Liên hoan phim Cannes và 'cơn cuồng si' điện ảnh Mexico

11/05/2015 19:00 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - LHP Cannes dành sự quan tâm tới nền điện ảnh Mexico từ năm 1946. Nhiều năm trở lại đây tình cảm ấy sâu đậm hơn khi nhiều giải thưởng của liên hoan phim đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp của các đạo diễn Mexico.

Cách đây 69 năm, Maria Candelaria, câu chuyện tình trên màn bạc của đạo diễn Emilio Fernandez đã đoạt giải Grand Prix tại LHP Cannes lần đầu tiên. Năm 1960, nhà làm phim huyền thoại Luis Bunuel đã giành giải Đặc biệt tại LHP Cannes với phim The Young One, được dàn dựng dựa theo truyện ngắn của nhà văn kiêm cựu điệp viên tình báo Mỹ Peter Matthiessen.

Phim Mexico liên tục đoạt giải

Năm 2000, tới lượt nhà làm phim Alejandro Gonzalez Inarritu gây tiếng vang với bộ phim chính kịch được nhiều lời ca ngợi, Amores Perros. Năm 2006, Inarritu trở lại LHP Cannes và nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim chính kịch Babel (Tháp Babel).

Nền điện ảnh Mexico đã chứng tỏ sức mạnh tại LHP Cannes tổ chức vào 2 năm 2012, 2013, khi các nhà làm phim Carlos Reygadas và Amat Escalante liên tục đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với Post Tenebras Lux và Heli.


Guillermo del Toro, đạo diễn Mexico có chân trong ban giám khảo LHP Cannes năm nay

Phim của Reygadas và Escalante là những cái nhìn hết sức chân thực vào tình trạng bạo lực đang hoành hành trên quê hương họ. Giải thưởng của 2 đạo diễn này càng đã củng cố thêm mối quan hệ nồng ấm giữa LHP Cannes và các nhà làm phim Mexico.

Sau khi Inarritu đoạt giải Phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar năm nay với Birdman, các nhà làm phim Mexico dường như lại được tiếp cảm hứng làm việc. Đó là chưa kể tới việc đạo diễn đồng hương với ông là Alfonso Cuaron đã mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Gravity tại lễ trao giải Oscar hồi năm ngoái.

Tại LHP Cannes năm nay, diễn ra từ ngày 13 - 24/5, nền điện ảnh Mexico sẽ lại gây chú ý khi đạo diễn Guillermo del Toro ( nổi tiếng với phim ăn khách Hellboy) có chân trong ban giám khảo chấm giải Cành cọ Vàng. Cùng thời điểm, phim Chronic của đạo diễn Michel Franco được chọn tham gia tranh giải Cành cọ Vàng.

Giải thưởng thúc đẩy sự nghiệp

Không ai phủ nhận việc LHP Cannes đã rất "chịu khó" tôn vinh điện ảnh Mexico. Nhưng liệu LHP có phải là bệ phóng cần phải có để các đạo diễn của nước này vươn lên tầm nổi tiếng thế giới?

Với những người như đạo diễn Reygadas, câu trả lời là không. Ông chẳng tin “hiệu ứng Cannes” có thể thúc đẩy sự nghiệp của nhà làm phim nào đó. “Thành thực mà nói, các giải thưởng chẳng hề tạo dựng sự nghiệp cho bạn, cũng chẳng đẩy lui hay đẩy lên phía trước. Đó chỉ là sự ghi nhận” – Reygadas phát biểu thẳng thắn khi lên nhận giải tại Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Cannes hồi năm 2012.   

Trong khi đó, nhà làm phim Escalante (36 tuổi) lại có cách nhìn nhận khác, kể từ khi anh đoạt giải. Escalante phải mất 1 năm mới có thể bắt tay làm phim Heli, bởi anh không thể xoay được tiền để làm một bộ phim bàn về nạn bạo lực ma túy ở Mexico.

Nhưng sau khi phim đoạt giải tại LHP Cannes, anh không gặp khó khăn mấy trong việc huy động hơn 1 triệu USD vốn đầu tư làm phim La Region Salvaje, kể về sự lừa dối trong tình yêu. Không những thế, Escalante còn nhận được nhiều lời mời làm phim ngắn, clip quảng cáo cho các loại nước uống và đạo diễn phim nhựa hoặc truyền hình từ Mỹ.

Diego Quemada-Diez, đạo diễn phim chính kịch La Jaula de Oro, từng đoạt giải dành cho các tài năng mới tại LHP Cannes năm 2013, cho biết anh đã nhận thêm vốn đầu tư cho dự án điện ảnh này sau khi nó được đưa vào hạng mục tranh giải của LHP. “Bộ phim không thể hoàn tất hoạt động dàn dựng được nếu như không có sự hỗ trợ của LHP Cannes” - Quemada-Diez (46 tuổi), cho biết.

Không được đề cao ở quê nhà

Điều trớ trêu là trong khi các nhà làm phim Mexico đang giành được nhiều lời ca ngợi từ giới phê bình nước ngoài, thì các bộ phim của họ lại không được đề cao ở thị trường nội địa.

Có những phim phải mất một thời gian mới được ra rạp. Có phim chỉ được chiếu ở một lượng rạp nhất định. Ví dụ như công chúng Mexico đã phải đợi cả năm để được xem phim La Jaula De Oro tại các rạp chiếu nội địa, trong khi phim Heli chỉ được trình chiếu ở 30 rạp.

Được coi là có cách suy nghĩ cấp tiến và độc lập hơn các nhà làm phim như Cuaron hay Inarritu, thế hệ làm phim trẻ hơn ở Mexico lại phải  đối diện với những sự kỳ vọng lớn hơn, nhằm xứng đáng với thành công của họ tại LHP Cannes.

“Đoạt giải tại LHP Cannes có nghĩa ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Nhưng giải thưởng không phải là thứ có thể đảm bảo bạn sẽ thể trở lại LHP Cannes” - Quemada-Diez chia sẻ.

Việt Lâm (theo AFP) 
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm