Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM: 'Đề án bóng đá học đường sẽ thành công'

03/11/2013 09:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Màn trình diễn thuyết phục của các đội bóng Sinh viên Hàn Quốc trong những giải đấu giao hữu tại Việt Nam mấy năm gần đây, mà mới nhất là BTV Cup 2013 đang diễn ra ở Bình Dương, đã khiến người ta nhận ra rằng lâu nay bóng đá Việt Nam chưa tận dụng được nguồn lực rất tiềm năng từ bóng đá học đường.

Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tú, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF), về dự án bóng đá học đường do HFF đang triển khai. Theo ông Tú, công việc “trồng người” cho tương lai bóng đá TP.HCM không to tát như những gì người ngoài nhìn vào phán xét, nhưng cũng không dễ thành công trong tương lai gần.

* Xin chào ông, xin ông cho biết về dự án bóng đá học đường mà HFF đang thực hiện đã thu được những kết quả nào trong thời gian gần đây?

- Chúng tôi đã tổ chức được nhiều giải đấu cho các em học sinh Tiểu học, Trung học trên địa bàn TP.HCM, tạo ra một sân chơi cho các em thi tài. Những giải đấu sẽ là cơ hội cho các em thể hiện bản thân, gieo cho các em một niềm đam mê chơi bóng và nhờ thế, chúng tôi sẽ phát hiện được những tài năng mầm non cung cấp cho tương lai.

Trong thời gian này, chúng tôi sẽ làm việc với Hiệu trưởng các trường Tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Phải nói rõ lợi ích thiết thực của bóng đá học đường đối với học sinh cho các thầy cô. Sau đó, các thầy cô mới truyền đạt lại cho học sinh của mình bằng những hành động thực tiễn.

 

Ngọc Thanh (phải) là cầu thủ hiếm hoi xuất thân từ bóng đá học đường mà từng được gọi vào ĐT Việt Nam. Ảnh: VSI

* Thể thao học đường là chuyện không mới đối với các quốc gia phát triển nhưng dường như ở Việt Nam, nó còn rất nhiều bất cập chưa thể giải quyết?

- Tôi đã trải nghiệm nhiều ở nước ngoài, chính sách của nhiều nước rất coi trọng thể thao học đường. Đó là lý do nhiều giải đấu được tổ chức ở các trường Đại học. Giải futsal vô địch Đông Nam Á vừa rồi cũng diễn ra tại trường Đại học Thonburi, Thủ đô Bangkok. Nhiều nước, sinh viên có năng khiếu thể thao thì được hưởng rất nhiều đặc cách.

Như trường hợp kỳ thủ Lê Quang Liêm, cậu ấy được một trường Đại học của Mỹ trao học bổng rước về học mà không cần thủ tục rườm rà. Việc Quang Liêm học ở trường Đại học đó khiến họ thêm tự hào. Thể thao học đường ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cũng sản sinh ra vô số nhân tài.

Nó khác hẳn với ở Việt Nam, chính sách của chúng ta chưa quan tâm đến việc phát triển thể thao trong học đường.

Với bóng đá học đường mà HFF đang mở rộng phong trào, nói thật chúng tôi được Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM bật đèn xanh để triển khai là mừng lắm rồi. Đó theo tôi sẽ là bước đột phá. Ban đầu, bóng đá sẽ chỉ là môn học tự chọn ngoài chính khóa, chưa bắt buộc với các học sinh.

* Kinh phí ở đâu để HFF đầu tư cho dự án này, thưa ông?

- Chúng tôi đã ký hợp đồng với một công ty chuyên nghiệp. Ý tưởng là của chúng tôi, còn họ sẽ thực hiện bán tài trợ để nuôi phong trào.

* Một trong những vấn đề lớn trong việc thực hiện đề án là vật chất. Dường như các trường ở TP.HCM không đủ điều kiện sân bãi để tạo điều kiện cho phong trào phát triển?

- Đây là một khác biệt thiệt thòi nữa của Việt Nam so với nhiều nước. Các quốc gia khác khi xây trường học, họ sẽ nghĩ đến việc phát triển thể chất cho học sinh, sinh viên. Và thế là cơ sở hạ tầng cho thể thao được xây dựng.

Việc các trường học của các nước khác có nhà thi đấu, sân bãi tập luyện đủ các môn thể thao là bình thường, còn ở Việt Nam là chuyện khác. Trước mắt chúng tôi chỉ lựa chọn những trường có sân thôi, những trường không có sân thì chúng tôi sẽ khuyến khích hợp tác với quận, huyện trên địa bàn đó mượn sân bãi cho các em có chỗ chơi. Chúng tôi không có kinh phí hỗ trợ xây dựng sân bãi cho các trường.

Khó khăn thì vô vàn, nếu giờ không làm thì không bao giờ làm được. Đây không phải là bánh vẽ của HFF, cũng không có gì để chúng tôi khoe mẽ. Cũng không có gì to tát để thiên hạ nhìn vào với ý nghĩ chuyện này là trọng đại.

* Ông hãy đánh giá một chút về hiệu quả ban đầu của đề án này với thực tiễn?

- Hiện nay, khi đến các trường học, chúng tôi nhận được nhiều ủng hộ. Họ cho biết trường không mất gì cả, lại còn được nhiều thứ. Tất nhiên không được tiền, nhưng được phong trào, có đơn vị chuyên nghiệp tổ chức ra sân chơi cho các em.

Nhiệm vụ mà làm bóng đá của địa phương là trách nhiệm của HFF. Chúng tôi không chạy theo thành tích cao như V-League. Mọi thành viên trong HFF có sự nhất trí cao và hào hứng với đề án này.

“Bóng đá học đường” gần như cả nước không nơi nào làm nhưng chúng tôi quyết tâm làm. Đây là bước khởi đầu, chúng tôi không đặt ra mục tiêu gì quá xa vời, xuất phát từ bước thấp nhất trở lên. Có thể trong 10-15 năm nữa, nếu đi đúng hướng, TP.HCM sẽ có nhiều nhân tài được cung cấp từ đề án này.

Tôi nghĩ trong hàng trăm em tham gia thì sẽ có vài em đi theo bóng đá, do được phát hiện năng khiếu từ nhỏ, các em sẽ được định hướng đào tạo. Phải gieo tình yêu bóng đá cho các em từ nhỏ thì mới hy vọng có được sản phẩm tốt trong tương lai.

Phong trào sẽ nuôi phong trào, trường này làm được thì trường khác cũng sẽ cố làm cho được. Tôi tin đề án này sẽ thành công trong tương lai.

* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi.

Việt Hòa (thực hiện
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm