Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều: Nguyễn Bình - Một mẫu hình của tác giả trẻ

01/02/2022 19:09 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhiều người còn nhớ, hơn 10 năm trước, cậu bé 10 tuổi Nguyễn Bình (sinh năm 2001) đã nổi lên như một “thần đồng” với bộ tiểu thuyết giả tưởng 3 tập Cuộc chiến với hành tinh Fantom (NXB Trẻ, 2011).

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: Giải Tác giả Trẻ là 'vườn ươm' cho văn học

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: Giải Tác giả Trẻ là 'vườn ươm' cho văn học

“Ở hiện tại, họ là những nhà văn trẻ nhưng 10 năm sau sẽ khác, và nhiều năm sau nữa, họ sẽ là chủ nhân chính của văn học Việt Nam. Cho dù thế hệ chúng tôi bây giờ muốn hay không thì nó vẫn phải đến..."

Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt cậu bé năm xưa đã thành chàng thanh niên Nguyễn Bình, đang học cử nhân Khoa học ngành Thiên văn học và Cử nhân Nghệ thuật ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Arizona, Tucson, Hoa Kỳ. Không chỉ tái xuất với những vần thơ lạ kỳ trên tập sách chuyên đề Viết & Đọc, cuối năm 2021, Truyện Kiều song ngữ với bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Bình đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Bản dịch này đã giúp Nguyễn Bình giành giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 (năm đầu tiên tổ chức).

Để tìm hiểu rõ hơn về tác giả trẻ Nguyễn Bình và ấn bản Truyện Kiều song ngữ Anh - Việt vừa được giới thiệu, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có những chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong buổi giới thiệu bộ sách "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" của tác giả Nguyễn Bình

Từ một người trẻ mê đắm Truyện Kiều

* Được biết, ông có những trao đổi thường xuyên với Nguyễn Bình về sáng tác văn học, dịch thuật. Xin ông chia sẻ một số đánh giá về quá trình tác giả Nguyễn Bình dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Anh?

- Khi Nguyễn Bình sang Mỹ học về Thiên văn học, có trao đổi với tôi một trong những khát khao của cậu ấy là dịch Truyện Kiều để “chuyển dịch” ra thế giới. Nguyễn Bình đã đọc nhiều bản dịch Truyện Kiều khác nhau của những tác giả đi trước và giàu kinh nghiệm. Nhưng cậu ấy vẫn muốn làm một bản dịch theo cách, tinh thần của mình, và cậu muốn truyền lửa.

Tôi động viên Nguyễn Bình rất nhiều và tôi thấy xúc động. Bởi là một người trẻ nhưng Nguyễn Bình rất yêu Truyện Kiều, nghiên cứu và rất hiểu Truyện Kiều. Bạn đã từng viết những quan điểm về Truyện Kiều cần thiết như thế nào trong thế kỷ 21 đối với những thế hệ người Việt. Với bạn, Truyện Kiều không chỉ là ngôn ngữ tiếng Việt, không chỉ là thi ca, ở đó còn chứa đựng rất nhiều giá trị của một di sản văn hóa, di sản tiếng Việt, di sản thi ca.

Chú thích ảnh
Ấn bản “Truyện Kiều” song ngữ Anh - Việt của Nguyễn Bình

Có 2 vấn đề quan trọng ở trường hợp của Nguyễn Bình dịch Truyện Kiều. Trước hết, ở độ tuổi của một người trẻ (chưa đầy 20 tuổi) nhưng Nguyễn Bình đã nghiên cứu Kiều một cách kỹ lưỡng như một chuyên gia, như một nhà Kiều học. Anh nắm rất kỹ về Kiều và những vấn đề liên quan đến Kiều, kể cả điển tích, điển cố và rất nhiều vấn đề khác xung quanh Kiều. Thêm nữa, Nguyễn Bình yêu Truyện Kiều và thấy được giá trị của Truyện Kiều không phải là một giá trị cổ điển “bất biến” mà cần phải được tìm hiểu, đưa vào và đối chiếu với đời sống đương đại. Thứ hai, Nguyễn Bình đã dấn thân vào dịch Kiều, và chọn được phương pháp dịch khoa học. Chính vì thế bản dịch Kiều của Nguyễn Bình mang lại một tinh thần khác, và có thể gợi mở ra những vẻ đẹp khác của Truyện Kiều. Đó là điều tôi vô cùng ủng hộ.

 * Ông có nhắc nhiều đến sự mới mẻ ở bản dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Bình, vậy bản dịch này có điểm gì đặc biệt so với rất nhiều bản dịch “Truyện Kiều” khác đã có?

- Có lẽ chưa ai nghiên cứu một số sử thi cổ nổi tiếng trên thế giới như Nguyễn Bình. Anh đã làm điều này rất kỹ lưỡng, để đưa vào đối chiếu, so sánh nhằm dịch Kiều một cách tốt nhất. Đó là một phương pháp vô cùng khoa học.

Làm được điều này, Nguyễn Bình có khả năng đọc được bản gốc của các sử thi bằng tiếng cổ của các nền văn hóa khác nhau. Anh thông thạo một số ngôn ngữ cổ điển trên thế giới. Điều này không quá khó hiểu khi ngay từ 6, 7 tuổi, Nguyễn Bình đã đọc Hán tự rất thông thạo. Nguyễn Bình là người rất chịu khó mày mò, cậu nghiên cứu, đọc từ điển Hán - Việt, các văn bản Hán tự thậm chí từ khi chưa cắp sách đến trường.

Chú thích ảnh
Năm 2012, nhà thơ Hữu Thỉnh - khi đó là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - tặng hoa Nguyễn Bình tại buổi giới thiệu sách

* Dịch Kiều khi chưa đầy 20 tuổi, lại thêm dịch Kiều khi đang du học trên đất Mỹ. Là người có những chia sẻ nhất định đối Nguyễn Bình trong quá trình dịch Kiều, theo ông điều gì đã khiến chàng trai trẻ này có thể làm được những điều đáng nể như vậy?

- Thệ trẻ hiện nay thường ít khi quan tâm đến văn học cổ điển, mà chủ yếu tiếp cận những văn bản của văn học hiện đại trong nước, cũng như trên thế giới. Nhưng Nguyễn Bình thì khác. Anh lại là người nghiên cứu vô cùng đắm mê những tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam, trong đó đặc biệt là Truyện Kiều. Nguyễn Bình đọc Kiều với một sự say mê thực sự khi còn rất nhỏ. Và cậu thấy đó là sự cần thiết đối với những người trẻ của Việt Nam. Hơn nữa, Nguyễn Bình còn thấy trong Truyện Kiều chứa đựng những vẻ đẹp kỳ vĩ, sâu sắc và minh triết Việt. Anh muốn cho thế giới thấy Việt Nam có những tác phẩm văn học tầm cỡ.

Cho nên Nguyễn Bình đã ngồi dịch Kiều trong khi đang làm một sinh viên học hành bận rộn. Anh đã tập trung dịch Kiều một cách ý thức vô cùng. Ngoài niềm đắm mê, là ý thức tôn trọng những giá trị văn học cổ điển, những giá trị tiếng Việt, những giá trị văn hóa dân tộc, quan trọng hơn Nguyễn Bình muốn truyền bá những giá trị đó cho thế giới. Nguyễn Bình từng nói đây là một thách thức vô cùng lớn nhưng niềm đắm mê đã lớn hơn cả sự thách thức. Sau cùng Nguyễn Bình đã làm được.

Vài nét về tác giả Nguyễn Bình

Sinh ngày 16/12/2001, đang học Cử nhân Khoa học ngành Thiên văn học và Cử nhân Nghệ thuật ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Arizona, Tucson, Hoa Kỳ. Anh sáng tác bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Tác giả của bộ tiểu thuyết giả tưởng 3 tập Cuộc chiến với hành tinh Fantom (NXB Trẻ, 2011) khi mới 10 tuổi. Tác phẩm được Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tặng Bằng khen, Hội đồng Đội trung ương và Báo Thiếu niên Tiền phong trao giải Cây bút Tuổi hồng.

Đến mẫu hình của tác giả trẻ

* Thưa ông, trước đây Nguyễn Bình được ví như “thần đồng” khi mới 10 tuổi đã viết bộ tiểu thuyết “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” gây tiếng tăm. Ở thời điểm hiện tại, Nguyễn Bình đã trở lại chững chạc hơn với bản dịch Kiều bằng lối làm việc nghiêm cẩn, khoa học hệt một nhà Kiều học như ông nói. Vậy ông có nghĩ: Cậu bé năm xưa, giờ đã là học giả?

- Tôi chưa dám gọi Nguyễn Bình là một học giả. Nhưng Nguyễn Bình mang phẩm chất của một học giả, một người nghiên cứu có lớp lang, bài bản, nghiêm túc và có tính khoa học cao.

Đặc biệt, Nguyễn Bình còn làm thơ. Cậu ấy đã từng gửi cho tôi bản thảo của một tập thơ mang tên Bức tường trắng. Trong thơ của Nguyễn Bình cũng lạ lùng vô cùng. Nguyễn Bình viết trong sự nghiên cứu từ Thiên văn học. Anh viết về thế giới này, vũ trụ này và cả con người. Trong quan điểm của Nguyễn Bình mỗi con người cho dù thế nào cũng nằm trong một hệ thống của vũ trụ rộng lớn.

Tôi nghĩ rằng tất cả các yếu tố phương pháp, cách thức, khả năng tư duy, sự thông minh, sự thấu hiểu và ý thức,… được cộng hưởng trong Nguyễn Bình. Anh sẽ là một người làm nghiên cứu vô cùng nghiêm túc và có chiều sâu.

Nguyễn Bình vẫn còn rất trẻ. Nhưng qua trường hợp của Nguyễn Bình, sẽ thấy được một thế hệ đã làm việc hoàn toàn khác. Họ làm việc trên một nền tảng kiến thức được học tập bài bản, kỹ lưỡng kết hợp với sự ý thức, niềm đắm mê, cộng với sự hiểu biết, sự cầu thị trong việc học hành, nghiên cứu, lắng nghe.

Chú thích ảnh
Tác giả trẻ Nguyễn Bình với ấn bản “Truyện Kiều” bên kính thiên văn của Đài Thiên văn Steward (Mỹ)

* Ông có nhắc tới việc Nguyễn Bình còn làm cả thơ ở thời điểm hiện tại. Theo ông, khuynh hướng sáng tác thời trưởng thành của tác giả nhí “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” ngày trước đã thay đổi ra sao?

- Trước đây, Nguyễn Bình chủ yếu được biết đến qua bộ sách Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Ở đó thể hiện trí tưởng tượng của một cậu bé. Nhưng trong trí tưởng tượng của cậu là sự logic của vật lý, vũ trụ, toán học, và nhiều sự tưởng tượng khác.

Thời điểm hiện tại, qua những bài thơ, có thể thấy Nguyễn Bình đã trưởng thành và trở thành một người lớn thực thụ. Ở đó, ý thức về xã hội, ý thức về con người, ý thức về nhiều vấn đề khác được vang lên. Trong thơ của Nguyễn Bình còn chứa đựng tính triết học rất cao. Những bài thơ của Nguyễn Bình sẽ được in và mỗi người cũng sẽ có những cảm nhận riêng nhưng hơn hết ở đó chứa đựng tinh thần và ý thức của một người sáng tác nghiêm túc.

Và đến khi Nguyễn Bình tiếp tục dịch Truyện Kiều, càng cho thấy trong hệ thống sáng tác chung của Nguyễn Bình từ nhỏ viết tiểu thuyết giả tưởng cho đến làm thơ, dịch Kiều, và cả những phát ngôn của Nguyễn Bình là một hệ tư duy đặc biệt. Anh nghiên cứu đến tận cùng gốc rễ của mọi vấn đề mà anh đề cập và hướng tới. Anh ta dùng khoa học, triết học, vũ trụ học để chiếu rọi, cộng thêm trí tưởng tượng kỳ diệu và phong phú sẵn có.

Nguyễn Bình là một trường hợp rất đặc biệt. Nhưng sự đặc biệt không dựa vào những bản năng đặc biệt của sự thông minh, thay vào đó là sự nghiên cứu có bài bản, và học hành một cách nghiêm túc. Nguyễn Bình vẫn luôn luôn nghĩ rằng mọi thứ anh viết ra còn vô cùng hãn hữu, hạn hẹp, còn thiếu sót rất nhiều, và anh thường xuyên phải nghiên cứu và đẩy cao các sáng tác của mình.

Chú thích ảnh
Bộ tiểu thuyết "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" của tác giả Nguyễn Bình được viết khi mới 10 tuổi

* Có thể thấy Nguyễn Bình là một trường hợp đặc biệt ở nhiều khía cạnh, nhất là mặt sáng tác. Liệu ông có chờ đợi gì ở Nguyễn Bình?

- Nguyễn Bình là tín hiệu đáng mừng cho một thế hệ khác hoàn toàn, một thế hệ trẻ và đầy tài năng. Họ sống trong một thời đại có rất nhiều điều kiện để tiếp cận với các nền văn minh, văn hóa, khoa học khác nhau trên thế giới. Chính những điều này sẽ mang đến một thế hệ mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng.

Riêng Nguyễn Bình, tôi muốn anh trở thành một nhà văn. Một nhà văn mà tất cả các yếu tố bản năng, tình yêu, năng khiếu văn học đã được bộc lộ rất rõ. Nhưng anh ta còn được học hành đầy đủ và có ý thức cẩn trọng trong việc đặt bút sáng tác. Tôi đợi chờ ở Nguyễn Bình với tư cách một nhà văn. Một nhà văn có thể đề cập đến những vấn đề lớn của thời đại, bằng những phương pháp, cách thức khoa học và bằng cả sự tinh tế của văn chương.

Nhưng để trở thành một nhà văn lớn dĩ nhiên anh ta phải cộng hưởng rất nhiều yếu tố xung quanh từ trong cuộc sống, sách vở, khoa học, đến những kinh nghiệm, trí tuệ của tất cả các thế hệ đi trước cũng như những vĩ nhân trong lịch sử. Những điều này Nguyễn Bình vẫn luôn luôn đề cập và nghiên cứu.

Từ trường hợp của Nguyễn Bình để thấy các tác giả trẻ Việt Nam trong một thời đại mới, họ phải thoát ra khỏi bản năng. Bởi bản năng chỉ là khởi đầu gợi mở cho họ cảm giác có năng khiếu sử dụng ngôn ngữ. Để trở thành một tác giả lớn việc học hành, việc nghiên cứu là cực kỳ quan trọng. Có một nền tảng văn hóa, một nền tảng tri thức sẽ giúp các tác giả trẻ đi xa. Và Nguyễn Bình là một mẫu hình của các tác giả trẻ như thế.

Triển vọng tạo dựng bản đồ văn học Việt Nam sáng rõ

* Được biết ông là người có những quan sát và quan tâm đặc biệt đến những tác giả trẻ. Từ trường hợp của Nguyễn Bình, ông có cho rằng tương lai gần của nền văn học nước nhà sẽ nảy nở thêm nhiều những cây bút tài năng?

- Tôi tin vào điều đó. Bởi hiện thực đang xuất hiện những người trẻ viết thật hay, rất thông minh, nhuần nhuyễn và cách tiếp cận vấn đề đầy nhanh nhạy, sáng tạo. Thêm nữa, họ có điều kiện mở rộng đọc nhiều các tác phẩm lớn trên thế giới nên thời gian chập chững bước vào con đường sáng tác sẽ ngắn hơn.

Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn lần đầu tiên được tổ chức cho thấy những sáng tạo của người trẻ, khiến chúng tôi có niềm vui và niềm tin. Những tác giả trẻ dưới 35 tuổi, có cả những tác giả rất trẻ chỉ mới 20 tuổi như Nguyễn Bình đã mang lại những tín hiệu cho một nền văn học khởi sắc. Tôi cho rằng, họ sẽ làm lên được diện mạo văn học mới. Và họ với những điều kiện của xã hội, sự mở rộng và dân chủ, sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài về văn hóa, văn chương, khoa học, họ sẽ là những nhà văn tầm cỡ trong tương lai.

* Ngoài tác giả trẻ, được biết trong nhiệm kỳ này Hội Nhà văn Việt Nam còn đặc biệt quan tâm đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Theo ông, liệu rằng có triển vọng nào cho mục tiêu này từ trường hợp của Nguyễn Bình khi dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Anh?

- Chúng tôi đang báo cáo Chính phủ về một chiến lược dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. So với các nước ở quanh khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới vẫn còn ít ỏi, chưa có một chiến lược cụ thể.

Các dịch giả thế hệ trước cũng đã già đi. Chúng ta phải trông chờ vào những dịch giả trẻ ví dụ như Nguyễn Bình và thế hệ của Nguyễn Bình. Tôi tin rằng sự thông thạo ngoại ngữ của những người trẻ chắc chắn sẽ hơn hẳn thế hệ cha anh rất nhiều và rất nhiều. Điều quan trọng nhất là động viên những người trẻ, để họ thấy rằng giới thiệu văn học Việt Nam (như văn học cổ điển, văn học kháng chiến, văn học hậu chiến, văn học đổi mới…) đang là sứ mệnh của những người trẻ, để quảng bá, tiếp cận, giao lưu và tạo dựng bản đồ văn học Việt Nam trên thế giới một cách rõ ràng hơn, sáng tỏ hơn.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

GS Bruce Weigl đánh giá đây là một bản dịch Kiều rất tốt

“Trước đây, các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam chỉ trao cho các tác phẩm nước ngoài được chuyển ngữ, dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam. Nhưng ở giải thưởng Tác giả trẻ lần đầu tiên chúng tôi đặt ra vấn đề của dịch thuật 2 chiều. Chúng tôi sẽ trao giải ở cả 2 chiều, một là những dịch giả trẻ dịch những tác phẩm xuất sắc của thế giới vào Việt Nam, và đồng thời cũng trao giải cho các tác giả trẻ dịch các tác phẩm xuất sắc, quan trọng của Việt Nam ra thế giới. Và Truyện Kiều là lựa chọn tuyệt vời. Chúng tôi đánh giá rất cao ấn bản Truyện Kiều song ngữ Anh - Việt của Nguyễn Bình.

Trước khi chấm giải thưởng, chúng tôi đã nhờ những giáo sư, nhà thơ tên tuổi của nước Mỹ đọc bản dịch Kiều của Nguyễn Bình như một sự “giám định”. Họ đều đánh giá tốt bản dịch này. Ông Bruce Weigl - nhà thơ Mỹ, giáo sư văn chương đã đánh giá đây là một bản dịch rất tốt và mang tới những điều rất mới mẻ trong cách dịch thuật. Ông còn cho rằng bản dịch này sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu Kiều cho các học giả, cho những người nước ngoài muốn nghiên cứu về Truyện Kiều”. (Phát biểu của ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Công Bắc (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm