Chống xâm hại tình dục trẻ nam - cần lấp khoảng trống pháp lý và nhận thức

18/12/2018 12:02 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Tại Việt Nam, Luật Trẻ em 2016 đã  tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần rất lớn trong việc thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em.

Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em: Đừng im lặng, hãy lên tiếng

Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em: Đừng im lặng, hãy lên tiếng

'Đừng im lặng, hãy lên tiếng' là thông điệp của buổi truyền thông 'Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em' do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Phòng Giáo dục thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An tổ chức.

Luật Trẻ em của Việt Nam dành hẳn một chương riêng (Chương IV) về bảo vệ trẻ em, quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em; cấp độ bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện; việc thành lập và hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em.

Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có quy định về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.  

Mặc dù vậy, ở nước ta tình trạng xâm hại tình dục trẻ em chưa giảm nhiều về tính chất cũng như số lượng. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Số lượng các vụ trẻ em nam bị xâm hại tình dục không được thống kê riêng. Mới đây nhất, ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã bị bắt tạm giam với cáo buộc xâm hại tình dục nhiều nam sinh trong một thời gian dài. Chiều 15/12, lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn, cho biết, công an huyện này đã ra quyết định khởi tố và bắt ông My để điều tra hành vi Dâm ô với người dưới 16 tuổi, theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015. Dư luận rất bức xúc vì sự việc diễn ra qua nhiều năm, với nhiều nam sinh là nạn nhân mà các giáo viên trong  trường “không thấy, không nghe” và không can thiệp.

Chú thích ảnh
Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn. Ảnh: dantri.com.vn

Còn tại Mỹ, theo số liệu của 1in6.org, tổ chức bảo vệ trẻ em nam bị xâm hại tình dục ở Mỹ, cứ sáu bé trai thì lại có một em là nạn nhân của xâm hại tình dục trước khi bước sang tuổi 18, với các bé gái tỷ lệ này là 1/4. Ở nhiều quốc gia khác có thể cũng có con số tương tự. Trong tháng 8/2018 một vụ tai tiếng lớn đã xảy ra với Tòa thánh Vatican vì bị cáo buộc bao che cho các vị linh mục phạm tội xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là trẻ em nam, tại các nhà thờ Công giáo trên đất Mỹ. Ngày 28/8, Tổng chưởng lý bang Pennsylvania, ông Josh Shapiro cho biết, hơn 300 linh mục đã xâm hại tình dục ít nhất 1.000 trẻ em tại 6 giáo phận của bang này. Đây là vụ việc xâm hại tình dục trẻ em lớn nhất trong các nhà thờ Công giáo từng được lôi ra ánh sáng ở Mỹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có trẻ nam, nhưng có hai nguyên nhân chính là khoảng trống trong hệ thống pháp luật và nhận thức xã hội. Chế tài xử phạt tuy có nhưng không tương xứng với hành vi xâm hại. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em dù đã có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự, lại được xử lý theo cách “hòa giải”.

Cùng một hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng nạn nhân là bé gái thì người phạm tội có thể bị tử hình, còn nạn nhân bé trai thì chỉ bị xử tù hơn 10 năm. Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em hiện nay chủ yếu áp dụng Bộ luật Hình sự với các tội như hiếp dâm trẻ em (Điều 112), cưỡng dâm trẻ em (Điều 114), giao cấu với trẻ em (Điều 115) và dâm ô đối với trẻ em (Điều 116). Việc xử lý đối với tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em đều buộc phải có hành vi giao cấu thì mới cấu thành tội phạm. Các tội này có khung hình phạt rất cao, tối đa là 15 năm, chung thân hoặc tử hình.

Trong khi đó, theo Từ điển Tiếng Việt,  giao cấu là hành vi giao tiếp giữa bộ phận sinh dục ngoài của giống đực, với bộ phận sinh dục của giống cái, ở động vật. Chính vì điều này mà ở nước ta đối tượng xâm hại tình dục trẻ em nam chỉ có thể bị xử lý ở một tội danh duy nhất là tội dâm ô với trẻ em, với khung hình phạt tối đa chỉ có 12 năm tù. Đây là sự bất cập trong Bộ luật Hình sự. Các nhà làm luật cần nhìn nhận thực tế là có hành vi quan hệ tình dục đồng tính để định nghĩa lại hành vi mại dâm, môi giới mại dâm đồng tính cũng như các khái niệm giao cấu; người bị hại không chỉ trẻ em gái mà còn có cả trẻ em nam. Từ đó mới có cơ sở xử lý tương xứng với hành vi phạm tội, bảo vệ sự phát triển bình thường của trẻ em nam.

Các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho rằng khi bị xâm hại tình dục, sự tổn thương về thể xác lẫn tinh thần của các bé trai không hề nhẹ nhàng hơn các bé gái. Thậm chí hậu quả bé trai phải gánh chịu còn nặng nề hơn vì các em phải chịu đựng sự “kỳ thị kép”.

Là nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục đã là một cơn ác mộng khủng khiếp, nhưng quan niệm của xã hội về việc các bé trai phải mạnh mẽ, không thể nào là nạn nhân khiến cho vết thương tâm lý của các em còn nặng nề hơn. Các bé trai nạn nhân thường chọn cách im lặng vì xấu hổ. Đây cũng là điều mà những kẻ xâm hại lợi dụng để thoát tội.

Mặc dù số nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao hơn nhưng các nạn nhân nam có rất ít sự lựa chọn trong việc điều trị tâm lý, thậm chí là ở những quốc gia phát triển, chẳng hạn Mỹ. Các em cần có bác sĩ trị liệu và bác sĩ lâm sàng được đào tạo, có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực xâm hại tình dục trẻ em nam. Đối với nhiều nạn nhân xâm hại tình dục trẻ em nam thì việc kể lại câu chuyện bị lạm dụng rất khó khăn. Nếu các em gặp phải các bác sĩ trị liệu thiếu kinh nghiệm về xâm hại tình dục trẻ em nam thì câu chuyện càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo 1in6.org, việc bị lạm dụng tình dục gây hậu quả sâu sắc, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ em nam. Các em thường bị trầm cảm, căng thẳng sau sang chấn, lớn lên lạm dụng rượu bia, chất kích thích, nguy cơ tự tử cao gấp 2 lần so với những người đàn ông khác.

Quan niệm truyền thống về đàn ông được gắn với sự “mạnh mẽ”. Người lớn thường dạy những cậu bé rằng các em cần phải nam tính, kìm nén cảm xúc để bộc lộ cái tôi mạnh mẽ, hết sức tránh ủy mị. Tư tưởng này khó có thể chấp nhận chuyện một bé trai kể lể về chuyện mình bị xâm hại tình dục. thậm chí kết tội các em rằng vì ít nam tính, yếu đuối nên không thể bảo vệ chính mình.

Sự ghê sợ với người đồng tính cũng đóng một vai trò đáng kể. Nhiều người cho rằng những bé trai bị xâm hại tình dục hoặc là “bị” đồng tính hoặc có thể “biến thành” người đồng tính sau các vụ xâm hại. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lệch bởi xâm hại tình dục xảy ra với mọi người ở mọi xu hướng giới tính.

Những lỗ hổng về pháp lý và nhận thức nói trên cần được nhanh chóng loại bỏ để giảm thiểu tới mức thấp nhất những trường hợp trẻ em nam bị xâm hại trong một thời gian dài, có quy mô tập thể mà các nạn nhân không dám tố cáo thủ phạm, còn những người xung quanh cũng không đánh giá nghiêm trọng những vụ việc này, vô tình trở thành kể đồng thuận, bao che, không tố giác. Sự việc ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, là một bài học cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc và sâu sắc.

TTXVN/Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm