Lễ hội Nghinh Ông 2017: Điều ít biết về huyền tích cá Ông tại cồn Bửng

03/02/2017 22:53 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) -Ngày 10/2 (14/1 âm lịch)  tới, lễ hội Nghinh Ông tại cồn Bửng (xã Thanh Hải, Thạnh Phú, Bến Tre) sẽ tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Kèm theo đó, một khu Lăng Ông đặc biệt để thờ 2 “ông cá voi” cũng được khởi công.

1. Ít người biết, với những người dân chài xứ Dừa,  huyền tích về việc được “ông cá voi” cứu sống một cách kỳ diệu đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và nếp nghĩ của họ.

Nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 80km, cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú  là một cồn cát, rộng hơn trăm hécta, với khoảng 1000 ngàn hộ sinh sống. Đây là vùng đất nghèo nhất xã, nhưng lại vô cùng phong phú ở những câu chuyện về các các Ông khồng lồ - những vị thần biển cả, nâng đỡ, bảo bọc cuộc sống người dân nơi đây suốt hàng trăm năm qua. Hỏi bất kỳ ai, từ người già đến con trẻ, người dân  xứ Cồn Bửng đều có thể kể vanh vách về nghi lễ Nghinh Ông của họ.

Trong niềm tin linh thiêng của người dân, Đức ông  cá voi là vị thần đã giúp cho họ trở về nhà an toàn từ những chuyến lênh đênh khơi xa, mưa thuận gió hòa, cho một mùa mưu sinh trên biển bớt nhọc nhằn, chở nặng tôm cá. Và hàng năm, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của loài cá voi – vị thần “Đại tướng quân Nam Hải” đã không ít lần cứu giúp dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn.

Một trong những nhân chứng từng được các Ông cứu nạn vẫn còn sống. Được những người coi giữ khu Di tích Lăng Ông chỉ dẫn, người viết trực tiếp tới gặp bà  Đoàn Thị Xê, (xã Thạnh Hải).

66 tuổi, làm nghề chài lưới, bà Út Xê từng hút chết ngoài biển vào năm 1973, khi mới ngoài 20 tuổi. Khi ấy, Út Xê theo ghe 7 lá đi thu nghêu ngoài cửa biển. Ghe hỏng máy và bị lật, 2 người đi cùng chết mất xác. Bà Xê may mắn bám vào mảnh gỗ bung từ ghe. Kiệt sức, bà lẩm nhẩm cầu cứu cá Thần.


Bà Xê, người được Cá Ông cứu sống cách đây hơn 40 năm

“Lúc ấy, tôi lịm đi. Tự dưng thấy nước dâng ào ào, rồi có thứ gì mềm mềm, ấm ấm áp sát và đẩy mình trượt đi trên mặt nước. Nửa tỉnh nửa mê, cứ vậy tôi trôi đi, rồi lờ mờ thấy mình văng lên bờ” – bà Xê kể. “Tỉnh lại,tôi gặp chồng, người cũng đang thành tâm khấn Đức ông Cá Voi cứu giúp trong hành trình đi tìm vợ”.

2. Năm 2004, vào tháng 1, một cá Ông dài khoảng 20m, nặng trên 50 tấn, đã “lụy” (cách gọi thành kính của người dân khi Ông qua đời) và trôi dạt vào bờ biển cồn Bửng. Hai tháng sau, vào tháng 4,  một cá Ông  cũng và “lụy” dạt vào cồn Bửng, nằm ở vị trí chỉ cách cá Ông trước khoảng 300m. Cá Ông thứ hai này dài 25m và nặng hơn cá ông trước rất nhiều.

“Cả 2 lần, chúng tôi và người dân địa phương đều ra thắp hương. Không hiểu, trong 2 ông, có ông nào từng cứu tôi năm xưa không?” – bà Xê bùi ngùi kể lại. “Nhưng các ông dạt vào bờ gần như cùng một chỗ như vậy là rất thiêng. Ở nhiều huyện khác, các ông lụy ngoài khơi, người dân phải đưa thuyền ra rước về.”


Bên trong đền thờ Cá Ông tại cồn Bửng

Theo lời bà Xê, người dân địa phương và nhiều người làm nghề khai thác, đánh bắt thủy sản ở nơi khác đã quy tụ về Thạnh Hải trong dịp ấy. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, một ngôi đền thờ cá Ông đã được dựng lên vào tháng 4/2004 để thờ cúng cá Ông. Tại miếu, hiện còn lưu lại 2 bộ xương có chiều dài 20 và 25 mét.

 Trước đó, từ bao đời lễ hội Nghinh Ông vào ngày rằm tháng Giêng vẫn  được người dân quan tâm và tôn quý không kém Tết cổ truyền. Và cũng bởi vậy, hàng năm, cứ vào ngày lễ hội Nghinh Ông, hàng ngàn lượt du khách lại đến với  cồn Bửng để tham dự ngày hội đặc sắc ấy.


Bộ xương cá Ông tại miếu thờ cồn Bửng

Và vào ngày 10/2 tới, trong dịp khai mạc lễ hội Nghinh Ông 2017, một công trình có tên Lăng Ông – Miếu Bà cũng sẽ được khởi dựng.

Đây là dự án có quy mô rất lớn, với trị giá 30 tỷ đồng  trên diện tích 2600 mét vuông, đủ sức chưa từ 25.000 khách du lịch trở lên với các hạng mục Nhà chính (tiền sảnh, điện thờ, khu chứa cốt) và hệ thống công trình phụ.

Rõ ràng, đây là một tin vui với đông đảo người dân ở xứ Cồn Bừng , khi họ có một Lăng Ông khang trang để tưởng nhớ công ơn của loài cá được tôn vinh là vị thần của dân chài nơi  biển cả.

Không chỉ vậy, nơi đây hẳn cũng sẽ là một địa chỉ để đông đảo du khách thập phương có dịp được đến để chiêm bái giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt ở vùng đất này…

Bài và ảnh: Chu Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm