11/06/2014 20:41 GMT+7 | Bảng B
(lienminhbng.org) - Tại World Cup 2010, Hà Lan đã đi một mạch đến Chung kết, và chỉ thua Tây Ban Nha bởi bàn duy nhất của Iniesta ở những phút cuối của hiệp phụ. Nhưng 2 năm sau, họ bị loại ngay từ vòng bảng EURO 2012 với 3 trận toàn thua…
Tại kỳ World Cup 2014, Hà Lan bị rơi vào một bảng đấu cũng như một nhánh đấu khá khó chịu. Họ nằm cùng bảng B với Tây Ban Nha, Chile và Australia. Điều đó đồng nghĩa là nếu không đứng đầu bảng, thì khả năng cơn lốc màu da cam phải chạm trán chủ nhà Brazil và dừng bước ở vòng knock-out là rất cao. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn nữa là Hà Lan thậm chí còn có nguy cơ không thể qua nổi vòng bảng.
Bóng ma EURO 2012
Chắc chắn, các CĐV của đội tuyển áo màu da cam vẫn chưa thể quên đi nỗi ám ảnh tại EURO 2012. Khi ấy Hà Lan dù được đánh giá rất cao, nhưng họ đã bất ngờ bị loại ngay vòng bảng, mà không có nổi dù chỉ một điểm. Cơn ác mộng của người Hà Lan bắt đầu ngay từ trận mở màn, khi họ để thua đối thủ bị đánh giá yếu nhất bảng, Đan Mạch 0-1. Để rồi với tâm lý yếu kém, thày trò van Marwijk đã không thể gượng dậy và thua liền 2 trận đấu tiếp theo trước Đức rồi Bồ Đào Nha với cùng tỉ số 1-2.
Tất nhiên, về lý thuyết thì bảng đấu của Hà Lan 2 năm trước nặng hơn hẳn tại Brazil. Nhưng cần phải nhớ rằng những đối thủ của họ tại World Cup 2014 cũng rất đáng ngại, đặc biệt là Tây Ban Nha và Chile. Lịch thi đấu của Hà Lan cũng không mấy thuận lợi khi họ phải chạm trán nhà ĐKVĐ ngay ở trận ra quân, nếu để thua ngay ở trận đấu đó thì áp lực đối với HLV Louis van Gaal và các học trò ở 2 trận còn lại sẽ cực lớn.
Thế nên, bóng ma tại EURO 2012 cũng hoàn toàn có thể ập xuống đầu Robben và các đồng đội thêm một lần nữa. Nhất là khi bản thân ĐT Hà Lan hiện cũng đang tồn tại rất nhiều vấn đề, từ nhân sự, chuyên môn cho đến hậu trường.
Đừng ngạc nhiên khi Hà Lan thất bại
Đừng để hành trình đến Brazil rất dễ dàng của nhà đương kim á quân World Cup (giành 28/30 điểm tối đa) đánh lừa. Bởi bảng đấu của Hà Lan thật ra là khá nhẹ. Tất cả những tên tuổi như Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và Estonia đều đã qua thời kì cực thịnh và sa sút rất đáng kể, không thể là đối trọng của Hà Lan. Việc đội bóng về nhì ở bảng D, Romania để thua dễ dàng 2-4 trước một đối thủ không quá mạnh như Hy Lạp chính là minh chứng rõ nhất cho sự yếu kém của phần còn lại của bảng D.
Ngay cả Hà Lan hiện nay cũng không thực sự mạnh như 4 năm về trước. Ở Brazil 2014, về cơ bản HLV van Gaal vẫn phải trông cậy chủ yếu vào các cựu binh như Robben, Sneijder và van Persie. Tam tấu này vẫn sẽ là những người chịu trách nhiệm gánh vác sức mạnh tấn công của cơn lốc màu da cam, dù cả 3 đều đã bước sang tuổi băm (30 tuổi) và chỉ có Robben là thực sự đạt phong độ cao ở mùa bóng này trong màu áo CLB.
Càng đáng báo động khi ở những vị trí còn lại bóng đá Hà Lan cũng chưa thể trình làng được những gương mặt thực sự xứng tầm thay thế những người đàn anh. Việc lão tướng Dirk Kuyt vẫn được triệu tập để nhiều khả năng đá hậu vệ cánh phải (trong sơ đồ 5-3-2 của van Gaal) có thể coi là dấu hiệu cho thấy sự khủng hoảng nhân sự của bóng đá Hà Lan.
Trên thực tế, ngoại trừ Kevin Strootman (và phần nào là van Ginkel) đã chứng minh được tài năng ở những đội bóng lớn thì những cái tên còn lại đều thuộc dạng tầm tầm hoặc cần thêm thời gian để phát triển. Nhưng đáng tiếc là cả Strootman lẫn Ginkel đều lỗi hẹn với World Cup lần này do chấn thương.
Việc HLV van Gaal phải cuống cuồng từ bỏ sơ đồ 4-3-3 truyền thống của người Hà Lan để thử nghiệm chiến thuật 5-3-2 với biến thể 3-5-2 ngay trước thềm World Cup nhằm bổ sung sự chắc chắn cho tuyến dưới có lẽ cũng là chuyện chẳng đặng đừng, hòng ứng phó với hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Tại World Cup 2010, Hà Lan đã thành công (về mặt thành tích) khi chấp nhận khoác lên mình bộ mặt xấu xí. Còn lần này, đừng ngạc nhiên nếu họ thất bại, thậm chí là thảm hại. Khi mà, vụ đụng chân tay ngay trên sân tập giữa Robben và Martins-Indi mới đây thực sự là hồi chuông báo động cho sự căng thẳng và bất ổn nơi nội bộ ĐT Hà Lan.
3 Hà Lan đã 3 lần giành ngôi á quân World Cup, vào các năm 1974, 1978, và 2010. 27 Hà Lan đã chơi 27 trận ở vòng bảng World Cup với thành tích là 16 chiến thắng, 9 trận hòa và chỉ thua 2 lần. 51,2 Tỷ lệ giành chiến thắng của Hà Lan ở World Cup là 51,2% |
Đức Phan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất