11/08/2020 19:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa diễn ra, đề thi môn văn dành cho các sĩ tử lớp 12 đã nhận được sự chú ý không chỉ của người trong cuộc mà mở ra tới toàn bộ xã hội. Điều ấy cho thấy: Trong một chừng mực, môn Văn học trên ghế nhà trường vẫn là một đề tài có sức hút.
1. Và, sau vài mùa đã phát sóng, chương trình Văn vui vẻ - gameshow đầu tiên từng có về môn văn - đã trở lại vào hôm nay 11/8, với format mới. Chương trình sẽ được phát sóng vào 10h30 thứ Ba mỗi tuần trên VTV7.
Tập trung vào các đề tài gắn với môn ngữ văn học ở các lớp THCS cuối cấp và bậc THPT, chương trình có sự tươi mới của một cách tiếp cận tác phẩm thú vị. Sự hấp dẫn trước tiên từ chính gợi ý của các tiểu phẩm theo lối “mix & match” - trộn 2 tác phẩm khác nhau nhưng tương đồng về chất liệu hoặc có chung một chủ đề đem ra thảo luận giữa các “nhà phê bình” trẻ.
Theo như những gì được người viết chứng kiến tại buổi ghi hình, Văn vui vẻ là gameshow giúp các em học sinh học và ôn luyện môn văn dưới hình thức một giờ ngoại khóa của một lớp học. Ở lớp học này người dẫn chương trình (MC) sẽ đóng vai trò lớp trưởng tự quản và dẫn dắt 2 nhóm bạn cùng vượt qua các thử thách là các câu hỏi lý thú. Mỗi học sinh sẽ đóng vai trò là những chiến binh với nhiệm vụ chinh phục các thử thách kiến thức của môn văn học.
Trong quá trình diễn ra, chương trình có nhiều ưu điểm bất ngờ đối với người xem. Thứ nhất là chương trình mở rộng cửa cho các em học sinh đăng ký theo đội tự do, không bị lệ thuộc vào việc tuyển chọn “gà nòi” màu cờ sắc áo, mà dành chỗ cho sự yêu thích môn văn cũng như các tác phẩm được dạy trong nhà trường. Việc linh hoạt trong việc đăng ký cũng như không gây áp lực chấm điểm thi giữa các đội khiến cho gameshow có tính chất một cuộc chơi thoải mái, các thành viên có thể phát huy tối đa cá tính văn chương của mình.
Thứ 2, sự sáng tạo khi chương trình tìm cách nêu những vấn đề cùng gặp ở các tác phẩm khác nhau, có khi cùng niên đại (ví dụ cùng là văn học giai đoạn 1930-1945 hay văn học trung đại), có khi lại rất xa nhau về thể loại nhưng tương đồng về tình huống hay chủ đề (như câu chuyện trao duyên giữa chị em Thúy Kiều và câu chuyện TấmCám, cùng là tình huống 2 chị em đứng trước cuộc hôn nhân với 1 người là Kim Trọng/hoàng tử ở tập 2 của chương trình).
Thứ 3, chương trình khá cởi mở khi cho các em học sinh được bày tỏ ý kiến và tương tác với nhau, điều mà trên khuôn khổ giờ học chính khóa không làm được. Nhiều sự sáng tạo của các em tỏ ra có phẩm chất thẩm bình ngôn ngữ sâu sắc và hóa thân vào tác phẩm văn học khá tốt.
2. Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Minh, người chịu trách nhiệm nội dung và sản xuất gameshow của VTV7 cho biết: “Khó nhất đối với những người làm chương trình này là làm cho văn “vui” mà vẫn có chất văn, có những điểm nhấn để tạo chiều sâu, gợi suy nghĩ trong bạn trẻ. Về mặt sản xuất, chương trình nhận được kinh phí tối ưu nhất trong barem của Đài, hiện chưa kêu gọi quảng cáo vì đang muốn tập trung làm tốt nội dung. Không chỉ clip tự chương trình dàn dựng với diễn viên chính là các phóng viên, biên tập viên, mà rất nhiều đạo cụ do ê-kíp tự làm một cách thủ công. Bản thân những nhân sự tham gia đều trẻ và say mê chương trình, muốn đem lại cảm nhận khác về học văn. Nhiều giáo viên đưa học sinh đến tham gia ghi hình, các thầy cô thích quá, muốn xin bộ câu hỏi kịch bản để tham khảo cho giờ dạy”.
Nhìn vào danh sách các trường có học sinh tham dự, có thể thấy đa dạng từ các trường chuyên như chuyên ngoại ngữ của Đại học Quốc gia đến các trường vùng nông thôn như Quốc Oai (ngoại thành Hà Nội), Tiên Lãng (ngoại thành Hải Phòng), và có cả sự góp mặt của các trường tư như TH School hay Wellspring. Các học sinh mặc dù đa phần là nữ, song đáng chú ý ở một số đội có đông nam như TH School chiếm 2/3. Nhìn chung các em có một khả năng trình bày khá tốt, tư duy cân đối giữa bám sát văn bản và phát triển luận điểm.
Trong bối cảnh có quá ít chương trình về môn văn và cảm thụ văn học thì đây là một điểm sáng, nhất là ở dạng gameshow, hình thức lôi cuốn được sự chú ý rộng rãi. Đây cũng là một nỗ lực tạo ra một sản phẩm văn hóa phục vụ cho đối tượng học sinh một cách thực tế, cho thấy vẫn còn rất nhiều đất để thu hút các bạn trẻ quan tâm những đề tài tưởng chừng bị xem là khó hấp dẫn trong giờ học chính khóa.
Đề tài thú vị Một số chương trình phát sóng của Văn vui vẻ đưa ra đề tài khá thú vị, chẳng hạn: “Hãy tưởng tượng, khi 2 chị em Liên An (Hai đứa trẻ) háo hức đợi tàu. Có một vị khách bước xuống mua hàng. Đó là Xuân Tóc Đỏ. Biết vị khách từ Hà Nội đến, 2 chị em Liên An háo hức hỏi về Hà Nội. Xuân Tóc Đỏ nói rằng “Hà Nội không phải cái gì cũng đẹp, có những thứ xấu xí và đáng sợ nữa”. Sau đó Xuân Tóc Đỏ tạm biệt 2 chị em để lên tàu. Ngồi trên tàu, nghĩ đến 2 chị em, và đến những lời mình đã nói, Xuân Tóc Đỏ thấy hơi day dứt, liền viết cho 2 chị em Liên An một lá thư. Các bạn hãy viết lá thư đó”. |
Format mới “Văn vui vẻ” Đây là chương trình đã được phát sóng 5 mùa kể từ 2016, đối tượng gồm cả bậc THCS và THPT, thời lượng 30-45p mỗi số. Năm nay, hình thức có 2 phần: Phần 1: tiểu phẩm, là những chi tiết, các nhân vật có trong văn học Việt Nam được giảng dạy theo chương trình ngữ văn THPT. Tuy nhiên, các nhân vật, chi tiết này đã được mix&match với nhau một cách hài hước, dí dỏm. Cuối mỗi tiểu phẩm sẽ là một vấn đề, một câu hỏi có liên quan tới vấn đề xã hội được đặt ra yêu cầu các em học sinh phải đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm của mình. Phần 2: Tranh biện. Ở phần này, các đội chơi (mỗi đội gồm 3 thành viên) sẽ phải đưa ra những lý lẽ, luận điểm để bảo vệ quan điểm của đội mình. Phần tranh biện của các đội thi sẽ được dẫn dắt bởi MC đóng vai lớp trưởng và đánh giá bởi khách mời bình luận. |
Nguyễn Trương Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất