Ra sách ‘Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn’: Những bức truyền thần vô giá

02/03/2014 07:17 GMT+7 | Đọc - Xem

 (lienminhbng.org) - Sáng qua (1/3) tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đã có buổi ra mắt Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945 (NXB Hồng Đức, quý 4/2013) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Nhìn tổng thể, đây là một tài liệu đặc biệt, vì nó có tính khai mở trong việc tìm hiểu triều phục thời Nguyễn, vốn còn là “bí ẩn” lâu nay tại Việt Nam.

Sách gồm bản dịch phần “Mũ áo bộ lễ” trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (quyển 78), nơi giới thiệu sinh động và gần như đầy đủ về trang phục, áo mũ, phụ kiện… của hoàng đế, hoàng thân, quan văn quan võ, binh lính và nhiều sinh hoạt khác thời Nguyễn. Bên cạnh đó là phần nguyên tác Hán văn, Pháp văn, các bản dịch và phụ lục, giúp độc giả có thể tham khảo rộng rãi hơn.



Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Họa sĩ truyền thần Nguyễn Văn Nhân là ai?

Trong một bài phỏng vấn, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết: “Bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân vẽ vào năm 1902 theo cách truyền thần, tức vẽ người thật. Trong đó có ba nội dung chính: hình ảnh của hoàng gia gồm đủ các chức tước, các vị trí trong hoàng tộc (tự thiên tử chí tôn thất); hình ảnh quan lại: từ quan phẩm thứ nhất đến phẩm thứ chín, đủ cả văn võ, đủ cả chánh phẩm và tòng phẩm với phẩm phục bao gồm cả thường triều (mặc đi làm việc) và đại triều (mặc vào lạy vua); và thích thú nhất với tôi là hình ảnh sắc phục các loại lính: cận vệ, nấu ăn, lính hầu trà, lính lễ thanh minh, bảo vệ, các đội kinh tượng, chiến mã... sắc phục có đủ trong những lúc bình thường và khi làm lễ”.

Người vẽ những tác phẩm quan trọng này, từng vẽ chân dung hoàng đế Đồng Khánh, là họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, người gốc Hà Nội; ông cũng là người vẽ chân dung hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ vào năm 1895, hiện thờ tại tổ đình Tường Vân (Huế). Thế nhưng về tiểu sử chi tiết hơn thì chưa thể xác định được.

Điểm đặc biệt nhất của sách này là gần 110 trang tranh (khổ 27 x 27 cm) màu nước với tên gọi Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất của ông vẽ từ tháng 12/1902 (khi giữ chức Biên tu Viện Hàn lâm hưu trí). Nếu không có 54 bức vẽ hết sức chi tiết, sống động này thì đúng là “mọi lý thuyết đều màu xám”, trừu tượng, bởi để hình dung bằng con chữ về một bộ triều phục vốn không dễ dàng gì.

Theo Trần Đình Sơn, ông biết đến bộ tranh này từ năm 2009, thông qua việc đấu giá của nó tại Mỹ, được một nhà sưu tập giấu tên mua, nhưng không phải người Việt Nam. Vừa xót xa khi bộ tranh không về được Việt Nam, vừa háo hức vì có dấu ấn mới trong việc nghiên cứu triều phục, ông Sơn quyết tâm sớm giới thiệu về bộ tranh có một không hai này.


Hoàng đế Đại Nam với lễ phục tế Nam Giao, hình chụp trong sách, trang 85

Một trực quan sinh động và khả tín

Lâu nay chúng ta vẫn có nhiều băn khoăn về triều phục nhà Nguyễn, nhất là lễ phục tế Đàn Nam Giao ngày trước, khiến việc phục dựng nó trong các lễ hội tại Huế thường rơi vào tranh cãi. Nay chỉ qua một bức vẽ “người thật việc thật” của Nguyễn Văn Nhân, có thể không đủ đầy, nhưng chính xác trong một đời hoàng đế, và là một căn cứ khoa học quý giá.

Điều lý thú và đáng khâm phục hơn nữa là khi đối chiếu với các ảnh chụp của người Pháp về mũ áo của vua quan triều Nguyễn, khả năng “truyền thần” của Nguyễn Văn Nhân là hết sức khả tín, sinh động.

Nhìn ở khía cạnh hội họa và thời điểm hoàn tất việc vẽ (năm 1902), rõ ràng lối vẽ màu nước của họa sĩ này vừa kế thừa phong cách “truyền thần” của Đông phương, vừa học hỏi luật viễn cận và giải phẩu hình thể của Tây phương.

Có thể nói, sau cuốn sách có tính tổng lược Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức được công bố, sách của Trần Đình Sơn là một “bổ khuyết” chi tiết hơn, giúp cho việc nghiên cứu trang phục thời phong kiến Việt Nam tiến thêm một bước đáng kể.

Trần Đình Sơn là nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật kì cựu, uy tín, ông từng được biết đến với các sách về chủ đề này như Những nét đan thanh, Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (1802 - 1945), Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê Trịnh (1533 - 1788)…


VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm