28/03/2020 09:21 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tranh cổ động luôn là công cụ truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Tranh cổ động luôn đồng hành cùng nhân dân cả nước trong các hoạt động chính trị, văn hóa, thương mại, đặc biệt là trong những sự kiện thời sự nỏng bỏng.
103 tranh cổ động phòng, chống dịch COVID-19
Dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, yêu cầu sự tuyên truyền sâu rộng để cộng đồng cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình đó, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi thư mời các họa sỹ có kinh nghiệm tham gia sáng tác tranh cổ động có nội dung tuyên truyền để phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát, thời gian từ ngày 10 đến 15/3/2020.
Cuộc vận động nhanh chóng được các họa sỹ hưởng ứng tham gia. Chỉ trong vòng 5 ngày phát động, đã có 103 tranh cổ động về phòng, chống dịch COVID-19 của 23 họa sỹ gửi về Cục Văn hóa cơ sở, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác. Các tác phẩm được các họa sỹ thể hiện những thông điệp ngắn gọn, rõ ràng, dễ thuộc, dễ nhớ kèm theo tạo hình ấn tượng đã tác động mạnh đến người xem.
Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 14 tranh có chất lượng để tuyên truyền. Cục Văn hóa cơ sở tổ chức ấn hành 4 mẫu tranh; 1.000 đĩa tranh cổ động tuyên truyền gửi về các tỉnh, thành phố, quận huyện trong cả nước, đặc biệt gửi về các xã, phường của các trung tâm đô thị lớn, là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để tuyên truyền tại cơ sở, với mong muốn chung tay, góp phần đẩy lùi đại dịch.
Trong đợt vận động lần này, họa sỹ Đỗ Trung Kiên (Hà Nội) đã đóng góp hàng chục bức tranh cổ động với nhiều phong cách, hình thức thể hiện khác nhau. Họa sỹ Đỗ Trung Kiên cho biết, khi nhận lời mời tham gia cuộc vận động, tuy thời gian rất gấp, nhưng với tinh thần cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, là một người họa sỹ, ông muốn thông qua tác phẩm của mình tuyên truyền giúp người dân nhận thức tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch, để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng, tránh để dịch bùng phát.
"Tôi rất vui khi được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình, tham gia cuộc thi và sáng tác những bức tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19, góp phần chuyển tải những thông điệp tuyên truyền đến công chúng, với mong muốn cả xã hội sẽ cùng chung tay, đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh", họa sỹ Đỗ Trung Kiên chia sẻ.
Họa sỹ Lưu Yên Thế cũng tham gia cuộc sáng tác tranh cổ động lần này với tinh thần, trách nhiệm cao nhất của một công dân, một họa sỹ trước vấn đề thời sự toàn cầu. Họa sỹ Lưu Yên Thế chia sẻ, ông tham gia cuộc vận động sáng tác tranh cổ động với tinh thần trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo của họa sỹ, dồn hết tâm sức để có thể cho ra đời những tác phẩm tranh cổ động có tiếng nói thuyết phục nhất đối với người dân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Vũ khí trên mặt trận tinh thần
Tranh cổ động là một trong những loại hình của mỹ thuật ứng dụng, mang tính khái quát cao với những yêu cầu phương châm kịp thời, dễ hiểu, lối biểu đạt rõ ràng, thuyết phục. Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, tranh cổ động là một loại hình mỹ thuật non trẻ, nhưng đã trưởng thành nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ cách mạng.
Cùng với báo chí và truyền đơn, các bức tranh cổ động với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng cùng với các khẩu hiệu, chú thích dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc…, đã trở thành công cụ truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, trở thành những vũ khí sắc bén, xung kích, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, hành động của đông đảo quần chúng nhân dân, truyền đạt và cổ vũ quần chúng nhân dân hoàn thành nhiệm vụ.
Tại Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, tranh cổ động Việt Nam xuất hiện từ những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, sau đó đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi đến thời kỳ đổi mới… Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong bão táp cách mạng của thế hệ họa sỹ yêu nước, tiêu biểu là: Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị… Sau này có các họa sỹ Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Bích, Trường Sinh, Trần Mai, Trần Gia Bích, Nguyễn Thụ, Phạm Lung...
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, tranh cổ động Việt Nam luôn xuất hiện và có tiếng nói trong những thời điểm xã hội, đất nước Việt Nam cần tiếng nói ấy. Kể từ cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ, cho đến thời kỳ đổi mới trong những năm gần đây, mỗi khi có những sự kiện lịch sử lớn lao của đất nước, của dân tộc, mỗi khi cần tiếng nói để huy động sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân, các họa sỹ tranh cổ động của Việt Nam đều hiện diện, thể hiện trách nhiệm, sứ mệnh lớn lao của họa sỹ đối với đất nước.
Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, hiện nay, tuy các phương tiện truyền thông phát triển mạnh nhưng loại hình tranh cổ động chưa bao giờ cũ, nó vẫn là một loại hình nghệ thuật đồng hành cùng các hoạt động, các chiến dịch tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Với ưu thế là có thể sáng tác nhanh trong một thời gian ngắn, với ngôn ngữ tạo hình ấn tượng, những khẩu hiệu cô đọng, xúc tích có tính biểu tượng, tính cổ động, cổ vũ cao…, tranh cổ động luôn vào cuộc nhanh chóng và có tiếng nói kịp thời trong việc động viên tinh thần cũng như kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp sức. Những hình ảnh, khẩu hiệu trong tranh cổ động khi được sử dụng để tuyên truyền có thể làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người.
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết, Hội Mỹ thuật Việt Nam luôn ủng hộ, khuyến khích các nghệ sỹ có những sáng tác cổ động, tuyên truyền trong những sự kiện thời sự, lịch sử quan trọng của đất nước. "Với tinh thần và trách nhiệm của người nghệ sỹ, khi đất nước cần, anh em nghệ sỹ sẵn sàng tham gia, vào cuộc với trách nhiệm cao nhất để chung tay với cộng đồng, với xã hội", họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.
Phương Lan/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất