Chơi đào 'fake' ở Nhật Tân và sự ngơ ngẩn văn hóa Việt!

05/02/2016 11:03 GMT+7

(lienminhbng.org) - Vườn đào thật nằm khuất sau cả một rừng anh đào giả (fake), và những chiếc áo dài truyền thống cũng lép vế so với áo cổ truyền Hàn Quốc Hanbok, áo cổ truyền Nhật Bản Kimono, áo cổ truyền Trung Quốc Sườn Xám...

Đáng  nói, vườn anh đào giả đang được giới trẻ đổ về vận trang phục truyền thống nước ngoài để chụp ảnh cùng anh đào giả nằm ở vườn đào Nhật Tân nức tiếng trăm năm…

Chuyện từ một vườn hoa

Lắt léo đi sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Âu Cơ ven Hồ Tây, chúng tôi tới vườn hoa P.L ở làng đào Nhật Tân (Hà Nội). Vườn hoa rộng chừng hơn một ngàn mét vuông được trang hoàng tỉ mẩn để đáp ứng nhu cầu chụp ảnh ngày xuân của giới trẻ. Giá vé vào cửa 50 ngàn đồng, không quá đắt để có những khuôn hình lung linh “trưng” trên Facebook ngày Tết.

Cửa vào vườn hoa được trang hoàng chi chít hoa anh đào Nhật Bản giả, đèn lồng đỏ mang tạo hình Trung Quốc cùng tấm biển mời gọi: “Hoa anh đào Nhật Bản có tại vườn hoa P.L”. Tức là, chủ vườn hoa ở Nhật Tân chọn hoa anh đào Nhật Bản là ưu thế cạnh tranh, là điểm khác biệt để thu hút người trẻ so với những vườn hoa ở các khu vực khác.


Vườn đào Nhật Tân phô sắc cùng các Hanbok và Kimono

Lựa chọn này đã thành công. Vườn hoa chia làm 4 khu vực: Đầu tiên là con đường hoa anh đào Nhật giả trang trí đèn lồng đỏ dài hun hút. Đây là khu vực rộng nhất, lôi cuốn nhiều người trẻ tham gia chụp hình. Khu vực thứ hai là vườn hoa thược dược, cúc, bướm, violet… Những loại hoa thật này được xếp luống vuông vắn, hoa nở đều và cắt tỉa khá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, lượng khách chụp ảnh ở đây không thật đông.

Khu vực thứ ba ở xa hơn là khu vực hoa anh đào được kết thành những khối hình trái tim, hay bện quanh xích đu tỏa bóng xuống mặt nước nhỏ… Không ngạc nhiên khi những khung cảnh tái hiện những thước phim, video ca nhạc lãng mạn được người trẻ săn đón hơn cả. Từng tốp người phải xếp hàng để chụp cùng xích đu, tạo dáng trên thuyền nhỏ, quanh đài hoa anh đào giả bện hình trái tim…


Nhà vườn rất chu đáo trong việc quảng bá những món đồ cho thuê hợp thị hiếu giới trẻ

Khu vực thứ tư là một góc nhỏ, ở nơi xa nhất, nơi chủ vườn trồng hoa đào Nhật Tân. Chỉ còn hơn chục ngày tới Tết, đào đã bắt đầu nở. Những cánh đào bích Nhật Tân ướt đẫm sương lay lay trong gió Đông khiến lòng người thổn thức. Nhưng, khu vực này chỉ lác đác vài vị khách.

Trở lại bên trong, nơi có cái quầy cho thuê đồ, áo Kimono và Hanbok “cháy hàng”. Áo dài Việt còn cả đống chờ khách lựa chọn… 

Quảng bá văn hóa: Mặt trận bỏ ngỏ!

“Những hình ảnh tại vườn hoa Nhật Tân đã lột tả chân xác những gì đang diễn ra trong quá trình tiếp thu và quảng bá văn hóa hiện nay.”- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình chia sẻ - “Những người trẻ không đáng trách bởi họ đang vui chơi lành mạnh. Còn đơn vị kinh doanh đáp ứng thị hiếu, bài trí theo lựa chọn của thị trường cũng là lẽ thường. Song, những người nặng lòng với văn hóa đều cảm thấy ngậm ngùi khi chứng kiến cảnh anh đào giả Nhật Bản, đèn lồng đỏ Trung Quốc, Hanbok, Kimono được giới trẻ yêu thích ngay ở vườn đào Nhật Tân”.


Thiếu nữ Việt vận Hanbok Hàn Quốc, chụp ảnh bên anh đào Nhật Bản cùng đèn lồng đỏ Trung Quốc ở vườn hoa Nhật Tân

Chìa khóa của sự khác biệt là việc đầu tư vào văn hóa đại chúng (popular culture) của các quốc gia. “Văn hóa đại chúng của Việt Nam dường như là một “mặt trận” bỏ ngỏ. Trong khi, phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tràn vào Việt Nam với những sự lồng ghép đầy dụng ý về những sản phẩm văn hóa của các quốc gia này. Chúng ta bị động tiếp nhận mà không có định hướng thẩm mỹ rõ nét để tạo đề kháng văn hóa. Đồng thời, ta cũng không có bất cứ chiến lược quốc gia nào đáng kể nhằm quảng bá văn hóa Việt” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Cũng theo phân tích của chuyên gia này, đào Nhật Tân bị người trẻ thờ ơ do người trẻ có quá ít thông tin cũng như không được tiếp cận những sản phẩm văn hóa phụ trợ để cảm thấy rung cảm trước đào Nhật Tân. Trong khi đó, hoa anh đào Nhật Bản thì ngược lại. Những sự kiện Nhật không bao giờ thiếu hoa anh đào. Truyện tranh, hoạt hình, phim ảnh Nhật cũng luôn chú trọng tới hình ảnh hoa anh đào. Nét đẹp của hoa anh đào cũng được truyền tải khéo léo qua các sản phẩm nghệ thuật của Nhật Bản.


Những khung cảnh đẹp như trong phim ở khu vực thứ ba

Còn nhớ, trong cuộc tọa đàm về “làn sóng Hàn” (Hallyu - tên chiến lược phủ sóng văn hóa đại chúng của Hàn Quốc) cách đây 4 năm, người Hàn Quốc đã chỉ rõ: chiến lược Hallyu chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất với những bộ phim truyền hình tâm lý tình cảm; giai đoạn hai là K-pop và giai đoạn ba tập trung giới thiệu dòng phim điện ảnh Hàn Quốc. Hiện tại, Hallyu mới chỉ ở cuối bước 2, song ta đã thấy sức ép khủng khiếp của “làn sóng Hàn” tới thị hiếu người trẻ Việt từ câu chuyện vườn đào.


Lối vào vườn hoa được trang trí chi chít hoa anh đào Nhật Bản và đèn lồng đỏ Trung Quốc

Cũng trong buổi tọa đàm hôm đó, ông Kang Choel Keun, chủ tịch Hiệp hội Giao lưu, văn hóa quốc tế Hallyu cũng đã thức tỉnh người Việt: “Hallyu đã chuyển thành sức mạnh mềm khiến mọi người trên thế giới sẵn sàng đi theo. Hallyu được xây dựng với con đường đi làm hài lòng tất cả đối tượng, dựa trên truyền thống và các giá trị mới. Nếu chỉ có riêng truyền thống thì những người đến từ các nền văn hóa khác khó có thể cảm nhận được. Văn hóa phải thức thời để bắt kịp sự thay đổi của thời đại”.

Trong ánh nắng yếu ớt cuối Đông, nhìn những cánh đào Nhật Tân hé nụ bên những cành anh đào giả trắng toát, nghĩ về chữ “thức thời” trong văn hóa mà không khỏi chạnh lòng...

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm