Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký: Thắp lửa yêu nghề cho giới trẻ

20/11/2013 08:19 GMT+7 | Giáo dục

(lienminhbng.org) - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam và cuốn hồi ký Tôi đi học đại học (NXB Trẻ và First News ấn hành) của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký được tái bản lần thứ nhất, tại TP. HCM vừa diễn ra buổi giao lưu với thầy Ký - người cả đời viết sách, dạy học chỉ bằng đôi chân.

Tấm gương vượt khó của thầy Nguyễn Ngọc Ký được nhiều thế hệ học sinh biết đến qua sách giáo khoa. Trong buổi giao lưu, thầy Ký đã tâm sự nhiều điều với các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên về cuộc đời đi học và đi dạy học của ông.

Năm 1970, chàng trai Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội. Được đào tạo  để làm công tác nghiên cứu văn học, thế nhưng ngay sau đó, trong một lần được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng đã khuyên Nguyễn Ngọc Ký nên về quê dạy học.

Theo lời thầy Ký: “Bác Phạm Văn Đồng nói rằng: Ký đã luyện viết bằng chân được thì nhất định sẽ tìm ra cách đứng trên bục giảng. Ký nên về quê vì có gia đình, anh em làm hậu cần giúp Ký trong các sinh hoạt hằng ngày. Và tôi đã nghe lời khuyên của bác Thủ tướng”.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký giao lưu với các bạn trẻ TP. HCM

Về quê đi dạy học khi chưa từng học sư phạm ngày nào, lại bị liệt hai tay nên thầy Ký đã suy tư rất nhiều để làm sao dạy thật tốt. Thầy Ký cho biết, những lớp học có nhiều học sinh cá biệt đã được giao cho thầy làm chủ nhiệm. Trong một thời gian ngắn, lớp cá biệt vươn lên đứng đầu trường. Có lẽ, tấm gương vượt khó của người thầy khiến những cô cậu học trò vốn tinh nghịch trở nên ngoan hiền!

Phương pháp sư phạm của thầy Ký cũng “không đụng hàng”. Để học trò nắm kiến thức, thầy Ký đã nghĩ ra các câu đố bằng thơ để học trò tìm câu trả lời. Chính cách dạy và học này khiến học trò của thầy Ký mau chóng nắm vững kiến thức bài giảng. Ví dụ, khi dạy bài về nhà giáo Chu Văn An, thầy Ký ra câu đố: “Ai người thầy giáo tuyệt vời/ Trò ông bao đấng nên người tài danh/ Thương dân, căm lũ nịnh thần/ Dâng “Thất trảm sớ” chẳng cần lợi danh”.

Sinh năm 1947, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký vẫn làm việc miệt mài dù ông phải chạy thận hơn ba năm nay. Từ ngày về hưu, thầy Ký nhận lời tư vấn qua điện thoại. Ông đã giúp nhiều người vượt qua cơn khủng hoảng về tinh thần, có nhiều trường hợp có ý định tự vẫn đã được ông cảm hóa trở thành người yêu đời.

Ông cho biết, ông cảm thấy rất khỏe khi làm việc hoặc đi giao lưu nói chuyện với bạn đọc nhưng lại rất mệt khi cứ phải nằm trên giường. Công việc hằng ngày của ông hiện nay là viết sách theo đơn đặt hàng của nhiều đơn vị xuất bản và tư vấn qua điện thoại.

Thầy Ký viết sách rất nhiều, đã xuất bản hơn 30 tác phẩm và sắp tới sẽ còn nhiều cuốn sách nữa được in. Tuy nhiên, ông cho biết hồi trẻ có ước mơ làm họa sĩ. Trong hồi ký Tôi đi học đại học ở trang 267 có in một bức ký họa do tác giả vẽ cảnh nhà mình bằng màu chì đề ngày 15/9/1967. Nhưng theo thầy Ký, trên thế giới có nhiều người vẽ bằng chân, còn người viết bằng chân không nhiều và do đặc thù của nghề giáo nên ông đã từ bỏ ước mơ vẽ tranh như một nghề.

“Thầy Ký là động lực giúp tôi vượt khó”

Bạn Hoàng Bích Ngọc, sinh viên năm 4 khoa Ngữ văn - ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ tại buổi giao lưu: “Tôi từng được gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký vào năm học lớp 5. Thầy đã in đậm vào tâm trí tôi từ hồi đó, để sau này mỗi khi gặp những khó khăn tôi lại nghĩ về những khó khăn mà thầy đã trải qua, tôi càng có thêm động lực để vượt qua những khó khăn mà mình đang gặp.

Năm sau, tôi sẽ tốt nghiệp ĐH. Và nếu mọi chuyện vẫn thuận lợi, tôi sẽ trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng giống như thầy Ngọc Ký trước đây. Thực sự tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều về nghề nghiệp mà mình đã chọn. Cũng có khi do hoàn cảnh tác động làm ngọn lửa yêu nghề trong tôi phần nào bị ảnh hưởng. Nhưng nhờ có buổi giao lưu hôm nay, ngọn lửa đó tiếp tục được thắp lên. Cũng qua buổi giao lưu này, tôi học được ở thầy cách sáng tạo và tạo hứng khởi cho những bài giảng của mình để học trò tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Tôi biết ơn thầy rất nhiều!”.


TRẠC TUYỀN
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm