Chơi gì ở 'Chợ Viềng năm có một phiên' vào đêm nay?

11/02/2019 17:36 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org)Trong dòng chảy của hội xuân,  Chợ Viềng - phiên chợ độc đáo nhất đồng bằng Bắc Bộ - sẽ khai mạc vào đêm nay 11/2. Đó là phiên chợ “mua may bán rủi”, ít tính thương mại nhưng lại đậm ý nghĩa cầu may theo quan niệm truyền thống.

 

Hàng vạn người đội mưa về chợ Viềng họp phiên 'mua may, bán rủi'

Hàng vạn người đội mưa về chợ Viềng họp phiên 'mua may, bán rủi'

Đã thành thông lệ, cứ vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Riêng hàng năm, phiên chợ một năm chỉ họp một lần duy nhất tại Nam Định lại tấp nập dòng người nô nức kéo về “mua may, bán rủi”.

Những tư liệu để lại cho phép đưa ra phỏng đoán: chợ Viêng nhiều khả năng xuất hiện từ đời nhà Trần. Theo thời gian, cộng cùng niềm tin của người dân địa phương, phiên chợ này vẫn được đều đặn tổ chức mỗi năm một lần vào đêm mùng 7, rạng ngày mùng 8 âm lịch. Người ta đến chợ Viềng để tham gia mua bán lấy may đầu xuân, đúng như câu ca dao Chợ Viềng năm có một phiên/Cái nón em đợi cũng tiền anh mua…

 

Chú thích ảnh
Chợ Viềng - phiên chợ cả năm chỉ mở một lần. Ảnh: TL

Chính bởi ý nghĩa tâm linh ấy nên hầu như mọi hoạt động trong chợ đều diễn ra theo kiểu “nói sao, mua vậy”. Nghĩa là, người bán không cần nói thách và người mua cũng chẳng phải mặc cả, bởi tương truyền nếu còn chút gì đó “băn khoăn” về giá cả thì sẽ làm mất hết lòng thành kính và sự tôn nghiêm ý nghĩa của chợ Viềng.

Để rồi, dần theo thời gian, chợ Viềng không còn là nơi chỉ dành riêng cho người dân vùng Nam Định, mà phục vụ nhu cầu “mua may bán rủi” của khách thập phương từ khắp các tỉnh Bắc Bộ. Và cũng với thời gian, từ 4 điểm “chợ Viềng” ở Nam Định, du khách thường chú tâm tìm đến 2 phiên chợ chính:Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản (là chợ đã nổi tiếng trong sử sách, thi ca) và Viềng Chợ tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực.

Chú thích ảnh
Mặt hàng phổ biến ở đây là thịt bê,với quan niệm màu đỏ của thịt sẽ mang lại may mắn.
Ảnh: TL

Khá thú vị, cả hai chợ Viềng đều gắn với những di tích lịch sử, tâm linh đặc trưng cho nét văn hóa của người Việt cổ cách đây mấy trăm năm: nếu Viềng Phủ nằm cạnh quần thể di tích Phủ Dầy với hơn hai mươi di tích lớn nhỏ thờ mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” của Việt Nam – thì Viềng Chợ rất gần với những di tích gắn liền với nghi lễ thờ Từ Đạo Hạnh tại chùa Bi và thờ Nguyễn Minh Không tại chùa Cổ Lễ. Đó cũng là lý do, qua hàng trăm năm lịch sử, hai chợ Viềng này vẫn được gìn giữ - khi du khách thường kết hợp tới đây thăm chợ và hệ thống di tích liền kề.

Trong Xuân 2019 này, được biết tỉnh Nam Định đã lên kế hoạch tổ chức chợ Viềng ở 2 địa điểm trên. Theo đó, địa điểm họp chợ Viềng xuân 2019 của huyện Vụ Bản từ thị trấn Gôi, xã Kim Thái đến xã Trung Thành (trong đó trung tâm là khu vực quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy ở xã Kim Thái).Còn địa điểm họp chợ Viềng xuân của huyện Nam Trực tại sân vận động chùa Đại Bi, Thị trấn Nam Giang.

Theo kinh nghiệm của du khách những năm qua, việc đi chợ Viềng khá đơn giản, khi đường cao tốc Pháp Vân và quốc lộ 21 B mới đã rút ngắn thời gian từ Hà Nội tới các địa điểm trên xuống còn khoảng 90 phút đồng hồ. Từ chập tối, du khách có thể từ Hà Nội xuống đây để chơi chợ và trở về trong đêm, thay vì phải tìm nhà trọ ngủ qua đêm như trước.

Chú thích ảnh
Ngoài ra, du khách cũng có thể mua rất nhiều mặt hàng khác nhau: từ đồ sành sứ tới đồ thờ và các vật dụng hàng ngày

Cũng theo chia sẻ của những người từng đi chơi chợ Viềng, các mặt hàng hiện tại ở đây rất đa dạng – trong đó nhiều nhất là thịt bê thui và thịt dê. Ngoài ra, chợ Viềng cũng là nơi bày bán từ đôi quang gánh, chiếc thúng, chiếc mủng, đơm, đó, giỏ cua cá hay chiếc đòn gánh, liềm, cuốc xẻng hoặc những sản phẩm dùng cho cuộc sống hàng ngày như quần áo, thực phẩm, sách vở, đồ chơi trẻ em… cùng trăm ngàn vật dụng khác như cây cảnh, bát ăn, kéo cắt gà. Bởi thế, mỗi du khách đều có thể lựa chọn cho mình một vài món đồ phù hợp để mua “lấy may” nhân dịp tới chợ Viềng.

Sơn Tùng

(Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm