11/06/2018 12:53 GMT+7
(lienminhbng.org) - Theo thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm, vào tháng 9 tới, 6 vòm cầu cổ trên đoạn phố dài khoảng 100 mét nối từ Hàng Giấy tới Hàng Cót, sẽ được thí điểm đục thông.
Cần nhắc lại, vào giữa năm 2017, ý tưởng đục thông chuỗi vòm cầu kéo dài hơn 1km từ Phùng Hưng tới ga Long Biên đã được dư luận đón nhận với rất nhiều kỳ vọng.
Như những gì từng đề xuất, không gian được được giải phóng ấy sẽ được sử dụng làm phố đi bộ, quầy lưu niệm, không gian nghệ thuật, quầy bán hoa tươi…để mang lại một màu sắc mới cho những vòm cầu xưa cũ.
Bởi vậy, ở thời điểm này, những người mong đợi sự xuất hiện của “phố Gầm Cầu Hà Nội” hẳn sẽ có chút sốt ruột, khi mà chỉ có 6/127 vòm cầu cổ được đục thông.
Nhưng, như những ý kiến đóng góp trong gần một năm qua, việc tái tạo không gian của những vòm cầu này không đơn giản.
127 vòm cầu nằm ở một vị trí khá đặc biệt: là nơi giao thoa giữa không gian của khu phố Pháp (khu vực phố Lý Nam Đế, Phùng Hưng) và khu phố cổ Hà Nội, với trung tâm là chợ Đồng Xuân. Bởi thế, như một tất yếu, toàn bộ không gian của khu đất vàng này đã bị khai thác tối đa.
Đơn cử, tại đoạn phố sắp được thí điểm đục thông 6 vòm cầu, không gian hẹp sát các trụ đá đã bị rất nhiều quán lòng nướng chiếm dụng vào buổi tối. Ở đoạn phía trên, đi sát chợ Đồng Xuân, khu vực này cũng san sát các ki ốt buôn bán được những hộ kinh doanh dựng nên.
Việc đục thông vòm cầu sẽ không hề có ý nghĩa, nếu thiếu sự kết nối với không gian bên cạnh nó. Thực tế, ngoài diện tích7.000m2 được tạo ra khi “giải phóng” 127 vòm cầu, Hà Nội cũng đã tính tới việc chỉnh trang lại các hành lang không gian xung quanh, để tạo ra tổng thể 36.000m2 cảnh quan cho phố đi bộ. Có nghĩa, bài toán để vừa quy hoạch lại, vừa đảm bảo điều kiện kinh doanh- như nguyện vọng đã được các hộ dân tại đây nhắc đến - sẽ phải đặt ra.
Ở góc độ thiết kế, việc lựa chọn hình dạng, màu sắc và chất liệu cho những gian hàng đặt tại các vòm cầu cũng được nhắc tới. Trao đổi với người viết, một số KTS cho rằng: những gian hàng này cần được thiết kế bằng vật liệu nhẹ, có thể di dời một cách cơ động khi cần, nhưng lại cũng cần có bề ngoài phù hợp với tông màu xưa cũ của lớp đá lát tại các trụ cầu.
Đặc biệt, đã rất nhiều người lo ngại về vấn đề quản lý trật tự, cũng như giữ vệ sinh tại đây. Trong quá khứ, chính việc những tệ nạn xã hội xuất hiện vào ban đêm tại những vòm cầu đã khiến Hà Nội phải xây bít không gian này lại. Đặc biệt, nằm bên dưới tuyến đường sắt, lượng rác thải từ vài chục chuyến tàu qua lại trong ngày xuống không gian phía dưới cũng là một nguy cơ…
Bởi thế, nhiều ý kiến đã đề nghị: việc giữ trật tự và vệ sinh tại đây cần được thực hiện một cách bền vững và lâu dài. Thay vì trông chờ vào kinh phí nhà nước, nó cần sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, cụ thể là tiền cho thuê các gian hàng dưới vòm cầu.
***
Hà Nội cho đến thời điểm này đã có khá nhiều phố đi bộ được tổ chức. Có những trường hợp thành công và có cả những trường hợp mà ở đó, sự thiếu hợp lý trong cách tiếp cận đã khiến những không gian này chưa thể trở thành một điểm nhấn văn hóa như ý tưởng ban đầu.
Câu chuyện về “phố Gầm Cầu” cũng vậy. Những vòm cầu được xây dựng từ trăm năm trước là một di sản đặc biệt của thành phố. Và di sản ấy cần được khai thác đúng cách để nó thật sự “sống lại”, thay vì trở thành một phố đi bộ vô hồn và không thu hút được cộng đồng.
Việc đục thông 6 vòm cầu mới chỉ là bước đi đầu tiên của lộ trình thiết lập “phố Gầm Cầu” Hà Nội.Và, dù sốt ruột, nhưng chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất