21/04/2021 00:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tâm điểm của tuần này chính là ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Năm nay giỗ Tổ Hùng vương có 2 thời điểm chính là 17/4 và 21/4 (mùng 6 và 10/3 Âm lịch). Vì vậy, cuối tuần qua, mặc dù thời tiết có mưa nhưng người dân bốn phương vẫn “đội mưa” đổ về Đền Hùng trong ngày lễ hội, thành tâm dâng lễ tưởng nhớ các Vua Hùng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách thập phương về dâng hương tại Đền Hùng được đặt lên hàng đầu…
Trong trạng thái bình thường mới vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Covid-19, giỗ Tổ Hùng Vương 2021 đã có sự điều chỉnh phù hợp, tập trung tổ chức các hoạt động phần lễ trong các ngày 17/4 và 21/4. Phần hội sẽ chỉ có một số hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như: Đánh trống đồng, đâm đuống (từ ngày 7 đến 9/3 Âm lịch), Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giày tỉnh Phú Thọ lần thứ 8 (ngày 8/3 Âm lịch).
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng tổ chức một số hoạt động gồm: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”, Giải Bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng năm Tân Sửu; VCK cúp Hùng Vương - Giải bóng chuyền vô địch Quốc gia năm 2021, diễn ra từ ngày 18 đến 21/4 tại Nhà Luyện tập và thi đấu thể thao tỉnh Phú Thọ; trình diễn hát Xoan làng Cổ từ ngày 17 đến 21/4 tại Miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Hùng Lô - thành phố Việt Trì; tổ chức tour du lịch đêm Đền Hùng “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ"...
Đặc biệt, Phú Thọ được phép tổ chức một điểm bắn pháo hoa tầm cao với thời lượng không quá 15 phút vào tối 20/4 tại TP Việt Trì.
Tưởng nhớ và biết ơn các Vua Hùng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi người dân Việt Nam. Mặc dù tâm lý ai cũng mong muốn về Đền Hùng để dâng hương trong dịp này nhưng vì nhiều lý do khác nhau, thêm nữa do ảnh hưởng dịch bệnh, cho nên không phải ai cũng có đủ điều kiện về đây thực hành các nghi lễ tâm linh, tham gia các hoạt động văn hóa, tham dự các giải đấu thể thao...
Nắm bắt được tình hình này, tỉnh Phú Thọ đã vận động, khuyến khích các gia đình trên địa bàn tỉnh có mâm cơm (do gia đình tự chuẩn bị) đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc trong ngày 10/3 Âm lịch.
Thiết nghĩ, không chỉ người Phú Thọ, người dân trong cả nước hay ở nước ngoài nếu không về dâng hương tại Đền Hùng, chúng ta hoàn toàn có thể thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bằng cách bài trí làm mâm cơm theo phong tục cổ truyền, thành kính dâng lên thể hiện sự tri ân với tổ tiên trong ngày 10/3 (Âm lịch) tới đây. Trong mâm cơm cúng tổ đó nên có những món cơ bản là: bánh chưng, bánh giày và cơm tẻ. Đó là 2 thứ bánh gắn chặt với văn hóa thời kỳ Hùng Vương, còn cơm tẻ cũng do Vua Hùng dạy dân cấy lúa mà ra. Không gì đẹp bằng một mâm cỗ cúng tổ như thế.
Lịch sử đã ghi lại, ngày 19/9/1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!
“Giữ lấy nước” theo căn dặn của Bác là bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia. Ngoài ra, đó còn là giữ gìn những phong tục, bảo tồn những nét đẹp văn hóa trong việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng dân gian nói chung và tín ngường thờ cúng Hùng Vương nói riêng.
Việc mỗi gia đình làm mâm cơm cúng trong ngày giỗ tổ là cơ hội để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn viên tưởng nhớ công ơn Vua Hùng đã có công dựng nước. Đó cũng là cùng nhau “giữ lấy nước” vậy.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất