08/02/2018 15:44 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Cần đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích Thành cổ Hà Nội và Thành Cổ Loa là ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017; phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội (gọi tắt là Hội đồng khoa học). Hội nghị do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức ngày 8/2.
Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, năm 2017, Hội đồng tư vấn khoa học đã giúp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, kịp thời giải đáp những vướng mắc trong bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.
Cũng trong năm 2017, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò gần 1000 m2 phía Đông nền điện Kính Thiên; kết quả đã phát lộ một dòng chảy nhân tạo lớn theo chiều Bắc – Nam cuối thời Lê Trung Hưng; nền gạch, móng cột, cống thoát nước…có niên đại từ thời Lý và nhiều di vật thuộc nhiều thời kỳ từ thời Đại La đến thời Nguyễn.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Trung tâm đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu, trưng bày, triển lãm và đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu khu di tích Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tọa đàm về khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch; thường xuyên tổ chức các hoạt động quản lý, bảo tồn, bảo quản di tích, bảo vệ, nâng cấp hạ tầng tại khu vực Hoàng thành, Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, bảo vệ chống vi phạm di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa; trao đổi với các đoàn đại biểu đến từ nước ngoài như Pháp, Bỉ… về các lĩnh vực khảo cổ, bảo quản hiện vật, đánh giá tác động môi trường…
Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận định, giá trị văn hóa, lịch sử của Hoàng thành Thăng Long và thành Cổ Loa đã rất rõ ràng. Để nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích, Trung tâm cần có cơ chế quản lý tập trung và giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa phi vật thể của di tích, gắn với phát triển du lịch văn hóa.
Chung quan điểm với nhà sử học Lê Văn Lan, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia và Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê bổ sung, việc tuyên truyền các giá trị di sản phải hướng tới quần chúng, nhất là với giới trẻ. Với một khu di tích có giá trị lớn và khai quật trên diện tích rộng như Thành cổ Thăng Long, cần có phương án thống nhất bảo tồn khu di tích, nhanh chóng hoàn thiện bàn giao di vật. Đặc biệt, việc khai quật phải đúng luật nhưng không kéo dài, sau khi khai quật nên có phương án trưng bày hiện đại nhưng phù hợp với các yếu tố văn hóa.
Ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, trong năm 2017, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức một số sự kiện có giá trị giáo dục cao. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của Trung tâm còn một số tồn tại, hạn chế như chưa có phương án bảo tồn chi tiết khu di tích, các dịch vụ, sự kiện chưa mang tính bền vững, hệ thống biển chỉ dẫn chưa đồng bộ...
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức các sự kiện thường niên mang tính truyền thống để nhân lên các giá trị văn hóa của di sản. Bên cạnh đó, Trung tâm cần đẩy nhanh tiến độ khai quật khảo cổ học để có thêm giá trị trong lòng đất, đôn đốc các đơn vị liên quan bàn giao hiện vật trong thời gian sớm nhất, thống nhất với Văn phòng Quốc hội về việc trưng bày di vật tại tầng hầm tòa nhà Quốc hội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khẩn trương thiết kế, lập dự án bảo tồn, khai thác hiện vật; triển khai dự án sửa chữa điện Kính Thiên, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để tiếp nhận diện tích đất thuộc di sản Thành cổ Hà Nội mà hiện nay Bộ Quốc phòng đang quản lý; phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Sun Group để lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu di tích thành Cổ Loa.
Đặc biệt, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Hội đồng tư vấn khoa học, Trung tâm cần xây dựng các chương trình bảo tồn và giới thiệu văn hóa mang tính bền vững, gắn với vùng Thủ đô để Hoàng thành Thăng Long trở thành nơi giao lưu hội tụ, trung tâm văn hóa không chỉ của Hà Nội mà còn của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Mai Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất