức Mere et enfan của Vũ Cao Đàm cuối tháng 7 tại nhà đấu giá Susanin, bức Lady with flowers của Lê Phổ đầu tháng 8 tại nhà đấu giá Borobudur (Singapore), bức La Recontre của Vũ Cao Đàm giữa tháng 9 tại nhà đấu giá Lenland.
Trước đó, nhà sưu tập Nguyễn Minh còn đưa thành công 4 bức tranh của danh họa Vũ Cao Đàm có tên quốc tế là Gossip, Spring, Two Lovers, Lovers in a Landscape như TT&VH đã đưa tin trước đó.
2. “Vậy là giấc mơ về một nhà triển lãm nhỏ trưng bày tranh của các danh họa thuộc “thế hệ vàng” của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ đang gần lắm rồi. Vì những lý do khác nhau mà các danh họa phải rời Tổ quốc để sống và sáng tác nơi xứ người. Song dù gì, hồn cốt Việt vẫn là giá trị vĩnh hằng trong tranh của các họa sĩ tài danh trên. Nên tôi sẽ dùng tất cả trí lực của mình để thu thập lại những tinh hoa của mỹ thuật Việt về Tổ quốc dựng nhà triển lãm về các danh họa Việt xa xứ”- Nguyễn Minh cho biết.
Cũng theo chia sẻ, Nguyễn Minh dự định mở nhà triển lãm tranh trên khi ông có đủ 10 bức tranh của họa sĩ Lê Phổ (hiện tại ông có 6 bức), 10 bức tranh của danh họa Vũ Cao Đàm (hiện Nguyễn Minh đã có 8 bức) và một vài bức của họa sĩ Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ…
Trong những chuyến “hồi hương” tranh quý dồn dập này, việc đưa được 6 bức tranh của Lê Phổ trở về là một trong những điều ấn tượng nhất. Còn nhớ, trong từ điển họa sĩ Việt Nam, về Lê Phổ, Quang Việt viết: “Trên thực tế, ông (Lê Phổ - PV) là một trong số ít họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã thành công trên con đường “quốc tế hóa”. Riêng đối với nền mỹ thuật Việt Nam, một nghệ sĩ như ông, cho dù ở vào thời kỳ nào và hoạt động ở đâu- cũng luôn là người “báo hiệu”.
Và có lẽ cụm từ “người báo hiệu” cũng xứng đáng với nhà sưu tập Nguyễn Minh. Bởi một “làn sóng” đưa tranh Việt về đất mẹ đã manh nha bắt đầu.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất